Phái đoàn Tòa thánh

tháp tùng Ðức thánh cha

trong chuyến viếng thăm Anh Quốc

 

Phái đoàn Tòa thánh tháp tùng Ðức thánh cha trong chuyến viếng thăm Anh Quốc.

Roma [CNS 10/9/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày thứ Năm 16 tháng 9 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI sẽ lên đường viếng thăm vương quốc Anh. Như thường lệ, trên chuyến bay của hãng hàng không Alitalia đưa Ðức thánh cha đến Anh Quốc, cũng có một phái đoàn Tòa thánh tháp tùng ngài.

Ký giả John Thavis, trưởng phòng của hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS tại Roma gọi đây là một "Mini Vatican", nghĩa là một Tòa thánh thu gọn.

Phái đoàn này không quá nhiều đến độ chiếm hết chỗ trên chuyến bay, nhưng cũng đủ đa diện để đáp ứng với mọi thách đố của chuyến tông du trong mọi lãnh vực chiến lược như ngoại giao, phụng vụ, truyền thông và ngay cả y tế.

Nhiều người trong phái đoàn đã từng có kinh nghiệm tháp tùng Ðức giáo hoàng trong nhiều chuyến tông du. Nhưng trong chuyến viếng thăm Anh quốc sắp tới, người ta cũng thấy có một số gương mặt mới.

Dĩ nhiên, nhân vật nổi bật nhứt trong phái đoàn tháp tùng Ðức thánh cha trên chuyến bay vẫn là linh mục Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí và phát ngôn viên của Tòa thánh. Lúc nào vị linh mục này cũng sát cánh bên cạnh Ðức thánh cha mỗi khi ngài trả lời các ký giả.

Vị linh mục Dòng Tên 68 tuổi này đã từng hứng chịu những "bất trắc" xảy ra trong các chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha, kể từ bài diễn văn đọc tại đại học Regensburg, Ðức, hồi năm 2006,khiến cho thế giới Hồi giáo phẫn nộ.

Các câu trả lời phỏng vấn của Ðức thánh cha trên các chuyến bay liên quan đến nhiều vấn đề từ việc Ðức Mẹ hiện ra cho đến việc xử dụng bao cao su trong việc phòng ngừa dịch bệnh Sida, cũng đã tạo ra nhiều phản ứng sôi nổi trên khắp thế giới.

Mặc dù các ký giả phải nộp các câu hỏi để được kiểm duyệt trước, cha Lombardi thường không loại bỏ bất cứ câu hỏi nào.

Một nhân vật khác lúc nào cũng luôn có mặt bên cạnh Ðức thánh cha dĩ nhiên không ai khác hơn là Ðức hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa thánh, người được xem như nhân vật quan trọng nhứt trong Tòa thánh sau Ðức thánh cha. Luôn tháp tùng Ðức thánh cha trong các chuyến tông du, vị Hồng y người Ý này tham gia vào nhiều cuộc hội kiến riêng với các vị nguyên thủ quốc gia và các nhân vật chính trị khác. Ðức hồng y Bertone không thông thạo Anh ngữ. Do đó, trong chuyến viếng thăm Anh Quốc của Ðức thánh cha, Ðức hồng y Bertone mang theo một vị phụ tá người Scotland là đức ông Leo Cushley, 49 tuổi, đứng đầu phân bộ Anh thoại của phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh.

Vì chuyến viếng thăm Anh quốc lần này là một chuyến viếng thăm chính thức của Ðức thánh cha với tư cách là nguyên thủ quốc gia Vatican, cho nên không thể thiếu vắng một nhân vật quan trọng khác là đức cha Dominique Mamberti, người Pháp, bộ trưởng ngoại giao của Tòa thánh. Theo thông lệ, Ðức cha Mamberti là người đứng ra thương lượng về các chi tiết về quan hệ ngoại giao với các quốc gia.

Ngoài ba nhân vật chủ chốt trên đây, bên cạnh Ðức thánh cha còn có vị thư ký riêng của ngài là Ðức ông Georg Ganswein, người Ðức. Khán giả Truyền Hình luôn thấy vị linh mục này kéo ghế cho Ðức thánh cha ngồi, mang đến cho ngài các bài diễn văn để đọc và luôn đưa mắt theo dõi mỗi khi Ðức thánh cha xuất hiện trên diễn đàn.

Ðó là chuyện bên ngoài nhà thờ hay bên ngoài các cử hành phụng vụ. Trên bàn thờ, mỗi khi Ðức thánh cha cử hành phụng vụ, lúc nào người ta cũng thấy bên cạnh ngài một vị linh mục người Ý là Ðức ông Guido Marini, người chuyên trách các buổi cử hành phụng vụ của Ðức thánh cha. Vị linh mục này đã bỏ ra nhiều tháng để chuẩn bị các buổi cử hành phụng vụ của Ðức thánh cha bằng cách đích thân đến Scotland và Anh Quốc để duyệt xét các nơi cử hành thánh lễ.

Một khuôn mặt quen thuộc khác trong các chuyến tông du của Ðức thánh cha là ông Alberto Gasbarri, người chuyên đứng ra tổ chức các chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha. Người giáo dân Ý này rất quen thuộc với công việc, vì đã từng tham gia vào việc tổ chức các chuyến tông du dưới thời Ðức Gioan Phaolo II. Luôn đứng cách Ðức thánh cha 10 thước mỗi lần ngài xuất hiện trước công chúng, ông Gasbarri luôn trong tư thế để đối phó với bất cứ bất trắc nào có thể xảy ra trong chuyến viếng thăm.

Một người giáo dân khác cũng luôn có mặt trong các chuyến tông du là ông Domenico Giani, giám đốc an ninh của Tòa thánh. Ông Giani chắc chắn là người phải bị nhiều "sức ép" nhứt trong các chuyến viếng thăm. Chính phủ Anh Quốc phải bảo đảm an ninh cho Ðức thánh cha. Tuy nhiên, vai trò của ông Giani chính là phối hợp công tác an ninh của nước chủ nhà với toán cận vệ của Tòa thánh tháp tùng Ðức thánh cha. Nhóm cận vệ này luôn sát cánh bên cạnh Ðức thánh cha mỗi khi ngài di chuyển, nhưng liền sau đó lui vào giữa đám đông.

Một thành viên của phái đoàn Tòa thánh tháp tùng Ðức thánh cha cũng có một vai trò quan trọng trong suốt chuyến viếng thăm là ông Patrizio Polisca, bác sĩ riêng của Ðức thánh cha. Ông luôn túc trực để được gọi đến bất cứ lúc nào trong chuyến viếng thăm. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho Ðức thánh cha, ông Polisca còn có một chỗ đứng quan trọng trong chuyến tông du lần này, bởi vì ông là chủ tịch của nhóm bác sĩ chuyên cố vấn cho Bộ Truyền Giáo trong việc duyệt xét các phép lạ. Chính ông là người đã góp phần thông qua việc nhìn nhận một phép lạ được gán cho đức cố Hồng y John Henry Newman, người sẽ được Ðức thánh cha tôn phong Chân phước tại Birmingham, miền trung nước Anh, vào ngày Chúa nhựt 19 tháng 9 năm 2010.

Cuối cùng, một nhân vật có mặt trong phái đoàn tháp tùng Ðức thánh cha không thể không nhắc tới là Ðức cha Kurt Koch, người Thụy Sĩ, vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về hiệp nhứt Kitô giáo, thay thế Ðức hồng y Walter Kasper. Mặc dù chuyến viếng thăm Anh quốc của Ðức thánh cha cũng có tính cách đại kết, nhưng Tòa thánh nói rằng đây là dịp để nhấn mạnh đến chứng tá chung của Anh Giáo và Công Giáo hơn là để thảo luận về những vấn đề đại kết.

Ngoài các "yếu nhân" trên đây, phái đoàn Tòa thánh còn có 20 nhân viên khác. Tất cả các vị phụ tá của Ðức thánh cha ngồi ở các hàng ghế trước trên máy bay. 70 ký giả hay nhiều hơn chiếm các hàng ghế sau. Ðây là một trật tự không bao giờ thay đổi kể từ 40 năm qua.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page