Giáo hội Chính thống Nga và
quyền tối thượng của Ðức giáo hoàng
Giáo hội Chính thống Nga và quyền tối thượng của Ðức giáo hoàng.
[Chiesa on line 6/10/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Sau nhiều thế kỷ chia cách, các Giáo hội Chính thống đang chuẩn bị triệu tập "Một Công Ðồng chung Chính thống". Mặt khác, cuộc đối thoại và hòa giải giữa các Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo cũng đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Trọng điểm của cuộc đối thoại này là quyền tối thượng của Ðức giáo hoàng.
Cuối tháng 9 năm 2010, Ủy ban thần học quốc tế hổn hợp Công giáo và Chính thống đã gặp nhau tại Vienna, Áo quốc, để thảo luận về vai trò của Giám mục Roma, tức Ðức giáo hoàng, trong thiên niên kỷ thứ nhứt.
Người cầm đầu phái đoàn Tòa thánh tại cuộc gặp gỡ là Ðức cha Kurt Koch, người Thụy sĩ, tân chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitoô giáo. Ðại diện của các Giáo hội Chính thống là Ðức cha Joannis Zizoulas, Tổng giám mục Pergamon, một nhà thần học rất được đức Thượng phụ đại kết Bartholomeo I tin tưởng và đồng thời là bạn vong niên của Ðức thánh cha.
Ngoài trừ đức Thượng phụ Bulgaria, tất cả các Giáo hội Chính thống đều có đại diện tại cuộc gặp gỡ. Riêng đức Kyrill, Thượng phụ Mascova và toàn nước Nga đã cử Ðức cha Hilarion, đặc trách ngoại vụ của tòa Thượng phụ, làm đại diện tại cuộc gặp gỡ. Ðây là một sự kiện đáng chú ý, bởi vì trong cuộc gặp gỡ tại Ravenna, Ý hồi năm 2007, do có sự bất đồng với đức Thượng phụ đại kết Constantinople, tòa Thượng phụ Chính thống Mascova đã không cử đại diện đến tham dự. Nhưng cuối cùng, sự bất đồng giữa hai vị Thượng phụ đã được vượt qua và tài liệu chung kết của cuộc gặp gỡ tại Ravenna đã được thông qua.
Tài liệu này khẳng định rằng "tính tối thượng và công đồng tính tương thuộc nhau". Riêng trong đoạn 41, tài liệu nhấn mạnh đến những điểm chung và bất đồng giữa hai bên.
Theo một câu nói của thánh Inhaxio Antiokia, hai bên "đồng ý rằng Roma, với tư cách là Giáo hội chủ tọa trong đức ái, đã chiếm giữ địa vị chủ yếu trong Kitô giáo và do đó, Giám mục Roma là "niên trưởng" giữa các Thượng phụ. Tuy nhiên, hai bên không đồng ý với nhau về việc giải thích bằng chứng lịch sử trong giai đoạn này liên quan những đặc quyền của Giám mục Roma. Ðây là một vấn đề đã từng được hiểu bằng nhiều cách khác nhau trong thiên niên kỷ thứ nhứt".
Kể từ cuộc gặp gỡ ở Ravenna, cuộc thảo luận về những điểm bất đồng đã đạt được nhiều bước tiến tốt đẹp. Cuộc thảo luận về tính tối thượng cũng đã được tiếp tục tại cuộc gặp gỡ ở Creta, Hy lạp, dạo mùa thu năm 2008.
Tháng 10 năm 2009, tại đảo Chypre, với sự hiện diện của một phái đoàn Chính thống Nga, Ủy ban thần học hổn hợp Công giáo và Chính thống, tiếp tục thảo luận về việc thực thi quyền tối thượng của Giám mục Roma trong những thế kỷ đầu của kỷ nguyên thứ nhứt. Ðây cũng chính là đề tài được tiếp tục thảo luận tại cuộc gặp gỡ Vienna. Nhưng ngay từ đầu, các tham dự viên đã phải sửng sốt khi phái đoàn Chính thống Nga đưa ra một số vấn nạn về những gì đã được đồng ý tại các cuộc gặp gỡ trước, nhứt là tại Creta năm 2008.
Vấn nạn chính mà phái đoàn chính thống Nga nêu lên đã được Ðức tổng giám mục Hilarion tóm tắt như sau: tài liệu Creta hoàn toàn có tính cách lịch sử và chỉ nói đến vai trò của Giám mục Roma trong thiên niên kỷ thứ nhứt. Tài liệu không nhắc tới các vị Giám mục của các Giáo hội địa phương khác trong thiên niên kỷ thứ nhứt và như vậy tạo ra cảm tưởng sai lầm về sự phân quyền trong Giáo hội tiên khởi. Hơn nữa, tài liệu cũng không hề đề cập đến quyền tài phán của Giám mục Roma đối với Ðông phương trong thế kỷ thứ nhứt".
Do đó, phái đoàn Chính thống Nga yêu cầu không nên xem tài liệu Creta như một văn kiện chính thức của Ủy ban thần học hổn hợp mà chỉ như một tài liệu làm việc cho những thảo luận chuyên sâu hơn mà thôi.
Về phần mình, hai vị đồng chủ tịch của Ủy ban là Ðức cha Koch và Ðức tổng giám mục Joannis Zizoulas đều công nhận những thành quả tích cực của cuộc gặp gỡ tại Vienna.
Ðức cha Koch nhìn nhận những khác biệt giữa người Công giáo và Chính thống: người Công giáo nhấn mạnh đến tính tối thượng của Ðức giáo hoàng và xem nhẹ công đồng tính.
Về phần mình, Ðức cha Zizoulas nói rằng Chính thống giáo cần làm sáng tỏ quan niệm của mình về tính tối thượng cũng như người Công giáo cần đẩy mạnh ý niệm về công đồng tính. Vị Tổng giám mục Chính thống này ghi nhận rằng lịch sử của Kitô giáo trong thiên niên kỷ thứ nhứt cho thấy rằng Giáo hội Roma là phổ quát, được nhìn nhận có một vai trò đặc biệt, nhưng Ðức giáo hoàng luôn thực thi quyền tối thượng bằng cách tham khảo ý kiến của các Giám mục khác.
Tuy nhiên, Ðức tổng giám mục Hilarion, đại diện phái đoàn Chính thống Nga, đã không đồng quan điểm với Ðức cha Zizoulas. Theo Ðức cha Hilarion, lịch sử của Kitô giáo trong thiên niên kỷ thứ nhứt cho thấy rằng Giám mục Roma chỉ có quyền tài phán tại Tây phương mà thôi. Trong khi đó tại Ðông phương, các lãnh thổ Giáo hội lại được phân chia giữa 4 vị Thượng phụ Constantinople, Alexandria, Antiokia và Gierusalem.
Ðức cha Hilarion khẳng định rằng Giám mục Roma không hề thực thi quyền tài phán trực tiếp tại Ðông phương mặc dù có một vài trường hợp hàng giáo phẩm đông phương nhờ ngài đứng ra làm trọng tài trong các cuộc tranh cãi thần học. Theo đức cha Hilarion, không nên xem những trường hợp này như bằng chứng của quyền tối thượng của giám mục Roma trong Giáo hội phổ quát.
CV.