Ðức Thánh Cha khai mạc

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông

 

Ðức Thánh Cha khai mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông.

Vatican (Vat. 10/10/2010) - Sáng Chúa nhật 10 tháng 10 năm 2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Ðền thờ thánh Phêrô để khai mạc Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt về Trung Ðông, kéo dài 2 tuần ở Roma với chủ đề "Giáo Hội Công Giáo tại Trung Ðông: hiệp thông và chứng tá. "Ðông đảo những người trở thành tín hữu đều một lòng một ý với nhau" (Cv 4,32).

Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có 177 nghị phụ, trong số này có 19 Hồng Y, 9 Thượng phụ, 72 Tổng Giám Mục và 67 Giám Mục. Phần còn lại là 69 Linh Mục chuyên gia, dự thính viên, cộng tác viên. Tháp tùng sát Ðức Thánh Cha là 4 vị Chủ tịch thừa ủy trong đó có hai vị Chủ tịch danh dự là Ðức Hồng Y Sfeir, Thượng phụ Giáo Chủ Công Giáo Maronit Liban, và Ðức Hồng Y Emmanuel III Delly của Giáo Hội Công Giáo Canđê bên Irak. Hai vị Chủ tịch thừa ủy thực thụ là Ðức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Ðông phương và Ðức Thượng Phụ Youssif III Younan của Giáo Hội Công Giáo Siri ở Liban. Ngoài ra, có 3 chức sắc khác của công nghị Giám Mục này. Hiện diện trong thánh lễ, ngoài 9 ngàn tín hữu Công Giáo còn có một số đại diện của các Giáo Hội Kitô Anh Em.

Ðảm trách phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn 3 ca đoàn khác, đông nhất là Ca đoàn Mẹ Giáo Hội với 85 ca viên, tiếp đến là Ca đoàn Liên Học viện Giáo Hội Ðông phương ở Roma với 35 ca viên, sau cùng là ca đoàn Hy Lạp gồm 22 ca viên.

Ðúng 9 giờ rưỡi, các nghị phụ bắt đầu đi rước từ cuối Ðền thờ tiến lên bàn thờ chính. Phẩm phục vụ của các vị phản ánh hùng hồn đặc tính hoàn vũ và đại đồng của Giáo Hội với nhiều sắc thái khác nhau: các Hồng Y, Giám Mục thuộc nghi lễ latinh mặc áo lễ màu xanh, trong khi các Thượng Phụ và Giám Mục thuộc các nghi lễ Ðông phương mang phẩm phục màu trắng, màu vàng, và các màu khác theo lễ điển của mình. Trong khi đó ca đoàn và cộng đoàn hát kinh cầu xin ơn phù trợ của các thánh.

Trong lời dẫn nhập đầu thánh lễ, Ðức Thánh Cha nói: "Trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục này Chúa ban cho chúng ta một thời gian thuận tiện để cùng nhau cầu nguyện, đối chiếu bản thân chúng ta với Lời Chúa không bao giờ qua đi và suy tư về những thách đố và cơ hội mà Giáo Hội tại Trung Ðông đang gặp ngày nay. Chúng ta hãy chuẩn bị cho những ngày làm việc khẩn trương này, xin Chúa ban ơn thánh vì không có ơn Chúa chúng ta không thể làm được gì. Chúa Kitô sẽ thực sự hiện diện giữa chúng ta nơi đây, dưới hình bánh và rượu được thánh hiến trên bàn thờ. Chúng ta hãy xin Ngài sai Thánh Thần Chân Lý đến soi sáng tâm trí các Giám Mục miền Trung Ðộng, tụ họp nhau tại Roma này, tòa của người Kế Vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và là nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất Giáo Hội".

Bài giảng Thánh Lễ

Trong bài giảng thánh lễ, trước tiên, Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người dâng lời cảm tạ vị Chúa Tể của lịch sử, vì mặc dù có những biến cố nhiều khi khó khăn và gây chao đảo, Trung Ðông vẫn luôn có sự hiện diện liên tục của các tín hữu Kitô từ thời Chúa Giêsu đến nay. Tại các phần đất ấy, Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô được biểu lộ qua các truyền thống khác nhau về phụng vụ, tu đức, văn hóa và kỷ luật của Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương tự quản đáng kính, cũng như truyền thống la tinh.

Tiếp đến, Ðức Thánh Cha đã diễn giải ý nghĩa các bài đọc nói về việc tướng Naaman xứ Siri được chữa khỏi bệnh cùi và trong số 10 người phong cùi trong phúc âm được chữa lành, có một người xứ Samaria không phải người Do thái trở lại cảm tạ Thiên Chúa. Ngài ghi nhận sự kiện hai người này muốn nói lên tính chất phổ quát của ơn cứu độ. Ơn cứu độ dành cho tất cả mọi người, nhưng qua sự trung gian của dân Israel, rồi đến sự trung gian của Chúa Giêsu Kitô và của Giáo Hội. Cánh cửa sự sống được mở ra cho tất cả mọi người, nhưng đó là "một cánh cửa", nghĩa là một sự bước qua được xác định và cần thiết.

Ðức Thánh Cha cũng nói đến Trung Ðông dưới cái nhìn của Thiên Chúa và của Giáo Hội, khác với cái nhìn của trần thế. Ðó là phần đất của Abraham, Isaac và Giacóp; lãnh thổ của cuộc lưu đầy và trở về từ cuộc lưu đầy, phần đất của đền thờ và các ngôn sứ; phần đất trên đó Con Duy Nhất của Thiên Chúa sinh bởi Ðức Maria, nơi ngài đã sinh sống, đã chết và sống lại, là chiếc nôi của Giáo Hội được thiết lập để mang Tin Mừng của Chúa Kitô đến tận bờ cõi trái đất.

Tiếp tục bài giảng, Ðức Thánh Cha đề cập đến chủ đề của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông và nhấn mạnh đến chủ đích của công nghị Giám Mục này là để thăng tiến tình hiệp thông hầu có thể làm chứng tá cho Tin Mừng của Chúa Kitô. Ngài nói:

"Giáo Hội được thiết lập để trở thành dấu chỉ và dụng cụ của dự phóng cứu độ duy nhất và phổ quát của Thiên Chúa giữa loài người. Giáo Hội chu toàn sứ mạng này bằng cách trở thành chính mình, nghĩa là "hiệp thông và chứng tá" như chủ đề của Thượng Hội Ðồng Giám Mục được khai mạc hôm nay diễn tả, và gợi lại định nghĩa nổi tiếng của thánh Luca và cộng đoàn Kitô tiên khởi: "Ðông đảo những người trở thành tín hữu một lòng một ý với nhau" (Cv 4,32). Nếu không có hiệp thông thì không thể làm chứng tá: chứng tá lớn nhất chính là cuộc sống hiệp thông. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng: "Cứ dấu hiệu này mà người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy: đó là các con yêu thương nhau" (Ga 13,35). Tình hiệp thông này chính là sự sống của Thiên Chúa được thông ban trong Chúa Thánh Linh, nhờ Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, đó là một hồng ân, chứ không phải là điều mà chúng ta có thể kiến tạo nhờ sức riêng của mình. Và đó chính là điều gọi hỏi tự do của chúng ta và chờ đợi lời đáp trả của chúng ta: sự hiệp thông luôn luôn đòi chúng ta phải hoán cải, như một hồng ân cần luôn luôn được đón nhận và thể hiện một cách tốt đẹp hơn. Các tín hữu Kitô tiên khởi ở Jerusalem thật là ít ỏi. Không ai có thể tưởng tượng được điều sẽ xảy ra sau đó. Và Giáo Hội luôn sống bằng cùng sức mạnh đã làm cho Giáo Hội khởi hành và tăng trưởng. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là biến cố nguyên thủy nhưng đồng thời cũng là một động lực trường kỳ, và Thượng Hội Ðồng Giám Mục là thời điểm đặc biệt thích hợp trong đó ta có thể canh tân ân sủng lễ Hiện Xuống trong hành trình của Giáo Hội, để Tin Mừng được rao giảng một cách thẳng thắn và có thể được mọi dân tộc đón nhận.

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Vì thế, mục đích của công nghị Giám Mục này chủ yếu là mục vụ. Tuy không thể làm ngơ không biết tới tình trạng xã hội và chính trị nhiều khi bi thảm của một số nước, các vị Mục Tử của các Giáo Hội tại Trung Ðông muốn chú tâm vào một số khía cạnh trong sứ mạng của các vị. Về điểm này, Tài liệu làm việc, do Hội đồng tiền Thượng Hội Ðồng Giám Mục soạn thảo, đã nhấn mạnh mục đích Giáo Hội của công nghị GM này, và cho thấy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, Thượng Hội Ðồng Giám Mục muốn làm cho tình hiệp thông của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Ðông được tái sinh động. Trước tiên trong nội bộ của mỗi Giáo Hội, giữa mọi phần tử với nhau: Thượng Phụ giáo chủ, các Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ, những người thánh hiến và giáo dân. Tiếp đến là hiệp thông trong quan hệ với các Giáo Hội khác. Ðời sống Giáo Hội được củng cố như thế sẽ mang lại nhiều thành quả rất tích cực trong hành trình đại kết với các Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội Kitô khác ở Trung Ðông. Ðây là cơ hội thích hợp để theo đuổi cuộc đối thoại xây dựng với người Do thái, những người mà chúng ta được liên kết một cách không thể tách rời do lịch sử lâu dài của Giao Ước, cũng như với người Hồi giáo.

Ngoài ra, công việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này cũng hướng về việc làm chứng tá của các tín hữu Kitô trên bình diện bản thân, gia đình và xã hội. Ðiều này đòi phải củng cố căn tính Kitô của họ nhờ Lời Chúa và các bí tích. Tất cả chúng ta đều cầu mong các tín hữu cảm thấy niềm vui sống tại Thánh Ðịa, là phần đất được chúc phúc nhờ sự hiện diện và mầu nhiệm phục sinh vui mừng của Chúa Giêsu Kitô. Qua dòng lịch sử, các nơi thánh ấy đã thu hút nhiều tín hữu hành hương và cả các cộng đoàn dòng tu nam nữ đã coi như một đặc ân lớn vì được sống và làm chứng tá tại Quê hương của Chúa Giêsu. Tuy gặp khó khăn, các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa được mời gọi phục hồi ý thức mình là những viên đá sống động của Giáo Hội tại Trung Ðông, tại những nơi Thánh của ơn cứu độ chúng ta. Nhưng việc sống một cách xứng đáng tại quê hương của mình trước tiên là một nhân quyền cơ bản: vì thế, cần phải tạo những điều kiện thuận lợi cho hòa bình và công lý, là những điều không thể thiếu được để có một sự phát triển hài hòa của mọi người dân trong miền này. Do đó, tất cả đều được mời gọi đóng góp phần của mình: cộng đồng quốc tế, qua việc hỗ trợ con đường đáng tín nhiệm, chân thành và xây dựng, dẫn tới hòa bình: tiếp đến là các tôn giáo có nhiều tín đồ tại Trung Ðông, qua việc thăng tiến các giá trị tinh thần và văn hóa liên kết con người với nhau và loại trừ mọi hình thức bạo lực. Các tín hữu Kitô sẽ tiếp tục phần đóng góp của mình không những qua những hoạt động thăng tiến xã hội, như các tổ chức giáo dục và y tế, nhưng nhất là với tinh thần các Mối Phúc Tin Mừng, linh hoạt việc tha thứ và hòa giải. Trong sự dấn thân như thế, họ luôn luôn được sự hỗ trợ của toàn thể Giáo Hội, như sự hiện diện long trọng tại đây của các Ðại biểu của hàng GM thuộc các đại lục khác.

Trong phần rước lễ, 80 linh mục đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu.

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kéo dài 2 tiếng và kết thúc lúc 11 giờ rưỡi. Sau đó lúc 12 giờ trưa, Ðức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong dinh Tông Tòa lúc để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với 50 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô dưới bầu trời nắng thu.

Trong bài huấn dụ ngắn, Ðức Thánh Cha cũng nói đến Thượng Hội Ðồng Giám Mục Trung Ðông vừa long trọng khai mạc với thánh lễ trước đó. Ngài nói: "Khóa họp đặc biệt này kéo dài 2 tuần, với sự tham dự của các vị Chủ Chăn của Giáo Hội sống tại miền Trung Ðông, một miền rất khác biệt: thực vậy, tại các lãnh thổ này, Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô được biểu lộ rất phong phú qua những truyền thống cổ kính. Ðề tài chúng tôi sẽ suy tư là: "Giáo Hội Công Giáo tại Trung Ðông: hiệp thông và chứng tá." Thực vậy, tại các nước ấy, bị chia rẽ sâu xa và xâu xé vì những xung đột từ lâu, Giáo hội được mời gọi trở thành dấu chỉ và dụng cụ hiệp nhất và hòa giải, theo mẫu gương cộng đồng tiên khởi ở Jerusalem, trong đó "Ðông đảo những người trở thành tín hữu một lòng một ý với nhau" (Cv 4,32). Nghĩa vụ này thật cam go vì các tín hữu Kitô tại Trung Ðông thường phải chịu những điều kiện sinh sống khó khăn, trên bình diện cá nhân cũng như gia đình và cộng đoàn. Nhưng tình trạng đó không được làm chúng ta nản chí: chính trong bối cảnh đó mà sứ điệp của Chúa Kitô càng trở nên cần thiết và cấp thời: "Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Trong cuộc viếng thăm mới đây của tôi tại Cipro, tôi đã giao Tài Liệu làm việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục này; giờ đây, công nghị Giám Mục này được khởi sự, tôi mời gọi tất cả mọi người hãy cầu nguyện xin Chúa tuôn đổ dồi dào hồng ân Thánh Linh.

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến Tháng 10 là tháng Mân Côi và ngài mời gọi mọi người "hãy để cho Ðức Mẹ Mân Côi hướng dẫn trong kinh nguyện cổ kính nhưng luôn mới mẻ này, là kinh nguyện được Mẹ đặc biệt quí chuộng vì dẫn chúng ta đến thẳng Chúa Giêsu, chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ của Chúa: vui, thương, mừng và vinh hiển. Tiếp nối Ðấng Ðáng Kính Gioan Phaolô 2 (Xc Tông thư Rosarium Virginis Mariae), tôi muốn nhắc nhớ rằng kinh Mân Côi là kinh nguyện Kinh Thánh, toàn toàn được dệt bằng Thánh Kinh. Ðó là kinh nguyện của tâm hồn trong đó việc lập đi lập lại kinh Kính Mừng hướng tư tưởng và lòng mến về Chúa Kitô, và tín thác cầu khẩn Mẹ của Chúa và là Mẹ chúng ta. Ðó là kinh nguyện giúp suy niệm Lời Chúa và hấp thụ việc hiệp lễ, theo mẫu gương Mẹ Maria cẩn giữ trong lòng điều mà Chúa Giêsu đã làm và đã dạy, và chính sự hiện diện của Chúa nữa. Sau kinh truyền tin, Ðức Thánh Cha đã ban phép lành cho mọi người.

Trong lời chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng, Ðức Thánh Cha đặc biệt ca ngợi Chiến dịch đại phúc cho giới trẻ 2010 ở Roma do Ủy ban giáo phận mục vụ giới trẻ tổ chức. Năm nay chiến dịch đi tới hai khu vực Tor Bella Monaca và Torre Angela với nhiều sáng kiến linh hoạt về tinh thần, các cuộc gặp gỡ trong các giáo xứ, các trường học và đại học, viếng thăm các bệnh nhân. Ở trung tâm của tất cả các hoạt động ấy có việc Chầu Thánh Thể, nghĩa là sự hiện diện sinh động của Chúa Giêsu Kitô hằng sống. Ðức Thánh Cha nói: "Tôi đặc biệt quí chuộng các thừa sai trẻ trung, các chủng sinh và tất cả những người dấn thân trong kinh nghiệm này. Xin Chúa làm cho các hạt giống Tin Mừng mà các con đã gieo vãi trong niềm tin yêu!"

Các bạn trẻ đã reo hò cám ơn Ðức Thánh Cha vì những lời khích lệ và họ giơ cao biểu ngữ với những hàng chữ nói lên căn tính của chiến dịch.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page