Kitô giáo tại Algerie
Kitô giáo tại Algerie.
Algerie [La Croix 21/9/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như chúng tôi đã loan tin, hôm thứ ba 21 tháng 9 vừa qua, hai tín hữu tin lành tại Algerie đã bị đưa ra tòa xét xử vì tội gọi là không tuân giữ tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.
Nhiều người đã đến trước tòa án để phản đối việc xét xử và lên án hệ thống tư pháp của nhà nước Algerie. Akli, một giáo viên 44 tuổi, có mặt trong cuộc phản đối , đã tuyên bố: "Việc này đã gây một tổn thất lớn cho nhà nước Algerie".
Biện lý cuộc đã yêu cầu tòa tuyên án 3 năm tù cấm cố cho hai người công nhân Kitô trên đây. Ðám đông có mặt trong cuộc biểu tình phản đối đã hô những khẩu hiệu chống chính phủ bên ngoài tòa án. Thẩm phán đành phải dời việc tuyên án vào ngày 5 tháng 10 năm 2010.
Trước mặt biện lý là người đã tố cáo họ không "tôn trọng một giới luật của Hồi giáo", hai bị cáo đã tuyên bố mình là tín hữu Kitô. Không giữ chay trong tháng Ramadan là một tội trạng được ghi trong bộ luật hình sự của Algerie. Từ 3 năm nay, điều khoản này đã tạo ra nhiều bút chiến và tranh cãi tại Algerie.
Cảnh sát đã dựa vào điều khoản này để bắt giữ nhiều người. Tại Ighzer Amokrane, cách nơi hai tín hữu Tin lành nói trên bị bắt giữ khoảng 60 cây số, cảnh sát đã đột nhập vào một tiệm ăn đang đóng cửa và bắt giữ 6 người thanh niên vì lý do không tuân giữ tháng chay Ramadan. Phiên tòa diễn ra hôm 5 tháng 9 năm 2010 cũng đã làm phát sinh một làn sóng chống đối dữ dội cho nên phải dời đến 8 tháng 11 năm 2010.
Những người tranh đấu cho nhân quyền tại Algerie nói rằng các thanh niên nói trên cũng như hai tín hữu Tin lành bị mang ra xét xử đã không hề gây rối an ninh trật tự.
Riêng ông Mokrane Ait Larbi, luật sư biện hộ cho hai tín hữu Kitô khẳng định rằng việc bắt giữ và xét xử họ là một hành động vi phạm Hiến Pháp Algerie, bởi vì Hiến Pháp này bảo đảm tự do tôn giáo.
Về phần mình, mục sư Mustapha Krikeche, đại diện cho Giáo hội Tin lành tại Algerie, nói rằng vụ xét xử hai tín hữu Tin lành và những vụ khác chứng minh rõ ràng rằng không có tự do tôn giáo tại nước này. Nhưng ông nói rằng ông cảm thấy thật an ủi vì có nhiều người đã lên tiếng chống lại các vụ xét xử này. Theo mục sư Krikeche, xã hội Algerie tỏ ra khoan nhượng hơn Nhà nước.
Phần lớn các vụ tố cáo những hành vi gọi là "không tôn trọng một giới luật của Hồi giáo" trong tháng Ramadan trong những năm gần đây, đều nhắm đến những người Hồi giáo "khô đạo".
Một cuộc thăm dò do Viện Abassa thực hiện và được cho công bố hồi tháng 8 năm 2010 cho thấy có khoảng 36 phần trăm những người Algerie đến tuổi ăn chay chỉ thỉnh thoảng mới giữ chay. 7 phần trăm nói rằng họ không bao giờ tuân giữ luật này.
Ông Hakima, một nhân viên cấp cao trong một xí nghiệp khẳng định rằng "việc giữ chay chỉ tạo ra giả hình. Ða số dân chúng tuân giữ luật này. Nhưng cách đây 20 năm, các tiệm ăn tại trung tâm thủ đô Alger lại mở cửa cho những ai muốn ăn uống".
Phiên tòa xử hai người tín hữu Tin lành về tội không tuân giữ tháng chay Ramadan là hành động đầu tiên trong một loạt những biện pháp kỳ thị nhắm vào những người Algerie không theo Hồi giáo.
Mục sư Krikeche nói: "tôi sợ rằng việc này sẽ mở ra một chiến dịch chóng lại Giáo hội Tin lành tại Algerie. Chúng tôi giữ đạo dưới nhiều sức ép của chính phủ".
Sẽ có 4 nhà truyền đạo của Giáo hội Tin lành ngũ tuần tại Larbaa Nath Irathen, bị đưa ra xét xử vào ngày 26 tháng 9 năm 2010 vì tội gọi là "theo một tôn giáo không có phép" hoạt động.
Tổ chức có tên là "SOS Tự Do" [cứu nguy các tự do] đã đưa ra một tuyên ngôn được đăng tải trên nhiều tờ báo pháp ngữ để kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt giữ và lên án mọi hình thức đàn áp vì vi phạm giới luật Hồi giáo.
Kitô giáo đã cắm rễ tại Bắc Phi từ thời đế quốc La mã, nhưng đã dần dần biết mất tại sau khi vùng này bị người Á rập xâm chiếm vào thế kỷ thứ 7.
Ngày nay, đa số dân tại Bắc Phi theo Hồi giáo. Riêng tại Algerie, Hồi giáo được xem là quốc giáo. Mặc dù hiến pháp bảo đảm tự do tôn giáo, nhưng luật pháp lại tìm cách hạn chế tự do tôn giáo của tất cả những người không theo Hồi giáo.
Mặc dù con số các tín hữu Kitô tại Bắc Phi, cách riêng tại Algerie rất thấp, nhưng người ta vẫn thấy có nhiều ngôi thánh đường được xây cất dưới thời Pháp thuộc. Có nhiều bằng chứng cho thấy trong những năm gần đây có nhiều người Bắc Phi đã trở lại Kitô giáo.
Theo thống kê năm 2009, số tín hữu Công giáo tại Algerie chiếm không tới 2 phần trăm dân số. Nhưng so với các nước khác trong thế giới Á rập, Algerie là nước có tỷ lệ Kitô giáo gia tăng nhanh nhứt.
Các tín hữu Công giáo thường là đối tượng của những cuộc tấn công vì kỳ thị tôn giáo. Năm 1996, Ðức cha Pierre Claverie, Giám mục Oran, đã bị những người Hồi giáo cực đoán sát hại. Trước đó, 7 tu sĩ thuộc đan viện Trappist tại Tiberine và 6 nữ tu khác cũng đã bị giết chết. Trong giai đoạn thường được mệnh danh là "thập niên đen tối" này, tổng cộng đã có từ 100 đến 200 ngàn người Algerie bị thiệt mạng.
Riêng con số các tín hữu Tin lành tại Algerie hiện nay có từ 50 ngàn đến 100 ngàn người. Giáo hội Tin lành là một trong hai Giáo hội được nhà nước Algerie nhìn nhận. Nhưng đa số các tín hữu Tin lành chỉ tổ chức cầu nguyện trong nhà riêng. Những người Hồi giáo trở lại Kitô giáo có thể bị các nhóm Hồi giáo quá khích tấn công. Các nhóm truyền giáo tin lành có thể hoạt động nhân đạo nhưng không được công khai chiêu mộ tín đồ. Kể từ năm 2006, bất cứ ai tìm cách chiêu mộ người Hồi giáo đều có thể bị phạt tù 5 năm. Bộ trưởng tôn giáo vụ Algerie gọi các Giáo hội Tin lành là những tổ chức "nguy hiểm".
CV.