Cao điểm chuyến viếng thăm Anh Quốc

của Ðức Thánh Cha

 

Cao điểm chuyến viếng thăm Anh Quốc của Ðức Thánh Cha.

Anh quốc [John McCloskey, National catholic register 14/09/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày 16 tháng 9 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI lên đường viếng thăm Vương quốc Anh.

Ðây là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của một vị Giáo hoàng tại Anh Quốc kể từ thế kỷ 16, sau khi quốc vương Henry VIII tuyên bố đoạn tuyệt với Giáo hội Công giáo và thành lập Anh Giáo. Do đó, trong chuyến viếng thăm, Ðức thánh cha sẽ gặp gỡ với nữ hoàng Elizabeth II tại lâu đài Balmoral, Scotland. Ngài cũng sẽ đọc diễn văn trước Quốc Hội Anh Quốc.

Tuy nhiên, chuyến viếng thăm Anh Quốc của Ðức thánh cha thiết yếu vẫn có tính cách mục vụ và cao điểm của chuyến viếng thăm mục vụ này chính là thánh lễ tôn phong Chân phước cho đức cố Hồng y John Henry Newman do chính Ðức thánh cha chủ sự tại Birmingham, miền trung nước Anh, vào sáng Chúa nhựt 19 tháng 9 năm 2010.

Ðức cố hồng y Newman, mà cuộc sống trải dài gần suốt thế kỷ 19, có lẽ là gương mặt tôn giáo vĩ đại nhứt trong lịch sử Anh trong hai trăm năm trở lại. Từ Anh Giáo trở lại Công giáo năm 44 tuổi, vị Hồng y này đã để lại một dấn ấn sâu đậm trong tư tưởng Kitô giáo, nhứt là trong việc bênh vực tính bất khả ngộ của Ðức giáo hoàng và đặt lại vấn đề về việc tôn Anh Giáo thành quốc giáo tại Anh Quốc.

Chính vì đánh giá cao tư tưởng cũng như hoạt động truyền giáo của Ðức hồng y Newman mà đức Benedicto XVI đã phá vỡ một thông lệ do chính ngài đặt ra là đích thân đến Anh Quốc để tôn phong Chân phước cho vị Hồng y này. Theo một qui định mới dưới thời Ðức Benedicto XVI, tất cả các cuộc tôn phong Chân phước đều được cử hành tại các Giáo hội địa phương và được đặt dưới sự chủ tọa của một vị đặc sứ của Ðức thánh cha. Riêng trong trường hợp Ðức hồng y Newman, chính Ðức thánh cha đã quyết định đích thân chủ tọa lễ nghi tôn phong Chân phước.

Trước khi công bố sắc lệnh tôn phong Chân phước cho Ðức hồng y Newman, Tòa thánh đã tiến hành một loạt thủ tục như: duyệt xét lại cuộc đời và các tác phẩm của ngài, công bố sắc lệnh nhìn nhận nhân đức anh hùng của ngài và nhìn nhận một sự lành bệnh lạ lùng do sự bầu cử của ngài.

Phép lạ được nhìn nhận để đẩy mạnh hồ sơ xin phong Chân phước cho Ðức hồng y Newman là sự khỏi bệnh lạ lùng của một luật sư và phó tế tên là Jack Sullivan, tại bang Massachusetts, Hoa kỳ. Phép lạ đã được tường thuật rộng rãi trên đài truyền hình EWTN của Mẹ Angelica.

Mặc dù vị Hồng y này là một con người rất khiêm tốn, nhưng các tác phẩm của ngài đã biến ngài thành một nhân vật nổi tiếng. Ngoài các tác phẩm thần học, ngài còn viết tiểu thuyết về sự hoán cãi cũng như sáng tác nhiều bài thánh ca hiện vẫn còn được xử dụng trong các nhà thờ Công giáo lẫn Tin lành. Ngoài ra, ngài còn là một nhà diễn giả nổi tiếng.

Lúc còn là một Linh mục Anh giáo trẻ, Ðức hồng y đã cùng với một số tín hữu Anh giáo thức thời thành lập "Phong trào Oxford", nhằm cổ võ việc phục hồi giáo lý truyền thống để đối phó với trào lưu phóng khoáng của Anh Giáo đương thời.

Từ đầu thập niên 30 của thế kỷ 19 cho đến lúc trở lại Công giáo năm 1845, Ðức hồng y Newman đã không ngừng chiến đấu chống lại chủ nghĩa dửng dưng và chủ trương "đạo nào cũng tốt" đang được Anh Giáo cổ võ.

Vì tư tưởng của mình bị các nhà lãnh đạo Anh Giáo bác bỏ và vì tin tưởng rằng bao lâu còn ở trong Giáo hội Anh Giáo, ngài sẽ không tìm được Giáo hội Chân Thật, cho nên Ðức hồng y đã xin trở lại Công giáo. Vài năm sau, ngài thụ phong linh mục tại Roma. Trở về Anh, ngài đến cư ngụ tại Birmingham. Tại đây ngài thành lập Tu viện thánh Philipphe Neri.

Năm 1890, khi ngài qua đời, nhiều người đã tôn kính ngài như một vị thánh. Và một thế kỷ sau, Giáo hội Công giáo đã chính thức nhìn nhận sự ngưỡng mộ của người Công giáo Anh cũng như tại các nước Anh thoại đối với vị Hồng y này.

Riêng Ðức thánh cha Benedicto XVI, khi quyết định đích thân chủ tọa lễ nghi tôn phong Chân phước cho Ðức hồng y Newman, cũng muốn nói lên sự trân trọng và lòng quí mến đặc biệt đối với một nhà thần học mà ngài đã học hỏi tư tưởng khi còn ngồi trên ghế đại chủng viện. Có lẽ cũng chính tư tưởng của vị Hồng y này đã hướng dẫn nhà thần học trẻ khi tham dự với tư cách là cố vấn tại Công đồng Vatican II. Mặc dù chỉ gặp gỡ Ðức hồng y 70 năm sau khi ngài qua đời, nhưng nếu đức Benedicto XVI có trở thành một nhà thần học có thế giá nhứt trong Giáo hội, thì có lẽ cũng do ảnh hưởng của ngài.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhứt trong chuyến viếng thăm đầu tiên của Ðức thánh cha tại một nước có đa số theo Anh giáo này, chính là ý nghĩa đại kết của chuyến viếng thăm. Ðức thánh cha đã thiết lập những quan hệ rất thân tình với các vị Thượng phụ và Giám mục Chính thống. Ðồng thời, ngài cũng đã mở rộng vòng tay để đón tiếp các tín hữu Anh giáo trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo mà vẫn muốn giữ những truyền thống Anh giáo của mình.

Việc tôn phong Chân phước cho Ðức hồng y Newman do chính ngài chủ tọa tại Birmingham vào Chúa nhựt 19 tháng 9 năm 2010 chắc chắn phải được xem là cao điểm của chuyến viếng thăm có tính cách đại kết này.

Có thể, những nỗ lực đại kết của Ðức thánh cha chưa đạt được nhiều kết quả thấy được. Nhưng như ký giả John McCloskey của báo "The national catholic register" nhận định "có lẽ hàng chục triệu tín hữu Tin lành và ngũ tuần "thánh kinh" thành tín sẽ duyệt lại một cách kỷ càng hơn cái Giáo hội cổ xưa này khi kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành vào năm 2017 tới đây. Tiến tới hiệp nhứt là điều xem ra không thể đảo ngược được".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page