Giáo hội Công giáo

một cộng đồng thiểu số

đầy sáng tạo tại Anh Quốc

 

Giáo hội Công giáo, một cộng đồng thiểu số đầy sáng tạo tại Anh Quốc.

Anh quốc [La Croix 15/9/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. "Ðức Thánh Cha đi vào một trận chiến". Một tu sĩ dòng Biển Ðức tại Worth là cha Christophe Jamison đã nhận định như thế về chuyến viếng thăm Anh quốc của Ðức Thánh Cha Benedicto XVI. Vị linh mục này muốn ám chỉ đến những chiến dịch "hung hãn" chống Ðức giáo hoàng của những người vô thần tại Anh.

Ðầu tháng 9 năm 2010, Hội Nhân Bản Anh Quốc, tức hội những người vô thần, đã tổ chức một cuộc tranh luận với chủ đề "chuyến viếng thăm của Ðức giáo hoàng không nên là một chuyến viếng thăm chính thức". Với chủ đề này, Hội vô thần Anh không những kêu gọi chính phủ Anh không nên dành cho Ðức thánh cha một cuộc đón tiếp như một vị nguyên thủ quốc gia, mà còn ngầm tẩy chay mọi tiếng nói và ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo trong xã hội.

Từ nhiều tháng nay, chuyến viếng thăm Anh quốc của Ðức thánh cha đã làm phát sinh một làn sóng bài Công giáo mà người ta chưa từng thấy tại Anh bao giờ. Các tấm bảng quảng cáo trên các chiếc xe buýt, các chương trình truyền hình, các cuộc biểu tình: chiến dịch chống Công giáo này lại càng được khai thác mạnh hơn khi nổ ra những vụ tai tiếng về lạm dụng tình dục trong Giáo hội cũng như lập trường của Giáo hội Công giáo tại Anh chống lại việc cho phép các cặp đồng tính nhận con nuôi. Bên cạnh đó là trào lưu vô thần đang dâng cao tại Anh Quốc từ một thập niên qua.

Cha Jamison cho biết: "Nhiều hiệp hội tranh đấu để loại tôn giáo ra khỏi cuộc tranh luận công cộng. Họ tự nhận là những người thừa hưởng truyền thống tự do của Anh quốc. Nhưng trong thực tế, truyền thống tự do này đã tỏ ra cởi mở hơn nhiều".

Về phần mình, nữ ký giả Anna Arco của tuần báo Công giáo "Catholic Herald" nói rằng Giáo hội Công giáo đang hứng chịu làn đạn chống đối, bởi vì Giáo hội này có một bản sắc rất mạnh, gắn liền với lịch sử của mình và cương quyết hơn các tôn giáo khác trong cuộc chiến chống lại trào lưu tục hóa.

Bị bách hại rồi sau đó được "dung chấp" trong gần 3 trăm năm, người Công giáo Anh chỉ bắt đầu có chỗ đứng và tiếng nói trong xã hội từ thế kỷ 19. Dù vậy hiện nay chỗ đứng này vẫn chưa được thực sự nhìn nhận.

Phải đợi cho đến Công đồng Vatican II người Công giáo mới dấn thân vào xã hội, trong các lãnh vực giáo dục và xã hội, đặc biệt là giúp đỡ những người túng thiếu.

Nổi tiếng vì tỷ lệ thành công cao, các trường Công giáo hiện chiếm khoảng 10 phần trăm học sinh trên toàn quốc. Và cho dẫu Hiến pháp không cho phép người Công giáo được kế vị trong vương quốc, vẫn có nhiều người Công giáo đóng một vai trò hàng đầu trong đời sống chính trị tại Anh, như trường hợp Lord Chris Patten, cựu toàn quyền Hongkong và hiện là đặc ủy viên tổ chức chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha.

Bà Helen O' Brien, giám đốc Caritas, khẳng định: "Chúng tôi chỉ chiếm 10 phần trăm dân số, nhưng chúng tôi có một uy tín đáng kể trong cuộc chiến chống lại nghèo đói, với 34 chi nhánh, 4,000 nhân viên và một hệ thống thiện nguyện. Tôi lấy làm tiếc là sự đóng góp của người Công giáo vào công ích ít được biết đến và tôi hy vọng rằng Ðức giáo hoàng sẽ làm cho mọi người biết đến sự đóng góp này".

Mặc dù việc thực hành đạo có phần sút giảm, nhưng Giáo hội Công giáo tại Anh vẫn có 5 triệu tín hữu, trong số này có gần một triệu người vẫn còn giữ ngày Chúa Nhựt. Tính ra, con số này cũng cao bằng số tín hữu Anh giáo còn giữ đạo. Số ơn gọi trong Giáo hội Công giáo tại Anh vẫn còn nhiều. Trên toàn quốc có 200 giáo xứ với gần 800 phó tế vĩnh viễn. Mỗi giáo xứ đều có một trung tâm huấn luyện dành cho các tân tòng. Năm vừa qua, đã có khoảng 4,000 dự tòng được rửa tội vào dịp lễ Phục Sinh.

Ðức cha Vincent Nichols, Tổng giám mục Westminster, chủ tịch hội đồng giám mục Anh và xứ Wales hãnh diện nói: "Cộng đồng Công giáo vẫn còn "khỏe mạnh". Cộng đồng này cũng được làm giàu thêm nhờ những người di dân từ khắp thế giới. Giáo hội Công giáo tại Anh là một nơi hổn hợp về mặt xã hội và chủng tộc".

Giáo xứ thánh Anton, trong vùng ngoại ô London, là một điển hình. Trên một tấm bảng gắn trong nhà thờ, các tín hữu đã ghi quốc gia xuất xứ của mình. Một người giáo dân gốc Nigeria giải thích rằng khi có người mới đến, giáo xứ xin họ cho biết họ đang cần gì. Người giáo dân gốc Nigeria này đã kết hôn với một người Ái Nhĩ Lan và sinh sống tại Anh từ 24 năm qua. Bà nói rằng giáo xứ giúp đỡ những người mới đến trong các thủ tục hành chánh và hướng dẫn họ về các dịch vụ do giáo xứ cung cấp.

Linh mục Denis Hall, cha sở giáo xứ thánh Anton giải thích rằng lúc đầu giáo xứ chỉ có những người di dân đến từ Ái Nhĩ Lan. Nhưng nay thì giáo xứ đón tiếp người di dân đến từ khắp thế giới.

Theo vị linh mục này, Giáo hội tại Anh rất gắn bó với truyền thống; các tín hữu rất trung thành với những việc đạo đức truyền thống. Mỗi năm, giáo xứ thu được ít nhứt 90 ngàn bản Anh từ tiền nến, chuỗi và ý lễ. Mỗi thứ ba hằng tuần đều có khoảng 300 người tham dự tuần 9 ngày kính thánh Anton.

Ơn gọi tu trì có sút giảm, nhưng các chủng viện vẫn còn đứng vững. Cha Stephen Langridge, giám đốc ơn gọi toàn quốc, cho biết dạo tháng 7 năm 2010, Giáo hội đã tổ chức Liên Hoan Ơn Gọi đầu tiên tại Oscott, trong giáo phận Birmingham. Nhiều bạn trẻ đã đến tham dự Liên Hoan.

Sống động, Giáo hội Công giáo tại Anh cũng tỏ ra rất "sáng tạo". Trong giáo xứ thánh Patrick, nằm giữa những quán rượu của người đồng tính và các hí viện, linh mục giáo xứ đã cho thành lập một trường "truyền giáo", các hoạt động rao giảng tin mừng trên đường phố và một trung tâm cho những người vô gia cư. Tất cả mọi hoạt động đều nhằm mục đích cho người qua lại thấy được sự hiện diện của Giáo hội trong xã hội.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page