Công cuộc tái rao giảng

Tin Mừng cho Âu Châu

 

Công cuộc tái rao giảng Tin Mừng cho Âu Châu.

Roma [Catholic on line 20/9/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Tối Chúa Nhựt 19 tháng 9 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã từ giã Anh quốc để trở về Roma. Các đám đông, sứ điệp của Ðức thánh cha, nỗi khao khát chân lý của con người... đó là những yếu tố đã làm cho chuyến viếng thăm Anh quốc từ ngày 16 đến 19 tháng 9 năm 2010 của Ðức thánh cha trở thành một biến cố lịch sử đáng ghi nhớ.

Tuy nhiên, mặc dù đức thánh cha đã rời Anh quốc để trở về Roma, sứ mệnh được ngài vạch ra trong chuyến viếng thăm chỉ mới bắt đầu. Ðó là sứ mệnh tại rao giảng Tin Mừng cho Anh quốc và ngang qua nước này cho toàn thể lục địa Âu Châu.

Có lẽ điều đáng ghi nhận nhứt trong chuyến viếng thăm là phản ứng của báo chí tại Anh. Chỉ trước đó vài tháng, báo chí nước này tiên đoán rằng Ðức thánh cha sẽ bị "bắt giữ" khi vừa đặt chân đến Anh. Nếu không thì ngài cũng sẽ được "dàn chào" bởi những đám đông phẫn nộ phản đối chuyến viếng thăm. Mỉa mai thay, mặc dù cũng có người phản đối, nhưng con số này tương đối không nhiều. Những con số đang chú ý hơn trong chuyến viếng thăm chính là những đám đông khổng lồ tập trung trong bất cứ cuộc gặp gỡ nào với Ðức thánh cha.

Phản ứng của báo chí về hiện tượng này đã được phản ánh qua nhận định của phóng viên David Wiley của đài BBC như sau: "Ðiều đã đánh động các quan sát viên về các chuyến tông du chính là sự kiện khắp nơi dân chúng đã đáp trả lại một cách tự phát trước sự khiêm tốn tỏ tường và khả năng của Ðức giáo hoàng, ngay cả khi đề cập đến những vấn đề thần học nghiêm chỉnh, khi truyền đạt những khái niệm luân lý bằng ngôn ngữ bình dị. Mở đầu bài giảng trong thánh lễ tôn phong Chân phức cho Ðức hồng y John Henry Newman, Ðức giáo hoàng đã cất lên một cung giọng vang lên giữa đám đông. Như thủ tướng Anh, ông David Cameron đã ghi nhận trong bài diễn văn từ giã, vị Giáo hoàng 83 tuổi này đã khiến cho toàn thể đất nước phải "ngồi xuống và suy nghĩ".

Tuy nhiên, Ðức thánh cha không chỉ kêu gọi nước Anh "ngồi xuống và suy nghĩ". Ngài còn mời gọi nước này hãy quỳ gối xuống và cầu nguyện. Khẩu hiệu "Trái tim nói với trái tim" mà Ðức hồng y Newman đã chọn khi được nâng lên bậc Hồng y đã được chọn làm chủ đề của chuyến viếng thăm của đức thánh cha. Người kế vị thánh Phero đã tái rao giảng Tin Mừng cho Anh quốc bằng cách chinh phục trái tim của mọi người khi mang đến sứ điệp giải phóng của Chúa Giêsu Kitô.

Ngài đã kêu gọi nhân dân Anh hãy suy nghĩ về lịch sử Kitô của họ, hãy trở về cội rễ của họ và hãy quỳ gối xuống. Ngài công bố rằng chỉ có Thiên Chúa, Ðấng đã được mạc khải trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô, mới có thể thỏa mãn nỗi khao khát trong tâm hồn mỗi người. Ngài rao giảng rằng Chúa Giêsu Kitô đang tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Ngài xuyên qua Giáo hội là Thân Thể của Ngài.

Chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức thánh cha thiết yếu là một chuyến đi truyền giáo. Trong chuyến đi truyền giáo này, không thỏa hiệp nhưng cũng chẳng huênh hoang, Ðức thánh cha công bố rằng Tin Mừng viên mãn chỉ có thể tìm thấy trong sự thông hiệp trọn vẹn với Giáo hội Công giáo mà thôi. Ngài khẳng định rằng con đường duy nhứt để phục hồi nền văn minh tây phương chính là phục hồi linh hồn Kitô của nó. Ngài kêu gọi đoàn chiên của Chúa Kitô hãy trưởng thành trong đức tin và Ngài mời gọi Giáo hội đi vào một thời đại truyền giáo mới.

Ðức thánh cha vẫn biết rằng sứ mệnh truyền giáo mới này luôn gặp chống đối. Ngài cũng biết rằng sứ mệnh ấy đòi hỏi nhiều hy sinh và những nhân đức anh hùng. Ngỏ lời với đám đông trên 80 ngàn người tập trung tại công viên Hyde Park để tham dự buổi canh thức cầu nguyện trước ngày tôn phong Chân phước cho Ðức hồng y Newman, Ðức thánh cha kêu gọi hãy nhớ lại gương của các tử đạo Kitô bị hành quyết tại Tyburn vì trung thành với đức tin Công giáo. Tyburn là biểu tượng của một cuộc bách hại khủng khiếp do những kẻ thù nghịch Giáo hội được Nhà Nước đỡ đầu đã thực hiện. Tại đây, người Công giáo đã bị tra tấn và xử tử vì đức tin Kitô do các tông đồ truyền lại. Trong thời kỳ đen tối ấy, là linh mục Công giáo hay ngay cả có liên hệ với các linh mục Công giáo cũng bị xem là "phản quốc". Ðã có 105 người chịu tử đạo vì trung thành với Chúa Giêsu và Thân Thể Ngài là Giáo hội Công giáo. Họ đã không thỏa hiệp.

Sứ điệp của Ðức thánh cha thật rõ ràng: chúng ta không thể thỏa hiệp khi đứng trước sự thống trị độc tài của chủ nghĩa duy tương đối ngày nay.

Ngài nhắc lại với người Công giáo Anh: "Như anh chị em biết, một Hội đồng Tòa thánh vừa mới được thành lập cho công cuộc tái rao giảng Tin Mừng cho các nước đã từng có truyền thống Kitô lâu đời. Tôi khuyến khích anh chị em hãy theo sự hướng dẫn của Hội đồng này để thực thi sứ mệnh trước mắt. Hơn nữa, nhiều phong trào Giáo hội mới có một đặc sủng riêng cho việc rao giảng Tin mừng và tôi biết rằng anh chị em sẽ tiếp tục khai thác những cách thế xứng hợp và hữu hiệu để thực thi sứ mệnh của Giáo hội"

Trang mạng Catholic on line đã áp dụng câu nói thời danh của Cesar cho Ðức thánh cha: ngài đã đến, đã thấy, đã chinh phục tâm hồn con người.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page