Giáo hội Công giáo tại Anh quốc

 

Giáo hội Công giáo tại Anh quốc.

Anh quốc [Báo The Economist 2/9/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Nhân chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha Benedicto XVI tại Vương Quốc Anh từ ngày 16 đến 19 tháng 9 năm 2010, báo "The Economist" phát hành tại Anh có đăng một bài nhận định về Giáo hội Công giáo tại nước này. Chúng tôi xin trích đọc hầu quí vị và các bạn trong mục thời sự hôm nay.

Ðể thấy được hai bộ mặt của Công giáo tại Anh, bạn chỉ cần đi một đoạn đường ngắn từ Quốc hội. Các trạm xe lửa và xe buýt tại Victoria, nơi nhiều người di dân đến để tìm một vận may, lại càng gần hơn.

Trước hết là Nhà thờ Chính tòa Westminster bằng gạch đỏ. Ðây là nơi cư ngụ của hàng giáo phẩm Công giáo Anh. Với lối kiến trúc Byzantine, nhà thờ này có một trong những ca đoàn hay nhứt tại Anh. Bên gốc đường là một trung tâm dành cho người vô gia cư đến ở ban ngày. Ðược xem là trung tâm dành cho người vô gia cư lớn nhứt tại London, cơ sở này hiện do các nữ tử bác ái Vinh Sơn điều khiển. Các linh mục và nữ tu làm việc tại trung tâm tạm trú này có nhiệm vụ phải liên lạc với cảnh sát, các bệnh viện và những người tự nguyện chăm sóc, để cho biết về tình trạng rất thường xảy ra nơi những người vô gia cư là rơi vào nghiện ngập hay thất vọng.

Theo báo "The Economist", trung tâm đón tiếp những người vô gia cư có những người bạn hiện đang phục vụ trong những cơ sở lớn kể cả các ngân hàng. Chẳng hạn nhân viên của Ngân hàng Goldman Sachs thường đến phục vụ trong nhà bếp của trung tâm. Nhân viên làm việc tại Ngân hàng Baclays cũng giúp đỡ những người vô gia cư để mở một trương mục.

Nhà thờ Chính tòa Công giáo Westminster là một cơ sở tương đối mới tại Anh Quốc. Mãi cho đến năm 1850, nghĩa là hơn 300 năm sau khi vương quốc Anh đoạn tuyệt với Tòa thánh và thành lập giáo hội Anh Giáo, Giáo hội Công giáo tại nước này mới có hàng giáo phẩm.

Một sự kỳ thị như thế có lẽ đã phai mờ trong ký ức, nhưng các Giáo hội vẫn có một cách khác nhau để đo lường thời gian. Trong số các kho tàng được cất giữ trong nhà thờ chính tòa Westminster, người ta thấy có di hài của các vị tử đạo đã chết vì đức tin do bàn tay của vương quốc Anh giáo này.

Ngày nay, trong khi chờ đón Ðức thánh cha Benedicto XVI, người Công giáo Anh không có lý do hiễn nhiên nào để tự xem mình đang bị bách hại. Trái lại là khác, nhiều người Công giáo đã được bổ nhiệm vào những chức vụ quan trọng trong chính phủ. Ông Chris Patten, cựu toàn quyền Hongkong, một chính trị gia thuộc đảng Bảo Thủ hiện đang là chưởng ấn Viện Ðại Học Oxford, một đại học mà người Công giáo đã luôn tránh ghi danh theo học ngay cả khi được cho phép ghi danh. Chủ tịch Quốc hội khóa trước là ông Michael Martin. Người đứng đầu Ðài BBC hiện nay là ông Mark Thompson. Riêng ông Chris Patten được bổ nhiệm làm Ðặc ủy viên tổ chức chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha. Cả ba ông này đều là những tín đồ Công giáo thuần thành. Theo luật hiện hành, chỉ có một điều duy nhứt mà người Công giáo chưa được cho phép đảm nhận là làm quốc vương hay nữ hoàng mà thôi.

Nói như thế không có nghĩa là hiện nay người Công giáo và Anh giáo đều bình đẳng hoàn toàn như nhau trong xã hội Anh quốc. Ông Charles Moore, một ký giả trở lại Công giáo, nói rằng vì trào lưu phóng khoáng và tục hóa đang thắng thế tại Anh, một người Công giáo thuần thành, nghĩa là tuân thủ Giáo huấn của Giáo hội về những vấn đề như phá thai, đồng tính luyến ái và công cuộc nghiên cứu tế bào gốc từ phôi thai người, hầu như không thể trở thành thủ tướng Anh. Ông Moore nhận định: "thành kiến chống Công giáo trước kia của Anh Giáo nay được thay thế bằng trào lưu tục hóa".

Các chính trị gia Công giáo đang phải đương đầu với bản sắc Công giáo của mình. Bà Ruth Kelly, nguyên bộ trưởng giáo dục, đã từng bị chỉ trích vì trung thành với Giáo huấn Công giáo. Cựu thủ tướng Tony Blair chỉ trở lại Công giáo sau khi từ chức. Ông John Battle, một chính trị gia Công giáo thuộc Ðảng Lao Ðộng, nói rằng hành động lớn nhứt của ông khi dựa vào niềm tin tôn giáo không phải là lên tiếng trong vấn đề đạo đức sinh học mà là chống lại cuộc chiến Iraq. Nhưng ông tin rằng chính người Công giáo đã được kính trọng khi cùng với những người thuộc các tôn giáo khác giúp giải quyết những vấn đề xã hội, trong đó có số phận người di dân.

Dưới làn sóng di dân Công giáo đến từ Ðông Âu, Á châu, Châu Mỹ Latinh và Phi Châu, Giáo hội Công giáo tại Anh được gia tăng về dân số.

Tuy nhiên, di dân Công giáo không phải là yếu tố duy nhứt mang lại bộ mặt đa dạng của Giáo hội Công giáo Anh. Theo báo "The Economist", một thành phần đáng kể khác góp phần không ít vào việc củng cố Giáo hội Công giáo là lớp trí thức trẻ và thành công xuất thân từ các trường tư do Giáo hội Công giáo điều khiển hoặc đến từ Ái Nhĩ Lan và Ðông Âu. Ðây là nhóm người mà báo "The economist" cho là gần gũi với những người thường đi lễ, ủng hộ phong trào bênh vực môi sinh và các vấn đề của thế giới thứ ba.

Theo ông Francis Davis, một học giả Công giáo, nhóm này vẫn trung thành với Giáo hội, nhưng không đồng ý với lập trường của Tòa thánh về vấn đề ngừa thai.

Bên cạnh nhóm này là những người di dân Phi luật tân và Balan rất mộ đạo.

Báo "The economist" đặt câu hỏi: "Liệu những người bảo thủ địa phương có thể hòa hợp với những thành phần di dân đa dạng để tạo thành một thứ Công giáo mới hầu chống lại chủ nghĩa tục hóa và đảo lộn Cuộc Cải Cách của Tin Lành không?"

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page