Vài nét về Ðức Hồng Y
John Henry Newman
Vài nét về Ðức Hồng Y John Henry Newman.
Anh quốc (Avvenire 28-7-2010) - Phỏng vấn ông Sheridan Gilley về gương mặt của Ðức Hồng Y John Henry Newman.
Chúa
Nhật 19 tháng 9 năm 2010 Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI sẽ chủ
sự thánh lễ phong Chân Phước cho Ðức Hồng Y John Henry Newman
tại công viên Cofton trong thành phố Birmingham. Công viên này
nằm gần nghĩa trang dòng Thánh Philippo Neri, nơi Ðức Hồng Y
John Henry Newman đã được an táng. Sau khi theo Công Giáo năm
1845, Ðức Hồng Y Newman đã sống tại trung tâm này cho tới
khi qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1890. Phòng của Ðức Hồng Y
hiện nay là một viện bảo tàng, mà Ðức Thánh Cha cũng sẽ
thăm viếng sau thánh lễ phong Chân Phước cho người.
Ðức Hồng Y John Henry Newman: - Sinh ngày 21/02/1801 tại London, Anh quốc. - Thụ phong Linh mục Anh giáo ngày 29/05/1825 - Thụ phong Linh mục Công giáo ngày 30/05/1847 - Thăng tước Hồng Y ngày 12/05/1879 - Qua đời ngày 11/08/1890 - Phong Chân Phước ngày 19/09/2010 |
Ðấng Ðáng Kính John Henry Newman sinh tại Luân Ðôn ngày 21 tháng 2 năm 1801, là anh cả trong gia đình có 6 anh em. Thân phụ người là chủ ngân hàng, và thân mẫu thuộc dòng dõi Huguenot di cư sang Anh quốc. Ðược gửi học trong một trường có nền giáo dục cao tại Luân đôn, Newman chịu ảnh hưởng của một mục sư tin lành Calvin và năm 1816 theo Tin Lành. Năm sau đó anh gia nhập đại học Oxford, và năm 1824 trở thành phó tế Tin lành. Năm 1828 mục sư Newman được chỉ định trông coi giáo xứ đại học St. Mary, đồng thời theo học triết và thần học tại đại học Oxford. Chính trong thời gian này mục sư thành lập "Phong trào Oxford" để chống lại chủ thuyết duy tự do tôn giáo đang lan mạnh trong các môi trường đại học lúc bấy giờ.
Giữa các năm 1833-1841 Newman cùng với các bạn của phong trào cho phổ biến 90 bài khảo luận liên quan tới tình hình của Giáo Hội anh giáo cũng như nhiều vấn đề của Kitô giáo nói chung. Trong bài khảo luận cuối cùng mục sư Newman đề nghị một kiểu giải thích "30 khoản về tôn giáo" phù hợp với giáo lý công giáo của Công Ðồng Chung Trento. Lập tức mục sư bị đại học Oxford và 42 Giám Mục Anh giáo kết án.
Sau biến cố đó, mục sư Newman từ chức cha sở đại học, và năm 1842 rút lui về Littlemore, và bắt đầu viết tác phẩm "Sự phát triển của giáo lý Kitô", nghiên cứu nguồn gốc Kitô giáo. Tác phẩm được in năm 1845, trong đó mục sư Newman kết luận rằng Giáo Hội công giáo ở bên phía có lý. Mgày mùng 9 tháng 10 cùng năm 1845, mục sư được Linh Mục Domenico Barberi, dòng Khổ Nạn, tiếp nhận vào Giáo Hội công giáo. Newman rời Oxford để về sống tại Birmingham. Sau một thời gian suy tư, người xin gia nhập dòng Thánh Philippo Neri, và năm 1847 được thụ phong Linh Mục Công giáo tại Roma. Cha Newman thành lập tại Edgbaston gần Birmingham và tại Luân Ðôn hai cộng đoàn đầu tiên của dòng thánh Philippo Neri bên Anh quốc.
Năm 1851 các Giám Mục Công giáo Anh chỉ định cha Newman làm viện trưởng đại học Công giáo mới thành lập tại Dublin, thủ đô Ailen. Cha đã thực sự giữ chức vụ này giữa các năm 1854-1858. Sau đó cha trở về Anh quốc để nghiên cứu và làm việc mục vụ. Năm 1879, lúc cha Newman được 80 tuổi, Ðức Giáo Hoàng Leo XIII vinh thăng người làm Hồng Y, nhưng không tấn phong Giám Mục. Trong diễn văn nhận tước Hồng Y, Ðức Hồng Y Newman mạnh mẽ lên án chủ thuyết duy tương đối và duy tự do trong lãnh vực tôn giáo, và người định nghĩa đó là "một tai ương lớn", "một lầm lạc đang lan tràn như một bẫy sập chết người trên toàn thế giới".
Ðức Hồng Y John Henry Newman tiếp tục sinh hoạt viết lách cho tới năm 1885. Giáng Sinh năm 1889 người cử hành thánh lễ cuối cùng, và qua đời năm 1890 tại Edgbaston, Birmingham. Là thần học gia và triết gia lỗi lạc, Ðức Hồng Y Newman được coi là một trong các nhà văn và là người bênh vực đức tin nổi tiếng nhất trong lịch sử Anh quốc. Vì sự độc đáo trong tư tưởng thần học và triết học, người được coi là một trong các "người cha khiếm diện" của Công Ðồng Chung Vaticăng II.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn sử gia Sheridan Gilley, tác giả cuốn tiểu sử của Ðức Hồng Y Newman tựa đề "Newman và thời đại của người". Ông Gilley đã là giáo sư đại học Durham trong các năm 1978 tới 2002, và là một chuyên viên về Kitô giáo và căn tính Ailen trong thời đại của nữ hoàng Victoria. Ông đã viết nhiều bài khảo luận và đã diễn thuyết nhiều về Ðức Hồng Y John Henry Newman.
Hỏi: Thưa giáo sư Gilley, tại sao Ðức Hồng Y Newman lại quan trọng đối với Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI như vậy, đến nỗi Ðức Thánh Cha đã quyết định đích thân chủ sự lễ phong Chân Phước cho Người trong chuyến viếng thăm mục vụ Anh quốc?
Ðáp: Lý do là vì Ðức Hồng Y Newman là một trong các nhà thần học lớn nhất của thế kỷ XIX. Và tư tưởng cũng như hành động của Ðức Hồng Y có âm hưởng rất lớn đối với dân chúng. Cố gắng của Ðức Hồng Y trong việc tái công giáo hóa nước Anh, khởi sự từ đại học Oxford, nơi người dậy học, đã khơi đậy phản ứng rất rộng rãi trong dư luận công cộng.
Hỏi: Tại sao Ðức Hồng Y Newman lại nổi tiếng tới độ các biến cố trong đời sống thiêng liêng cá nhân của người, chẳng hạn như sự kiện người từ Anh giáo theo Công giáo, lại đã trở thành biến cố công cộng, thưa giáo sư?
Ðáp: Tôi nghĩ rằng rất nhiều người, vô thần cũng như tín hữu Anh giáo và Công giáo có thể tìm thấy nơi Ðức Hồng Y Newman hình ảnh của chính mình: trước hết người đã là kẻ vô thần, rồi theo Anh giáo, sau đó gia nhập Giáo Hội công giáo. Chính tôi cũng đã là tín hữu Anh giáo, năm 1993 tôi gia nhập Giáo Hội công giáo, và tôi đã tìm thấy nơi Ðức Hồng Y Newman rất nhiều vấn đề của mình. Ngoài ra, cũng phải ghi nhận sự kiện Ðức Hồng Y là người có tài viết tuyệt diệu, và đã là người phổ biến tư tưởng lớn, và hàng ngàn người đã say mê đọc cuốn tiểu sử cuộc đời thiêng liêng do chính người viết tựa đề "Bênh vực cho cuộc đời người".
Hỏi: Như là thần học gia Ðức Hồng Y Newman đã có tầm quan trọng nào, thưa giáo sư?
Ðáp: Sự cao cả của thần học gia Newman đã là việc nghiên cứu các Giáo Phụ đầu tiên của Giáo Hội, và đã biết giải thích cho người ta hiểu từ nhân tố trung tâm của Phúc Âm và Kinh Thánh các giáo lý nền tảng khác của Kitô giáo phát triển như thế nào. Trong bài khảo luận về sự phát triển của giáo lý kitô Ðức Hồng Y Newman đã đề ra một phương pháp cách mạng giúp giải thích sự phát triển của các giáo huấn kitô, và trao ban cho chúng một viễn tượng lịch sử. Ðối với người, các giáo huấn chứa đựng trong Tin Mừng đã phải cần nhiều thế kỷ để phát triển, hiện thực và trở thành giáo lý; và nền tu đức và phụng vụ cũng đã góp phần vào việc phát triển ấy.
Hỏi: Ðức Hồng Y Newman đã cảm thấy thế nào trong Giáo Hội công giáo thời đó?
Ðáp: Người cảm thấy mình rất xa cách với nhóm Montanismo cực đoan, chủ trương đề cao quyền bính cực mạnh của Ðức Giáo Hoàng. Vào năm 1870 khi Tòa Thánh tuyên bố tín điều về sự bất khả ngộ của Ðức Giáo Hoàng, Ðức Hồng Y Newman nghĩ rằng thời điểm không thuận tiện. Thế nhưng kiểu Ðức Hồng Y giải thích giáo lý và các giới hạn mà sự không thể lầm lẫn của Ðức Giáo Hoàng phải có, đã được Giáo Hội công giáo chấp nhận.
Hỏi: Giáo sư nghĩ Ðức Hồng Y Newman sẽ nói gì đối với điều đang xảy ra trong lòng Giáo Hội Anh giáo: có người phò người chống lại việc truyền chức Giám Mục cho phụ nữ?
Ðáp: Ðức Hồng Y Newman chống lại một quan niệm tùy thuộc chủ thuyết tự do cho rằng mọi tôn giáo đều như nhau, và người tin mạnh mẽ vào quyền bính. Người sẽ nói rằng điều đang xảy ra tùy thuộc sự kiện Anh giáo đã không có một quyền bính riêng sống động, một trung tâm quyền bính sinh động như trong Giáo hội công giáo. Ðối với Ðức Hồng Y Newman, Giáo Hội quan trọng vì là của Chúa Giêsu, cũng như Giáo Hội là thiết yếu đối với Kitô giáo.
Hỏi: Ðức Hồng Y Newman thường được giới thiệu như là người bênh vực lương tâm chống lại quyền bính. Riêng giáo sư thì giáo sư nghĩ sao?
Ðáp: Tôi nghĩ rằng đó là một giải thích sai lạc. Câu nói nổi tiếng của Ðức Hồng Y Newman đó là "Tôi nâng ly chúc mừng lương tâm trước, rồi mới chúc mừng Ðức Giáo Hoàng" đã không được hiểu một cách đúng đắn. Nó đã thường bị dùng để nói rằng Ðức Hồng Y Newman thích quyền bính của lương tâm hơn quyền bính của Ðức Giáo Hoàng. Thật ra, Ðức Hồng Y Newman xác tín rằng lương tâm mà người tin tưởng một cách sâu đậm, sẽ luôn luôn dẫn đưa người tới với Giáo Hội và chấp nhận điều mà Giáo Hội trình bầy như là sự thật.
Hỏi: Theo giáo sư, Ðức Hồng Y Newman nghĩ gì về tương quan giữa đức tin và văn hóa?
Ðáp: Người tin rằng đối với Kitô giáo khó mà có thể tự đặt mình trong tương quan với nền văn hóa trong đó nó sống. Một đàng Kitô giáo phải sống trong thế giới và cảm thấy thoải mái trong đó, vì thế giới là do Thiên Chúa tạo dựng nên. Nhưng đàng khác Kitô giáo cũng phải đồng thời cứu rỗi thế giới. Ðức Hồng Y Newman rất ý thức được nguy cơ tín hữu kitô trở thành bạn qúa thân thiết với thế giới, nhưng người cũng rất ý thức được nhiệm vụ phải kitô hóa thế giới bằng mọi cách.
Hỏi: Giáo sư nhận thấy Ðức Hồng Y Newman có ý thức nào đối với đại học?
Ðáp: Ðức Hồng Y Newman đã là viện trưởng đại học Dublin từ năm 1851 tới 1857. Người nghĩ rằng mục đích chính của một đại học là phổ biến văn hóa hơn là dậy dỗ tôn giáo. Người cũng có một tư tưởng về văn hóa ưu việt, là tư tưởng đặc biệt của thời bấy giờ. Mục đích việc dậy dỗ trong đại học, theo người, là làm cho một phần đặc biệt của dân chúng có thể đạt tới truyền thống cổ điển. Và theo Ðức Hồng Y Newman, văn hóa trên hết là văn hóa cổ điển, triết lý, hy lạp và la tinh. Ðó chính là điều tạo thành người có giáo dục, tạo ra người thông thái.
Hỏi: Giáo sư nghĩ gì về giả thuyết lệch lạc, mà vài giới truyền thông đưa ra, cho rằng Ðức Hồng Y Newman là người đồng phái, để biện minh cho sự kiện người muốn được chôn chung với người bạn thân của mình là Ambrose St. John?
Ðáp: Ðây là một cuộc tranh luận không hiện hữu. Thật ra, vào thời đó sự kiện bạn bè thân thiết với nhau muốn được chôn chung với nhau là điều bình thường. Ðức Hồng Y Newman cũng có rất nhiều bạn phụ nữ, nhưng vào thời ấy đa số các giáo sư tại đại học Oxford đều là nam giới cả, vì thế nên tình bạn nẩy nở giữa các bạn đồng nghiệp với nhau. Và vì quý mến nhau nên họ muốn sống chết có nhau và được chôn chung với nhau. Ai nghiên cứu cuộc đời thơ ấu và thanh xuân của Ðức Hồng Y đều biết rất rõ Ðức Hồng Y John Henry Newman là người tuyệt đối bình thường.
(Avvenire 28-7-2010)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)