Tinh thần sám hối và

hoán cải canh tân Giáo Hội

 

Tinh thần sám hối và hoán cải canh tân Giáo Hội.

Roma (Vat. 8/09/2010) - Chính tinh thần sám hối và hoán cải giúp canh tân Giáo Hội chứ không phải việc thay đổi các cơ cấu.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trong buổi tiếp hơn 8,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ Tư 8 tháng 9 năm 2010.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt thánh nữ Hildegard thành Bingen, một phụ nữ nổi tiếng khôn ngoan và thánh thiện thời Trung Cổ. Một cách đặc biệt thánh nữ Hildegard đã là một người được Thiên Chúa cho có các thị kiến thần bí, giống các thị kiến của các ngôn sứ trong Kinh Thánh Cựu ước. Qua các phạm trù văn hóa và tôn giáo thời đó thánh nữ giải thích Kinh Thánh dưới ánh sáng của Thiên Chúa, và áp dụng vào các trạng huống khác nhau của cuộc sống. Nhờ vậy, những người nghe thánh nhân cảm thấy được khích lệ sống cuộc đời kitô trung thực và dấn thân. Trong một bức thư viết cho thánh Benađô thánh nữ thú nhận rằng: "Thị kiến cuốn chặt lấy toàn con người tôi: tôi không trông thấy với con mắt của thân xác, nhưng các mầu nhiệm xuất hiện trong trí khôn... Tôi hiểu biết ý nghĩa sâu xa của những điều được trình bầy trong các Thánh Vịnh, các Phúc Âm và các sách khác, được chỉ cho tôi thấy trong thị kiến. Nó đốt cháy như một ngọn lửa trong lồng ngực và trong linh hồn tôi, và dậy tôi hiểu văn bản một cách sâu xa" (Epistolarium pars prima I-XC: CCCM 91).

Các thị kiến của thánh nữ Hildegard rất giầu nội dung thần học, liên quan tới các biến cố chính của lịch sử cứu độ, có thứ ngôn ngữ thơ phú và biểu tượng. Chẳng hạn như trong tác phẩm nổi tiếng nhất của chị là "Scivias Hãy hiểu biết các con đường", chị tóm tắt trong 35 thị kiến toàn lịch sử cứu độ từ việc tạo dựng cho tới ngày tận thế.

Ðức Thánh Cha giải thích thêm như sau: Với các nét đặc thù nơi sự nhậy cảm của nữ giới, trong phần chính của tác phẩm, thánh nữ Hildegard khai triển đề tài hôn nhân nhiệm mầu giữa Thiên Chúa và nhân loại, được hiện thực trong việc Nhập Thể. Trên cây Thánh Giá thành toàn hôn lễ giữa Con Thiên Chúa với Giáo Hội, hiền thê của Người, được tràn đầy ơn thánh và có khả năng trao an cho Thiên Chúa các người con mới trong tình yêu cảu Chúa Thánh Thần (Visio tertia PL 197,453c).

Chỉ vài yếu tố đó cho chúng ta thấy nền thần học có thể nhận được một đóng góp đặc thù của nữ giới, bởi vì họ có khả năng nói về Thiên Chúa và các mầu nhiệm của đức tin với sự thông minh và nhậy cảm của nữ giới. Vì thế, tôi khích lệ tất cả những người phục vụ trong lãnh vực này chu toàn điều ấy với tinh thần giáo hội sâu xa, dưỡng nuôi suy tư bằng lời cấu nguyện, và nhìn vào sự phong phú một phần vẫn chua được khám phá của truyền thống thần bí thời Trung Cổ, nhất là nơi các mẫu gương sáng ngời như thánh nữ Hildegard thành Bingen.

Thánh Hildegard còn là tác giả của nhiều sáng tác khác nữa: đặc biệt quan trọng còn có "Sách các công nghiệp của cuộc sống (Liber vitae meritorum), và "Sách các công trình của Thiên Chúa" (Liber divinorum operum). Cuốn đầu miêu tả thị kiến Thiên Chúa làm cho vũ trụ được sống động với sức mạnh và ánh sáng của Ngài. Thánh nữ nhấn mạnh tương quan sâu xa giữa con người và Thiên Chúa, và nhắc cho chúng ta biết rằng toàn thụ tạo trong đó con người là tuyệt đỉnh, nhận được sự sống từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Cuốn sách nói về tương quan giữa các nhân đức và các thói xấu, vì vậy, con người phải hằng ngày đương đầu với thách đố của các thói xấu lôi kéo nó xa rời con đường dẫn đến Thiên Chúa và các nhân đức giúp nó tới gần Thiên Chúa. Và thánh nhân mời gọi con người tránh xa sự dữ để làm vinh danh Thiên Chúa và để sau một cuộc sống đạo hạnh, được bước vào trong cuộc sống "tất cả là niềm. vui"

Cuốn sách thứ hai miêu tả thụ tạo trong tương quan với Thiên Chúa và tập trung nơi con người, biểu lộ khuynh hướng lấy chúa Kitô làm trung tâm điểm và có mùi vị kinh thánh giáo phụ. Nó trình bầy 5 thị kiến lấy hứng từ phần dẫn nhập Phúc Âm thánh Gioan, và ghi lại lời Chúa Con nói với Chúa Cha: "Toàn công trình Cha đã muốn và đã giao cho Con, Con đã hoàn tất và này đây, Con ở trong Cha và Cha ở trong Con, và chúng ta là một" (Pars III, Visio X; PL 197, 1025a).

Ðức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: trong các bút tích khác thánh Hildegard cho thấy sức sinh động của các đan viện nữ thời Trung Cổ, trái với thành kiến của nhiều người. Thánh Hildegard nghiên cứu y khoa và khoa học thiên nhiên cũng như âm nhạc và phát triển tài năng nghệ thuật. Người sáng tác các thánh thi, các đoản ca, và thánh ca được thu thập lại và còn lưu truyền cho tới ngày nay.

Ðức Thánh Cha nói về sự kiện thánh nữ nổi tiếng và có ảnh hưởng tốt với người thời đó như sau: Các cộng đoàn đan tu nam nữ, các Giám Mục và Viện Phụ hướng tới thánh nữ để tham khảo ý kiến. Nhiều câu trả cũng lời vẫn còn có giá trị đối với cả chúng ta ngày nay nữa. Chẳng hạn thánh Hildegard viết trả lời một cộng đoàn dòng nữ như sau: "Ðời sống thiêng liêng phải được trau đồi với nhiều tân tụy. Ban đầu sự mệt nhọc đắng cay lắm. Bởi vì nó đòi hỏi từ bỏ tính hay thay đổi, thú vui xác thịt, và các điều khác giống như vậy. Nhưng nếu để cho sự thánh thiện hấp dẫn, thì một linh hồn thánh thiện sẽ tìm thấy việc khinh rẻ thế gian là êm dịu và dễ mến. Chỉ cần chú ý một cách thông minh để linh hồn đừng tàn phai" (E. Gronau, Hildegard. Vita di una donna profetica alle origini dell'età moderna, Milano 1996, tr.402).

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: khi hoàng đế Federico Barbarossa gây ra một cuộc ly giáo, bằng cách dùng ba ngụy giáo hoàng để đối đầu với Ðức Giáo Hoàng hợp pháp là Alessandro III, thánh nữ Hildegard được các thị kiến linh hứng đã không ngần ngại nhắc cho hoàng đế biết ông sẽ bị Thiên Chúa phán xử. Với sự táo bạo của mọi ngôn sứ thánh nữ viết thư cho hoàng đế với các lời lẽ đến từ Thiên Chúa: "Khốn thay, Khốn thay cho cung cách hành xử của những kẻ gian ác khinh rẻ Ta! Hỡi nhà vua, hẵy lắng nghe, nếu muốn sống. Nếu không, thì gươm của Ta sẽ đâm thâu ngươi" (Ibid, tr. 412).

Mặc dù sức khỏe yếu kém và đều kiện di lại khó khăn thời đó, trong những năm cuối đời thánh nữ Hildegard vẫn đi đây đó để nói với dân chúng về Thiên Chúa. Mọi người sẵn sàng vui lòng lắng nghe lời thánh nữ, cả khi thánh nữ có giọng điệu cứng rắn, họ vẫn coi người như là nữ sứ giả của Thiên Chúa. Người kêu gọi các cộng đoàn đan tu và giáo sĩ sống phù hợp với ơn gọi của mình. Ðặc biệt thánh nữ đã chống lại phong trào Catari tại Ðức, là phong trào của những người tự coi mình là "trong sạch", nên chủ trương một cuộc canh Giáo Hội một cách triệt để, nhất là để đánh đổ các lạm dụng của hàng giáo sĩ. Thánh nữ quở trách họ nặng nề là đã muốn lật đổ chính bản chất của Giáo Hội. Và người nhắc cho họ biết rằng việc canh tân Giápo Hội đích thật không có được bằng cách thay đổi các cơ cấu cho bằng có tinh thần sám hối chân thành và hoán cải cụ thể. Ðó là sứ điệp mà chúng ta không bao giờ được quên. Rồi Ðức Thánh cha kết luận bài huấn dụ như sau: Chúng ta hãy khẩn nài Chúa Thánh Thần để Ngài khơi dậy trong Giáo hội các phụ nữ thánh thiện và can đảm như thánh nữ Hildegard thành Bingen, biết đánh giá cao các ơn Thiên Chúa ban và góp phần đặc thù qúy báu cho sự lớn mạnh thiêng liêng của các cộng đoàn và của Giao hội thời đài chúng ta.

Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Bằng tiếng Anh Ðức Thánh Cha nói ngài nóng lòng chờ đợi chuyến viếng thăm Anh quốc trong một tuần nữa và thân aí gửi lời chào thăm toàn dân Anh quốc. Ngài chân thành cám ơn Cộng đoàn công giáo và chính quyền các cấp đang ráo riết chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này để cho các buổi cử hành được tiến triển tốt đẹp. Ðức Thánh Cha đặc biết cám ơn tất cả những ai cầu nguyện cho chuyến viếng thăm được thành công và để cho ơn thánh Chúa đổ tràn đầy trên Giáo Hội và nhân dân Anh quốc. Ngài đặc biệt vui mừng vì lễ phong Chân Phước cho Vị Ðáng Kinh John Henry Newman Chúa Nhật 19 tháng 9. Ngài cũng nóng lóng gặp gỡ các giới lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Ngài cám ơn Nữ hoàng và ÐTGM Cantebury và mong được hội kiến với các vị. Tuy không thể viếng thăm mọi nơi và mọi người, nhưng Ðức thánh Cha sẽ nhớ tới tất cả trong lới cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành cho nhân dân Anh quốc.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page