Cuộc chiến chống lại

các Kitô hữu trên thế giới

 

Cuộc chiến chống lại các Kitô hữu trên thế giới.

Rimini, Italia (Vat. 9/09/2010) - Trong các ngày từ 22 đến 28 tháng 8 năm 2010 đại hội "Tình bạn các dân tộc" lần thứ 31 đã diễn ra tại Rimini, trung Italia, với chủ đề tự do tôn giáo và đối thoại giữa các dân tộc. Ðã có khoảng 1 triệu người thuộc nhiều nước trên thế giới tham dự 130 sinh hoạt khác nhau, gồm các buổi thuyết trình về các đề tài thần học, triết học, lịch sử, nghệ thuật và khoa học, cũng như các cuộc hội luận bàn tròn, triển lãm, hòa nhạc và kịch nghệ.

Trong số các thuyết trình viên cuộc hội luận về đề tài tự do tôn giáo có Linh Muc Joaquin Alliende Luco, chủ tịch hiệp hội giáo hoàng "Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ" và ông Mario Mauro, dân biểu âu châu, đại diện văn phòng tổ chức Cộng tác và phát triển kinh tế chống nạn kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị các kitô hữu. Ông Mauro đã giới thiệu cuốn sách cuối cùng của ông tựa đề "Chiến tranh chống Kitô hữu", trình bầy tình trạng sống khó khăn của các tín hữu Kitô ngày nay vẫn còn phải gánh chịu các kỳ thị xã hội và các cuộc bách hại tập thể đó đây trên thế giới. Ông nói: "Nếu thập niên 1990 đã kết thúc với các bạo lực chống lại các tín hữu hồi từ phía các nhóm hồi cuồng tín, thì thập niên đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến cảnh các cuộc bách hại Kitô hữu gia tăng tại các nước cộng sản như Trung Quốc, Bắc Hàn cũng như tại các quốc gia Hồi giáo. Thật thế, trong số 50 quốc gia thuộc khối A rập thì có tới hơn 30 nước bách hại Kitô giáo. Nhưng mục đích cuốn sách của tôi không phải là tấn kích các cơ cấu của các quốc gia trong đó xảy ra các cuộc bách hại các Kitô hữu, nhưng là để khích lệ gia tăng một cuộc đối thoại đích thật giữa các dân tộc".

Trích lại lời của triết gia Josef Tischer: "Thiên Chúa sinh ra... quyền lực run sợ", ông Mauro nói: Ðó là lý do của biết bao nhiêu thù ghét chống lại các Kitô hữu. Con người có tương quan với Mầu Nhiệm, và điều nảy bảo đảm sự tự do của nó, vì thế chúng ta là của Thiên Chúa, chúng ta là của Chúa Kitô và Chúa Kitô là của Thiên Chúa".

Nói đúng ra, tình trạng bách hại các tín hữu Kitô còn tệ hại hơn nhiều, vì hiện nay tại 60 nước trên thế giới chỉ việc làm dấu Thánh Giá không thôi cũng có thể nguy hại đến tính mạng. Trong năm 2009 đã có 30 Linh Mục, 2 nữ tu, 2 chủng sinh và 3 giáo dân thiện nguyện bị sát hại, tức là gần gấp đôi so với năm 2008. Và năm nay (2010) số các linh mục tu sĩ và giao dân nam nữ bị giết chết đó đây trên thế giới cũng không thuyên giảm. Hiện nay, các tín hữu kitô là nhóm tôn giáo bị kỳ thị và bách hại nghiệt ngã nhất trên thế giới: có hơn 200 triệu Kitô hữu phải thường xuyên sống trong lo âu sợ hãi, vì bị truy nã, bách hại và kỳ thị bằng trăm phương nghìn cách khác nhau.

Từ đầu tháng 7 năm 2010 tại Afghanistan đã có một nhóm bác sĩ Tin lành bị sát hại. Hồi tháng 4 năm 2010 đã có 4 tín hữu Kitô bị giết tại Mosul bên Irak. Cũng trong tháng 4 có nhiều người du mục Kitô bị giết bên Nigeria. Ðó là chưa kể đến thảm cảnh của Kitô hữu tiếp tục bị bách hại trong bang Orissa bên Ấn Ðộ, hay bị chèn áp bên Pakistan, hoặc chịu các cảnh bạo lực bên Indonesia. Và trong số các quốc gia có chính sách bách hại tự do tôn giáo Cuba và Việt Nam vẫn cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn đứng đầu sổ đen. Vì thế, khẩu hiệu "Ðộc lập, tự do, hạnh phúc" nằm trên mọi giấy tờ, tài liệu, đơn từ và được các đảng viên cộng sản Việt Nam lập đi lập lại như vẹt, chỉ là trò hịp bợm láo kkoét của Nhà Nước độc tài đảng trị, sợ hãi tự do dân chủ.

Trong bài phát biểu của mình Linh Mục Joaquin Alliende Luco, người Chilê, Chủ tịch hiệp hội giáo hoàng "Trợ giúp các Giáo Hội đau khổ" cũng xác nhận những gì ông Mario Mauro trình bầy. Cha nói: "Thế kỷ 21 sẽ là thời gian mà các linh mục phải đối diện với tinh thần của các vị tử đạo. Hai ngàn năm sau cuộc hiến tế của thầy sáu Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, người của Giáo Hội phải chờ đợi các thời gian khó khăn gian khổ. Thánh Stêphanô đã là người cha tinh thần của thánh Phaolô. Nếu không có việc tái lập chiều kích ba ngôi của thuyết nhân bản, thì sẽ không thể xây dựng tương lai của Giáo Hội và của toàn nhân loại. Khi nói tới các Kitô hữu tử đạo, chúng ta cũng ý thức rằng nếu không có các Kitô hữu, thì cũng khó mà có thể cứu vãn được mọi kinh nghiệm nhân bản và tôn giáo khác trong cuộc sống con người".

Khi nhìn vào tình hình các nước Âu châu đang bị thống trị bởi chủ trương duy đời cực đoan, và tương đối luân lý, nơi các đảng phái chính trị liên tục tấn kích và bôi nhọ Giáo Hội Công Giáo, bài xích Kitô giáo và đả phá các gía trị kitô, người ta hiểu tầm mức rộng lớn của cuộc chiến chống lại các Kitô hữu trên giới giới ngày nay. Trong nghĩa đó, con số các tín hữu Kitô bị bách hại, sách nhiễu và kỳ thị không phải chỉ là 200 triệu, mà còn đông hơn rất nhiều.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page