Ðức Thánh Cha gặp gỡ

các Giám Mục Anh quốc

 

Ðức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Anh quốc.

Oscott (Vat. 19/09/2010) - Chiều ngày 19 tháng  9 năm 2010, trước khi giã từ Anh quốc, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã gặp gỡ và gửi lại những lời nhắn nhủ cho 50 Giám Mục Anh quốc và Ecosse.

Ðức Thánh Cha đến Học viện cổ kính St. Mary ở Oscott ngày nay là chủng viện của tổng giáo phận Birmingham, đã góp phần rất nhiều vào việc đào tạo hàng giáo sĩ Công Giáo Anh. Các khu nhà của học viện Oscott hiện nay có từ năm 1838 được xây bằng gạch đỏ theo kiểu kiến trúc của Ðại học Oxford, và được coi là trung tâm của Công Giáo Anh quốc hồi sinh. Học viện ngày nay, như vừa nói, là đại chủng viện của tổng giáo phận Birmingham và hiện có 28 sinh viên, trong đó đó 12 chủng sinh giáo phận và 7 tu sinh thuộc các dòng tu, trong đó có 10 sinh viên đến từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Ðức Thánh Cha mới dùng bữa trưa với các Giám Mục Anh quốc, và các vị thuộc đoàn tùy tùng, sau thánh lễ phong Chân phước vào ban sáng cho Ðức Hồng Y John Henry Newman.

Ngỏ lời trong buổi gặp gỡ tại Nhà nguyện của Học viện Oscott, Ðức Thánh Cha nói đến những thách đố đang được đề ra cho Giáo Hội, đặc biệt là nhu cầu cấp thiết rao giảng Tin Mừng trong một bối cảnh tục hóa cao độ. Trong những ngày trước đó, Ngài đã đích thân thấy có sự khao khát sâu xa nơi dân Anh đối với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Ðức Thánh Cha nói: "Anh em hãy làm tất cả những gì có thể để trình bày trọn vẹn sứ điệp mang lại sức sống của Tin Mừng, kể cả những yếu đố thách thức xác tín thịnh hành trong nền văn hóa hiện nay"

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng mới được thành lập cho các nước vốn có truyền thống Kitô kỳ cựu và ngài cũng đề cao nhiều Phong trào mới của Giáo Hội với đoàn sủng đặc biệt là truyền giáo. Ngài khuyến khích các Giám Mục hãy tìm những con đường thích hợp và hữu hiệu để đưa các phong trào ấy can dự vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

Ðức Thánh Cha xin các Giám Mục Anh quốc hãy chú ý đến những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chánh, đã làm cho bao nhiêu người và gia đình lâm cảnh túng thiếu. Thất nghiệp, thiệt hại về lâu về dài của những thể thức đầu tư sai trái gần đây, ngày càng hiển nhiên. Cần có tình liên đới đối với những người túng thiếu. Tiếng nói ngôn sứ của các tín hữu Kitô có tầm quan trọng đặc biệt trong việc nêu bật những nhu cầu của người nghèo và những người kém may mắn, có thể dễ bị lơ là trong việc phân phối các tài nguyên bị giới hạn. Ðức Thánh Cha nhắc đến uy tín tinh thần của các vị lãnh đạo Giáo Hội bị đe dọa nghiêm trọng vì sự lạm dụng các trẻ em và người trẻ do các Linh Mục và tu sĩ. Ngài nói: "Anh em đã đề ra những biện pháp rất nghiêm túc để chữa trị tình trạng này, để bảo đảm cho các trẻ em được bảo vệ hữu hiệu chống lại mọi thiệt hại, và để xử lý thích hợp và minh bạch đối với những lời tố cáo khi được nêu lên.. Sự hiểu biết ngày càng gia tăng của anh em đối với việc lạm dụng các trẻ em trong xã hội, với những hậu quả tàn hại, và sự cần thiết phải nâng đỡ các nạn nhân một cách tghích hợp, phải kích thích sự chia sẻ với xã hội rộng lớn hơn những bài học mà anh em đã được.

Ðể là những vị hướng đạo Kitô hữu hiệu, chúng ta phải sống trong sự thanh liêm cao độ hơn, khiêm tốn và th ánh thiện, trong sự tái quyết tâm thi hành ơn gọi ngôn sứ và trng sự tái quí chuộng của dân chúng đố ivới đại hồng ân là sứ vụ thánh chức. Cần cầu nguyện cho ơn gọi và chúng ta có thể tín thác Chúa sẽ đáp lại bằng cách gửi thêm các thợ gặt trong cánh đồng của Chúa ở toàn nước Anh.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nhắc đến 2 nghĩa vụ đặc biệt đang chờ đợi các Giám Mục Anh quốc:

- Thứ I là việc sắp công bố bản dịch mới sách lễ Roma. Ngài nói: "tôi khích lệ anh em lợi dụng cơ hội này để đào sâu việc huấn giáo về Thánh Lễ và tái sùng mộ qua cách thức cử hành thánh lễ"

- Thứ II, ngài xin các Giám Mục quảng đại thi hành Hiến Chế "các nhóm Anh giáo" về việc thiết lập các Giáo hạt tòng nhân cho các tín hữu Anh giáo trở lại Công Giáo. Ðức Thánh Cha nói: "Ðiều này phải được coi là một cử chỉ ngôn sứ góp phần tích cực vào việc phát triển quan hệ giữa các tín hữu Anh giáo và Công giáo. Nó giúp chúng ta nhìn đến mục tiêu tối hậu của mọi hoạt động đại kết, đó là tái lập sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo Hội trong sự trao đổi cho nhau những hồng ân thuộc truyền thống tinh thần của nhau, làm cho mọi người được phong phú".

Sau bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha đã chào từ biệt các Giám Mục hiện diện và ngài không quên chúc lành và chụp hình lưu niệm với 130 đại chủng sinh toàn Anh quốc tụ tập tại sân phía trước của trường.

Tiễn biệt

Liền đó ngài ra phi trường quốc tế của thành phố Birmingham. Thủ tướng David Cameron đã có mặt tại đây cùng với các quan chức chính quyền và giáo quyền để tiễn biệt Ðức Thánh Cha vào lúc quá 6 giờ 15 chiều.

Trong lời giã từ, Ðức Thánh Cha cám ơn các giới chức chính quyền vì sự tiếp đón nồng nhiệt đã dành cho ngài. Ngài cũng nhận định rằng "Sự khác tại tại Anh quốc, nhiều cộng đoàn, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo họp thành xã hội Anh hiện đại là một thách đố cho chính phủ và nhân dân nhưng cũng là là một cơ hội lớn cho sự đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo để cho toàn thể cộng đoàn được phong phú.

Ðức Thánh Cha đặc biệt đánh giá cao các cuộc gặp gỡ với Nữ Hoàng và các vị lãnh đạo chính trị. Ngài hy vọng những dịp này có thể góp phần củng cố các quan hệ rất tốt giữa Tòa Thánh và Anh quốc, đặc biệt là sự cộng tác cho việc phát triển quốc tế, chăm sóc môi sinh tự nhiên và xây dựng một xã hội dân sự với ý thức đổi với về các giá trị chung và một mục đích chung.

Ðức Thánh Cha đặc biệt ngỏ lời với các tín hữu Công Giáo ở Anh và nhắc đến các cuộc gặp gỡ với các Giám Mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, cũng như cuộc gặp gỡ với các giáo chức, học sinh, và người già, nhất là lễ phong chân phước cho Ðức Hồng Y John Henry Newman. Ngài nói: "Với gia sản phong phú các tác phẩm nghiên cứu và tu đức của Ðức Hồng Y, tôi chắc chắn rằng Ðức Hồng Y vẫn còn rất nhiều điều để dạy chúng ta về đời sống và chứng tá Kitô, giữa những thách đố của thế giới ngày nay, những thách đố mà Ðức Hồng Y đã thấy trước một cách rất rõ ràng".

Rời Anh quốc, sau gần 3 giờ bay, máy bay chở Ðức Thánh Cha và đoàn tùy tùng cùng với 70 ký giả đã về đến phi trường Ciampino của Roma lúc gần 10 giờ rưỡi tối ngày 19 tháng 9 năm 2010. Ðại diện chính phủ Italia, ông Gianni Letta, Thứ trưởng tại Phủ thủ tướng đã có mặt để đón Ðức Thánh Cha và liền đó ngài dùng xe đi về Castel Gandolfo chỉ cách đó 9 cây số.

Vài phản ứng

Cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha được các giới chào mừng như một thành công lớn, trái ngược với những lời tiên báo trước đó của nhiều báo chí.

Thực vậy, các phương tiện truyền thông ở Anh quốc đã đặc biệt theo dõi và tường thuật về các hoạt động của Ðức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm. Nhiếu báo chí định nghĩa Ðức Thánh Cha là vị "Giáo Hoàng của dân chúng" và vị "Giáo Hoàng của văn bản".

Buổi canh thức tại Hyde Park là một chiến thắng truyền thông lớn. Ðã có 100,000 hiên diện tai công viên và 200,000 tiếp đón Ðức Thánh Cha dọc các lộ trình di chuyển. Các bài giảng và diễn văn của Ðức Thánh Cha đã được nhiều cơ quan truyền thông đăng nguyên văn hay lấy lại nhiều đoạn rất dài. Các bài tường thuật đều đưa ra nhiều ghi nhận như: nào là một "giáo Hoàng khỏe mạnh", "sẵn sàng và hầu như hoảng sợ", "hay ít nhất là ngạc nhiên" vì sự tiếp đón nồng hậu của tín hữu; nào là "một lòng đạo hạnh đích thật của những người tham dự"; rồi người ta cảm nhận được "một ý thức gia đình và cộng đoàn rất mạnh mẽ"; "một hành động tôn thờ Thánh Thể có khả năng là một biến cố truyền hình ngoạn mục nhưng không làm mất đi bản chất của nó"; "chưa từng thấy như vậy bao giờm kể cả trong các buổi trình diễn của ban nhạc Beatles, trong các lần Fidel Castro đọc diễn văn hay trong dịp Kim Khánh của Nữ Hoàng; hay "đây là lần đầu tiên chính quyền Anh cho phép cử hành một lễ nghi tôn giáo trong công viên này".

 

G. Trần Ðức Anh OP và Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page