Công cuộc truyền giáo

tại Vladivostok, Nga

 

Công cuộc truyền giáo tại Vladivostok, Nga.

Vladivostok, Nga [National Catholic Register 9/9/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mặc dù Kitô giáo đã được hoàn toàn tự do tại Nga, hậu quả của trên 70 năm thống trị của chủ nghĩa cộng sản đã để lại một vết thương sâu xa trong lòng người dân Nga.

Theo ước tính, có khoảng 40 phần trăm người dân Nga chịu phép rửa, nhưng số người giữ đạo không quá 1 phần trăm. Nghiện rượu, phá thai và bỏ rơi trẻ con là những vấn đề nhức nhối hiện nay của xã hội Nga. Tính trung bình, mỗi phụ nữ Nga có từ 7 đến 8 lần phá thai.

Ðây là những vấn đề nghiêm trọng. Nhưng tại một số nơi, Giáo hội lại không có đủ phương tiện để thực hiện công tác tái rao giảng Tin Mừng.

Trong cố gắng đáp trả với nhu cầu truyền giáo, một số dòng tu tại Hoa kỳ đã được thành lập với mục đích được sai đi rao giảng Tin Mừng cho vùng Vladivostok tại Nga. Hiện nay, một cộng đồng nữ tu mới được thành lập tại giáo phận Kansas với tên là "Chị em trong Chúa Giêsu" đã mở một nhà mới tại Vladivostok.

Vladivostok là một thành phố cảng với khoảng 6 trăm ngàn dân, cách Trung Quốc 60 cây số và Bắc Hàn 200 cây số. Vladivostok là một xưởng đóng tàu và là một trung tâm đánh cá quan trọng của Nga. Ngoài ra, tại đây còn có một căn cứ hải quan lớn của Nga.

Năm 1991, chế độ cộng sản sụp đổ tại Nga. Tôn giáo được hồi sinh. Hai linh mục người Mỹ là cha Myron Effing và cha Daniel Maurer liền tìm cách thiết lập một cộng đồng tôn giáo tại đây. Hai vị linh mục đã đến gặp Ðức giám mục Giáo phận tại Novosibirks, Siberia cách đó trên 4 ngàn cây số và được phép thành lập cộng đoàn "Các kinh sĩ Chúa Giêsu".

Các vị đã bắt đầu công tác mục vụ tại nhà thờ "Mẹ Thiên Chúa" của người Balan. Ðây là ngôi nhà thờ đã được xây cất vào đầu thế kỷ 20 và là một trong những nhà thờ đã không bị phá hủy dưới thời cộng sản, nhưng đã được xử dụng vào những mục đích khác trong hằng bao thập niên.

Cha Maurer nói rằng Kitô giáo đã đến Nga từ một ngàn năm qua, nhưng chỉ thâm nhập vào miền viễn đông của nước này từ 180 năm nay. Nhưng trong ba thế hệ liền, đức tin Kitô đã hầu như bị quét sạch. Các tín hữu Kitô, Công giáo cũng như Chính thống, đã bị bách hại. Ước tính có đến 7 ngàn người Công giáo trong vùng này đã chịu tử đạo.

Cha Effing và Maurer không chỉ làm việc tại Vladivostok. Các ngài cũng giúp thiết lập 14 giáo xứ trong toàn giáo phận mà diện tích rộng lớn hơn cả Hoa kỳ.

Cha Effing coi sóc 3 giáo xứ cách nhau khoảng 5 giờ lái xe. Cha đã đến Vladivostok từ năm 1992. Cha cho biết: hệ thống giao thông tại đây hoàn toàn hư hại và cửa hàng thì trống không. Ðiện thoại di động và các cửa tiệm được mở 24 trên 24 là những điều mới mẽ đối với người dân Nga, mặc dù ngày nay vùng này đã được hiện đại hóa hơn.

Theo cha, một trong những vấn đề trầm trọng đối với xã hội Nga hiện nay là tỷ lệ sinh sản rất thấp. Cha nói: "Nga đang chịu cảnh thiếu trẻ con. Nhiều người già phải làm việc vì không có con cái để được giúp đỡ".

Vị linh mục này cũng nói rằng trung bình một cuộc hôn phối của người Nga chỉ kéo dài 4 năm. Phần lớn trẻ con đều lớn lên không có người cha đẻ trong nhà.

Cũng may, mặc dù phải chống chọi với nạn bàn giấy và tham nhũng, chính quyền địa phương tại Vladivostok lại có một thành tích tốt về việc tôn trọng tự do tôn giáo. Thành phần lao động trẻ không có đủ, Vladivostok đã phải nhập cảng nhiều công nhân nước ngoài để đáp ứng với nhiều công trình xây dựng mới.

Ðể tiếp tay trong công cuộc truyền giáo, cha Effing đã mời nhiều nhóm giáo dân thiện nguyện từ Hoa kỳ sang, đặc biệt để làm việc trong các cô nhi viện và các trung tâm đón tiếp những người vô gia cư. Nhưng con số thiện nguyện viên vẫn chưa đủ để lo cho các em mồ côi. Nhiều em khao khát được sự chú ý và chăm sóc.

Giáo hội trao tặng máy sưởi cho các cô nhi viện và bệnh viện.

Ðể giúp tài trợ cho công cuộc truyền giáo, nhứt là bác ái, cha Effing đã thành lập một hội chuyên gây quỹ trong các giáo xứ tại Modesto, bang California.

Giám đốc của Hội, bà Vicky Trevillyan, cho biết Hội đã quyên góp được gần một triệu mỹ kim. Mặc dù kinh tế đang suy thoái, trong năm vừa qua, Hội cũng đã rất thành công trong việc quyên góp.

Bà Trevillyan hy vọng rằng các cơ sở của Giáo hội tại Vladivostok sẽ tự túc và tâm lý của người dân Nga cũng thay đổi. Bác ái vốn là một điều rất xa lạ đối với não trạng của các thế hệ trẻ tại Nga. Cha Effing giải thích: "Người cộng sản đã dạy người ta phải hận thù. Bác ái là điều luôn bị tẩy chay".

Ngoài ra, cha Effing cũng nói đến tình trạng thiếu ơn gọi. Cộng đoàn "các kinh sĩ Chúa Giêsu" do cha làm bề trên hiện chỉ có hai chủng sinh; 4 người khác đang chuẩn bị nhập học.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page