Thượng hội đồng

Giám mục thế giới về Trung Ðông

trong bối cảnh những cuộc xung đột trong vùng

 

Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông trong bối cảnh những cuộc xung đột trong vùng.

Trung đông [Asianews 6/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thượng hội đồng Giám mục thế giới đặc biệt về Trung đông sẽ khai diễn tại Vatican vào ngày Chúa Nhựt 10 tháng 10 và kết thúc vào ngày 24 tháng 10 năm 2010.

Trong danh sách những người được mời tham dự Thượng hội đồng lần này, người ta thấy có tên của cha Samir Khalil Samir, một linh mục Dòng Tên chuyên về Hồi giáo học.

Trong một bài viết được hãng thông tấn Asianews cho phổ biến hôm 6 tháng 10 năm 2010, cha Samir cho biết: các tài liệu chuẩn bị Thượng hội đồng đều ghi nhận rằng tình hình chính trị trong vùng và cuộc xung đột giữa Israel và Palestine ảnh hưởng đến đời sống của các tín hữu Kitô trong vùng.

Trước hết, cha Samir nói đến cuộc xung đột giữa hai hệ phái Hồi giáo Sunni và Shiite. Theo cha, cuộc xung đột nội bộ Hồi giáo này gia tăng tình hình căng thẳng tại Trung đông. Trọng tâm của vấn đề chính là việc Liên hiệp quốc thiết lập một tòa án quốc tế để cho điều tra và xét xử những người chủ mưu sát hại thủ tướng Liban, ông Rafik Hariri ngày 14 tháng 2 năm 2005.

Bên ngoài, xem ra chính phong trào Hezbollah là tổ chức đã đóng vai trò tích cực trong vụ mưu sát. Và bởi vì phong trào này được võ trang, ngay cả bởi quân đội Liban, cho nên cuộc xung đột lại càng trầm trọng hơn. Mặt khác, trong toàn thế giới hồi giáo Á rập, không ai muốn thấy có chiến tranh hay một cuộc đối đầu với Iran. Mà đằng sau Hezbollah lại là Iran. Do đó, vấn đề không chỉ liên hệ đến các tín hữu Kitô, mà là người Hồi giáo chống lại người Hồi giáo. Các tín hữu Kitô nói riêng và Liban nói chung phải đứng giữa hai làn đạn.

Trong khi đó thì Syria, theo truyền thống, luôn tìm cách làm vừa lòng cả hai phía. Nước này đang giữ khoảng cách với Hezbollah và tìm cách xích lại gần với Á rập Saudi nhưng đồng thời lại đưa những người Liban nào không thuộc phong trào Hezbollah ra xét xử vì vụ mưu sát thủ tướng Hariri.

Theo cha Samir, dù tình hình xem ra căng thẳng, nhưng không ai muốn có chiến tranh.

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine cũng là vấn đề mà Thượng hội đồng Giám mục thế giới về trung đông không thể không bàn đến. Israel không chấp nhận bất cứ một cuộc triễn hạn nào trong việc định cư trong các vùng lãnh thổ Palestine bị nước này chiếm đóng. Mặt khác, ngay cả những thành phần diều hâu nhứt tại Israel cũng chấp nhận giải pháp cho Palestine được thành lập quốc gia. Ðây là đề nghị hợp lý nhứt.

Theo cha Samir, đây cũng phải là giải pháp mà Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông nên đề ra. Hiện nay, hầu như quốc gia Á rập nào cũng ủng hộ giải pháp này và Palestine buộc phải chấp nhận giải pháp này, bởi vì không có các quốc gia Á rập thì Palestine cũng không thể hiện hữu.

Trong bối cảnh này, theo cha Samir, Thượng hội đồng Giám mục thế giới về trung đông cần phải đẩy mạnh ý thức về sứ mệnh của các tín hữu Kitô tại Trung Ðông. Cho đến nay, nhiều Giám mục đã nói đến hiện tượng bỏ nước ra đi của các tín hữu Kitô cũng như tình trạng bạo động trong vùng. Nhưng trong chuyến viếng thăm Thánh Ðịa hồi tháng 5 năm 2009, Ðức thánh cha Benedicto XVI nói rằng nhiệm vụ của các tín hữu Kitô là "phải ở lại" Trung Ðông, bởi vì họ có một sứ mệnh đặc biệt trong vùng này.

Dĩ nhiên, giữa các tín hữu Kitô và người Hồi giáo trung vùng có quá nhiều vấn đề. Hiễn nhiên nhứt là tại Ai cập. Tại đây căng thẳng và xung đột giữa người Hồi giáo và các tín hữu Kitô Copte diễn ra hàng ngày. Tình hình tại Liban, Syria và Palestine có khác. Riêng tại Iraq, tình hình tùy thuộc vào cuộc tranh giành quyền lực giữa hệ phái Sunni và Shiite.

Chính trị luôn ảnh hưởng đến định hướng của mỗi quốc gia và điều này dĩ nhiên chi phối một cộng đồng thiểu số như cộng đồng kito. Tuy nhiên, theo cha Samir, không thể so sánh hoàn cảnh của các cộng đồng Kitô thiểu số tại Trung Ðông với các cộng đồng Hồi giáo tại Âu Châu. Những người Hồi giáo chỉ mới có mặt tại Âu Châu từ vài thế hệ nay. Trong khi đó các tín hữu Kitô đã có mặt tại Trung Ðông trước cả khi Hồi giáo xuất hiện. Họ mới thực sự là người dân bản xứ của vùng này.

Các bài diễn văn của Ðức thánh cha tại Thánh địa và tài liệu chuẩn bị Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông đều kêu gọi các tín hữu Kitô hãy ở lại trong vùng này cho đến cùng. Lý do để họ "ở lại" thật đơn giản: họ có một sứ mệnh tại vùng này.

Theo cha Samir, sứ mệnh đó phải là sứ mệnh "tình thương". Các tín hữu Kitô phải ở lại trong vùng để giúp cho người dân tại đây khám phá Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, mang lại sự sống cho con người, giải thoát họ khỏi mọi gánh nặng. Ðây không phải là vấn đề "chiêu mộ tín đồ" mà là công bình. Ngay cả người Hồi giáo cũng được quyền biết Tin Mừng cũng như các tín hữu có quyền biết Kinh Coran.

Do đó, cha Samir đề nghị: Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông cần phải nói rõ ràng với các tín hữu Kitô: đừng sợ hãi, hãy ở lại Trung đông và ở lại để công bố vẽ đẹp của Tin Mừng.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page