Hoạt động của Ðức Thánh Cha

tại Luân Ðôn sáng 17-9-2010

 

Hoạt động của Ðức Thánh Cha tại Luân Ðôn sáng 17-9-2010.

Luân Ðôn (Vat. 17/09/2010) - Sáng ngày 17 tháng 9 năm 2010, Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã gặp gỡ giới giáo dục Công Giáo, hàng ngàn em học các trường Công Giáo và các vị lãnh đạo tôn giáo khác tại Ðại Học Công Giáo Saint Mary ở Luân Ðôn.


Ðức Thánh Cha tham dự buổi cầu nguyện cùng với các giáo chức và sinh viên tại Nhà Nguyện của Trường Ðại Học Công Giáo Saint Mary ở Twickenham, miền Tây London.


Lúc 8 giờ, Ðức Thánh Cha đã dâng thánh lễ riêng trong nguyện đường của tòa Sứ Thần, rồi sau đó, đến Ðại Học Công Giáo Saint Mary ở Twickenham cách đó 12 cây số. Ðại Học này được thành lập năm 1850, cùng thời điểm với việc tái lập Hàng giáo phẩm Công Giáo tại Anh quốc. Cơ sở này nhắm cung cấp một nền giáo dục cho con cái của những gia đình Công Giáo không khá giả và thoạt đầu do các Tu Huynh các trường Công giáo đảm trách, về sau được chuyển giao cho các tu sĩ dòng Vinh Sơn. Trụ sở hiện nay của Ðại Học này có từ năm 1925 và sau đó có thêm nhiều tòa nhà được xây thêm. Hiện thời Học viện có 4 ngàn sinh viên với 750 nhân viên các ngành.

Ðến Học viện St. Mary vào lúc gần 10 giờ rưỡi, Ðức Thánh Cha đã được các học sinh tiếp đón nồng nhiệt, cùng với bộ trưởng giáo dục của Anh quốc. Liền đó, ngài tiến vào nhà nguyện, trước sự hiện diện của 300 nữ tu nam nữ dấn thân trong ngành giáo dục Công Giáo trên toàn quốc.

Cuộc gặp gỡ có hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, với một bài đọc từ sách Khôn Ngoan: "Tôi đã yêu mến sự khôn ngoan hơn cả sức khỏe và sắc đẹp" (Kn 7,7-10.15-16).

Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các giáo chức

"Như anh chị em biết, nghĩa vụ của giáo chức không phải chỉ là cung cấp các thông tin hoặc chuẩn bị về kỹ thuật để mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội; giáo dục không phải và không bao giờ được nhìn dưới khía cạnh hoàn toàn duy lợi ích. Ðúng hơn, giáo dục nhắm tới sự huấn luyện con người, chuẩn bị con người sống cuộc sống sung mãn, nói tóm lại, đó là một sự giáo dục về khôn ngoan".

Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến quá trình đóng góp của các đan sĩ cho việc rao giảng Tin Mừng tại các đảo Anh, "các đan sĩ dòng Biển Ðức đã tháp tùng thánh Augustino trong sứ vụ truyền giảng Tin Mừng tại Anh quốc, các môn đệ của thánh Columba đã phổ biến đức tin tại xứ Ecosse và miền bắc Anh quốc.. Chính sự dấn thân của các đan sĩ đã chuẩn bị con đường cho cuộc gặp gỡ Lời Nhập Thể của Thiên Chúa, và qua đó đã đặt nền móng cho nền văn hóa của chúng ta và nền văn hóa tây phương."

Ðức Thánh Cha cũng đề cao của các tu sĩ thuộc các dòng hoạt động, với đoàn sủng giáo dục người trẻ.. Thường thường các dòng tu đã góp phần vào việc giáo dục lâu dài trước Nhà Nước đảm nhận trách nhiệm trong việc phục vụ cá nhân và xã hội. Vì các vai trò liên hệ của Giáo Hội và Nhà Nước trong lãnh vực giáo dục tiếp tục tiến triển, nên anh chị em không bao giờ được quên rằng các tu sĩ có một đóng góp có một không hai trong công tác tông đồ này, đó là làm chứng tá bằng đời sống thánh hiến cho Thiên Chúa và lòng trung thành, yêu mến Chúa Kitô, là vị Tôn Sư tối cao. Ngoài ra, sự hiện diện của các tu sĩ trong các trường Công Giáo là một lời nhắc nhớ mạnh mẽ về đặc tính Công Giáo đã được thảo luận sâu rộng, đặc tính này cần phải thấm nhập vòa mọi khía cạnh của đời sống học đường.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha đề cao hoạt động của những người dấn thân để bảo đảm cho các trường học của chúng ta có một môi trường an toàn đối với các trẻ em và người trẻ.

Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các học sinh và sinh viên

Buổi gặp gỡ của Ðức Thánh Cha với các tu sĩ nam nữ giáo chức mang mầu sắc nghiêm trang, khác hẳn với bầu không khí vui nhộn của hàng ngàn học sinh chờ đợi Ðức Thánh Cha ở khuôn viên Học Viện. Các em đến từ các trường Công Giáo trên toàn quốc, và buổi gặp gỡ với Ðức Thánh Cha không những được đài truyền hình truyền đi, nhưng người ta còn có thể theo dõi qua Internet trong tất cả các trường Công Giáo ở Ecosse và Anh quốc.

Ðức Cha Malcolm McMahon O.P, Giám Mục giáo phận Nottingham, chủ tịch Ủy ban Giám Mục Anh về giáo dục, đã đại diện mọi người chào mừng Ðức Thánh Cha, tiếp đến là chứng từ của một nữ sinh, và nghi thức khai mạc Hiệp Hội Gioan Phaolô 2 về thể thao, với một đoàn các em học sinh mặc áo cầu thủ màu vàng lên tuyên hứa tuân giữ tinh thần thể thao đúng đắn và cao thượng.

Trong bài huấn dụ dành cho các học sinh và sinh viên, Ðức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các em hãy nên thánh và giải thích rằng:

"Khi tôi mời gọi các em hãy nên thánh, có nghĩa là tôi xin các em đừng hài lòng với những chọn lựa hàng nhì. Tôi xin các em đừng theo đuổi một mục tiêu hạn hẹp, mà làm ngơ không biết tới tất cả những mục tiêu khác. Sở hữu tiền bạc có thể làm cho ta quảng đại và làm điều tốt lành trên thế giới, nhưng tự nó, nó không đủ để làm cho chúng ta hạnh phúc. Có nhiều tài năng trong một số hoạt động hoặc nghề nghiệp là một điều tốt, nhưng nó không bao giờ có thể làm cho chúng ta thỏa mãn, cho đến khi chúng ta nhắm tới một cái gì đó cao cả hơn. Nó có thể làm cho chúng ta nổi tiếng, nhưng không làm cho chúng ta hạnh phúc. Hạnh phúc là điều là mọi người mong ước, nhưng một trong những thảm trạng của thế giới này là bao nhiêu người không tìm được hạnh phúc vì họ tìm ở nơi không đúng. Giải pháp thật là đơn giản: hạnh phúc chân thật cần phải tìm nơi Thiên Chúa. Chúng ta cần có can đảm đặt những hy vọng sâu xa nhất của chúng ta nơi Thiên Chúa mà thôi: không phải nơi tiền bạc, sự nghiệp, thành công trần thế, hoặc trong những quan hệ của chúng ta với người khác, nhưng là với Thiên Chúa.


Ðức Thánh Cha gặp gỡ các giáo chức và sinh viên tại Trường Ðại Học Công Giáo Saint Mary ở Twickenham, miền Tây London.


Ðức Thánh Cha giải thích thêm rằng: "Thiên Chúa không những yêu thương chúng ta một cách sâu đậm và nồng nhiệt đến độ chúng ta thật khó tưởng tượng được. Chúa mời gọi chúng ta đáp lại tình yêu ấy.. Và một khi các em đi vào tình bạn với Thiên Chúa, thì mọi sự trong cuộc sống các em bắt đầu thay đổi.. Các em bắt đầu coi lòng ham muốn của cải và tính ích kỷ, và mọi thứ tội lỗi khác là những xu hướng hủy hoại và nguy hiểm, tạo nên đau khổ sâu xa và gây thiệt hại lớn lao, và các em muốn tránh vơi vào những cái cạm bấy ấy. Các em bắt đầu cảm thương những người đang gặp khó khăn và muốn làm cái gì đó để giúp đỡ họ. Các em muốn giúp người nghèo đói, an ủi người đau khổ, trở nên tốt lành và quảng đại. Khi những điều ấy bắt đầu được các em quan tâm, có nghĩa là các em bắt đầu tiến bước trên con đường thánh thiện".

Gặp các vị lãnh đạo tôn giáo

Giã từ các học sinh và sinh viên, Ðức Thánh Cha tiến sang một gian phòng khác của Học Viện Saint Mary để gặp gỡ đông đảo các đại diện tôn giáo tụ họp tại đây vào lúc quá 11 giờ rưỡi. Ngoài các vị thủ lãnh các Giáo Hội Kitô, còn có các vị lãnh đạo Do thái, Hồi giáo, Ấn giáo, đạo Sikh và Phật giáo là những tôn giáo hiện diện tại Anh quốc.

Nam tước Sacks Aldgare, Rabbi trưởng của Liên hiệp cộng đoàn Do thái thuộc Khối thịnh vượng chung, và tiến sĩ Khalek Azzam, thuộc Hồi giáo đã chào mừng và phát biểu trong buổi gặp gỡ, trước khi đến lượt ÐTC lên tiếng.

Ngài bày tỏ sự đánh giá cao của Giáo Hội Công Giáo về sự hiện diện của các tín hữu dấn thân trong các lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội và kinh tế. Chứng tá của họ hùng hồn nói về sự kiện chiều kích tinh thần của đời sống chúng ta là điều cơ bản đối với căn tính làm người của chúng ta. Trong tư cách là tín đồ thuộc các truyền thống khác nhau, chúng ta làm việc để mưu ích cho cộng đoàn theo nghĩa rộng, chúng ta đề cao tầm quan trọng của chiều kích này, trong sự cộng tác với nhau, bổ túc cho cuộc đối thoại liên tục của chúng ta.

Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: "Sự tìm kiếm điều thánh thiêng là tìm kiếm điều duy nhất cần thiết, điều duy nhất thỏa mãn những mong đợi của con tim con người.. Bên trong những lãnh vực thuộc thẩm quyền của mình, các khoa học nhân văn và tự nhiên cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết sâu rộng về những khía cạnh của cuộc sống chúng ta và đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về cách thức hoạt động của thế giới vật chất, nhưng các khoa này không mang lại câu trả lời, không thể trả lời cho câu hỏi căn bản, tại sao chúng hoạt động ở những bình diện hoàn toàn khác nhau như vậy.

"Sự tìm kiếm thánh thiêng không hạ giá các lãnh vực nghiên cứu khác của con người. Trái lại, nó đặt các lãnh vực ấy trong bối cảnh làm gia tăng tầm quan trọng của chúng như những con đường qua đó chúng ta thi hành sứ mạng làm người quản lý thiên nhiên trong tinh thần trách nhiệm. Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta nghĩa vụ tìm kiếm và sử dụng các mầu nhiệm thiên nhiên để phục vụ một điều thiện cao cả hơn. Ðiều thiện cao hơn này trong đức tin Kitô được diễn tả như tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân."

Ðức Thánh Cha cũng nhắc lại rằng từ Công đồng chung Vatican 2, Giáo Hội Công Giáo đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và cộng tác giữa tín đố các tôn giáo khác nhau. Và để cho cuộc đối thoại này được nhiều thành quả, cần có sự hỗ tương giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau. Nó đòi sự tôn trọng lẫn nhau, tự do thực hành tôn giáo của mình và thi hành những việc phụng tự công cộng, cũng như tự do theo lương tâm của mình mà không phải chịu xách nhiễu hoặc bách hại, kể cả sau khi từ một giáo này theo tôn giáo khác.

Sau diễn văn của Ðức Thánh Cha, Ðức Tổng Giám Mục Patrick Kelly của tổng giáo phận Liverpool, đã giới thiệu một số vị lãnh đạo tôn giáo lên Ðức Thánh Cha để ngài bắt tay thăm hỏi. Liền đó Ðức Thánh Cha trở về tòa Sứ Thần để dùng bữa trưa, trong khi các vị lãnh đạo tôn giáo cùng với Ðức Hồng Y Kasper và Ðức Tổng Giám Mục Kurt Koch, cựu và đương kim Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tin hữu Kitô, tham dự buổi tiếp tân tại một sảnh đường của Học Viện.

Ban chiều ngày 17 tháng 9 năm 2010, Ðức Thánh Cha đến thăm Ðức Tổng Giám Mục Giáo Chủ liên hiệp Anh giáo Rowan Williams ở điện Lambeth, vào lúc quá 4 giờ, trước khi đến Westminster Hall, để gặp các vị lãnh đạo xã hội dân sự, giới đại học, văn hóa, chủ doanh nghiệp, ngoại giao đoàn và các vị lãnh đạo tôn giáo.

Hoạt động cuối cùng trong ngày của ngài là buổi cầu nguyện đại kết tại Ðan viện Westminster vào lúc quá 6 giờ chiều, cùng với Ðức Giáo Chủ Anh giáo.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page