Tòa thánh lên án
việc chính trị lèo lái tôn giáo
Tòa thánh lên án việc chính trị lèo lái tôn giáo.
Geneve [Zenit 30/9/2010] - Tòa thánh lên án việc chính trị lèo lái tôn giáo.
Hôm 28 tháng 9 năm 2010, trong bài phát biểu tại Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc có trụ sở tại Geneve, Thụy sĩ, Ðức cha Silvano Maria Tomasi, quan sát viên thường trực của Tòa thánh, đã lên tiếng cảnh cáo việc chính trị lèo lái tôn giáo.
Ngày hôm sau, trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Vatican, Ðức cha Tomasi nhấn mạnh rằng "con người cần phải được tự thể hiện trong mọi chiều kích của mình, kể cả thiêng liêng".
Trong cuộc phỏng vấn, Ðức cha quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại các cơ quan của Liên hiệp quốc ở Geneve đã đề cập đến những nguy cơ mà tự do tôn giáo đang gặp phải, đặc biệt khi tôn giáo được xử dụng vào những mục đích chính trị hoặc để lèo lái công luận.
Ðức cha Tomasi nói: "vấn đề tự do tôn giáo hiện đang là một đề tài nóng bỏng trong cuộc tranh luận trên diễn đàn quốc tế". Sở dĩ như thế là vì có một số sự kiện xảy ra tại một số quốc gia như: dự án đốt Kinh Coran hay những vi phạm nhân quyền tại nhiều nước Hồi giáo.
Vì vấn đề tôn giáo ngày càng được chú ý đến trên diễn đàn quốc tế cho nên Ðức cha Tomasi cầu mong rằng các chính phủ cần đề ra "những chính sách nhằm bảo vệ các cá nhân, tín ngưỡng của họ, cộng đồng tôn giáo của họ hầu bảo đảm được sự sống chung hòa bình giữa mọi người".
Ðại diện của Tòa thánh tại các cơ quan của Liên hiệp quốc ở Geneve cũng cảnh cáo rằng ngày nay người ta có khuynh hướng muốn đẩy ra bên lề xã hội tất cả những gì không liên quan đến những quyền lợi kinh tế và những nhu cầu nhứt thời. Ngài khẳng định rằng "con người cần phải được tự thể hiện trong mọi chiều kích, đặc biệt là chiều kích thiêng liêng".
Cách riêng, Ðức cha Tomasi nhấn mạnh rằng "bên kia những bài diễn văn trừu tượng và lý thuyết, cần phải làm sao để trong các cơ cấu và luật pháp quốc gia, nhứt là trong hệ thống giáo dục và tư pháp của mỗi quốc gia, tôn giáo không trở thành một nguyên cớ để tạo ra sự kỳ thị".
Theo vị đại diện của Tòa thánh, "tự do phát biểu là con đường để bảo vệ tự do tôn giáo", bởi vì nếu chúng ta không có tự do để thảo luận, để đối đầu một cách bình thản trước quan niệm của người khác, chúng ta sẽ có nguy cơ tạo ra những nhà nước đàn áp và những chính sách không tôn trọng các quyền con người.
CV.