Phỏng vấn Ðức Hồng Y Stanislaw Rylko

Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Giáo Dân

về hội nghị giáo dân Công giáo Á châu

tại Seoul, Nam Hàn

 

Hội nghị giáo dân Công giáo Á châu.

Seoul, Korea (SD 30.31-8-2010; 1-9-2010) - Phỏng vấn Ðức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Giáo Dân, về hội nghị giáo dân Công giáo Á châu tại Seoul, Nam Hàn.

Trong các ngày từ 31 tháng 8 đến 5 tháng 9 năm 2010 hội nghị giáo dân Công giáo tại Á châu do Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân tổ chức, đã tiến hành tại thủ độ Seoul của Nam Hàn với chủ đề "Rao giảng Chúa Kitô tại Á châu ngày nay". Tham dự Hội nghị có khoảng 400 người, trong đó có các phái đoàn chính thức của 20 Hội Ðồng Giám Mục Á châu, kể cả Việt Nam, và 30 phái đoàn đại diện các phong trào và hội đoàn giáo dân.

Trong sứ điệp gửi hội nghị do Ðức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về giáo dân công bố trong buổi lễ khai mạc, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI chào mừng sự kiện con số giáo dân dấn thân tại Á châu gia tăng, và ngài coi đó là một dấu chỉ hy vọng lớn lao cho tương lai Giáo Hội tại đại lục này. Ðức Thánh Cha khẳng định rằng: "Con số ngày càng gia tăng các giáo dân dấn thân, được huấn luyện và đầy lòng nhiệt thành, là một dấu chỉ hy vọng rất lớn cho tương lai của Giáo Hội tại Á châu. Ở đây, với lòng biết ơn, tôi muốn đề cao hoạt động trổi vượt của nhiều giáo lý viên, đang mang đức tin Công Giáo phong phú đến cho người trẻ cũng như người lớn, lôi cuốn các cá nhân, gia đình và các cộng đồng giáo xứ vào một cuộc gặp gỡ ngày càng sâu xa hơn với Chúa Phục Sinh".

Ðức Thánh Cha kêu gọi làm sao để các giáo dân, "trong niềm hiệp thông tâm trí với các Mục Tử của mình, và được tháp tùng trong mỗi giai đoạn của hành trình đức tin qua sự huấn luyện tốt đẹp về tu đức và huấn giáo, họ được khích lệ cộng tác tích cực, không những vào vào việc xây dựng cộng đoàn Giáo Hội địa phương, nhưng còn tìm kiếm những con đường mới cho Tin Mừng trong mọi lãnh vực của xã hội nữa".

Cũng trong Sứ điệp, Ðức Thánh Cha ca ngợi sự đóng góp của các phong trào tông đồ và canh tân như một hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Linh, vì họ mang lại sức sống và năng lực mới cho việc đào tạo giáo dân, đặc biệt cho các gia đình và người trẻ; tiếp đến là các hội đoàn và phong trào của Giáo Hội chuyên thăng tiến phẩm giá con người và công lý một cách cụ thể, chứng tỏ đặc tính đại đồng của Sứ điệp Tin Mừng về ơn làm con cái Thiên Chúa".

Sau cùng, Ðức Thánh Cha cầu chúc Hội nghị giáo dân Công Giáo Á châu đề cao vai trò không thể thiếu được của giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội và phát triển những chương trình đặc thù cũng như các sáng kiến để trợ giúp họ trong việc rao giảng Chúa Kitô tại Á châu ngày nay. Ngài viết: "Tôi xác tín: những thảo luận và quyết định tại Hội nghị sẽ nhấn mạnh rằng đời sống và ơn gọi Kitô phải được coi như nguồn mạch đầu tiên mang lại hạnh phúc cao cả và là một hồng ân cần được chia sẻ với tha nhân".

Hội nghị đặc biệt để ý đến các văn kiện tham chiếu của Tòa Thánh như: Tông huấn "Giáo Hội tại Á châu", Thông điệp "Redemptoris Missio" Sứ Mạng Ðấng Cứu Chuộc, Tông huấn "Người tín hữu Á châu", và những kết luận của Hội nghị về truyền giáo Á châu nhóm tại Bangkok Thái Lan hồi tháng 10 năm 2006 về đề tài "Kể lại câu chuyện Chúa Giêsu tại Á châu. Hãy đi và kể lại với tất cả mọi người".

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Hồng Y Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Giáo Dân, về hội nghị giáo dân công giáo Á châu nói trên.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, tại sao hội nghị lại chọn đề tài "Loan báo Chúa Giêsu Kitô tại Á châu ngày nay"?

Ðáp: Với đề tài này chúng tôi muốn minh nhiên trọng tâm của sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, và như thế cũng là của mọi giáo dân kitô: đó là loan báo Chúa Kitô như Ðấng Cứu Ðộ duy nhất của nhân loại.

Vấn đề đặc biệt sống động tại Á châu, là chiếc nôi của các truyền thống văn hóa và tôn giáo ngàn đời, là đại lục trong đó Chúa Kitô đã sinh ra nhưng vẫn chưa được đa số dân biết tới. Vì thế cần phải nhắc lại điều Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong tông thư Giáo Hội tại Á châu: "Niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu là một ơn cần chia sẻ: đó là ơn lớn lao nhất mà Giáo Hội có thể cống hiến cho Á châu" (s. 10).

Ðại lục mênh mông này có gần 4 tỷ người, tức chiếm 2 phần 3 nhân loại, trong đó chỉ có 120 triệu tín hữu kitô, có quyền được lắng nghe loan báo tin vui của Chúa Kitô Ðấng Cứu Ðộ con người, và chúng ta là các kitô hữu chúng ta có bổn phận đem lời loan báo đó đến cho người dân của đại lục này. Ở đây mở ra một không gian vĩ đại cho sứ mệnh của tín hữu giáo dân.

Hỏi: Ðâu là mục đích chính mà Hội nghị nhắm tới thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Mục đích chính của hội nghị là khích lệ giáo dân công giáo tại Á châu tái khám phá ra tầm quan trọng và vẻ đẹp ơn gọi của họ và sứ mệnh của họ trong Giáo Hội và trên thế giới. Chúng tôi muốn rằng các tín hữu giáo dân của đại lục này canh tân ý thức về vẻ đẹp là tín hữu kitô; là môn đệ của Chúa Kitô thật là điều đáng công...

Ðể đạt mục đích ấy, cần phải có một tiến trình đào tạo sâu rộng, để cho giáo dân tại Á châu có căn tính kitô mạnh mẽ, xác tín và được linh hoạt bởi ý thức đồng trách nhiệm sống động đối với cuộc sống của các cộng đoàn kitô, các giáo xứ, giáo phận, cũng như đối với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội trên thế giới. Hội nghị của chúng tôi là một lời mời gọi hướng tới tất cả mọi giáo dân tại Á châu: "Hãy đi làm trong vườn nho của Chúa!... Chúa Kitô cần từng người trong chúng ta!" Ngoài ra, qua biến cố này, với lòng can đảm và óc sáng tạo chúng tôi muốn đương đầu với không ít thách đố mà Giáo Hội đang phải đối phó tại đại lục này. Sau cùng, chúng tôi muốn thức tỉnh việc rộng mở lớn hơn của các Giáo Hội địa phương cho một mùa mới "quy tụ các tín hữu".

Ngày nay, Chúa Thánh Thần đang khơi dậy biết bao nhiêu đặc sủng làm nảy sinh ra các phong trào giáo hội và các cộng đoàn mới. Các cộng đoàn này khơi dậy trong cuộc sống của giáo dân một sự hăng say truyền giáo mà Á châu đặc biệt cần đến. Nói một cách ngắn gọn, hội nghị này muốn là một trường học hy vọng kitô cho tất cả các tham dự viên: Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về giáo dân, 16 năm đã trôi qua kể từ hội nghị Á châu lần trước, Ðức Hồng Y nhận thấy có sự thay đổi nào nơi thế giới giáo dân á châu hay không?

Ðáp: Hội nghị lần trước đã diễn ra tại Ðại Hàn năm 1994. Nếu chúng ta chú ý quan sát cuộc sống của Giáo Hội tại Á châu trong 16 năm qua, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng, mặc dầu có nhiều thách đố khó khăn, Giáo Hội vẫn đầy nhiệt huyết truyền giáo. Ðó là một Giáo Hội gia tăng 4-5% mỗi năm, và có thể hãnh diện về hàng ngũ các Thánh, đặc biệt là các vị tử đạo của đức tin, trong đó có không ít giáo dân. Chắc chắn rồi, đây là một Giáo Hội thiểu số, nhưng không phải là một thiếu số nhút nhát, đóng kín trong chính mình. Thật vậy, chúng ta đang đứng trước một Giáo Hội tràn đầy sức sống và được linh hoạt bởi niềm hy vọng lớn lao nảy sinh từ đức tin. Chúng ta có thể dùng kiểu nói của Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI mà nói rằng tín hữu công giáo tại Á châu là "một thiểu số sáng tạo", trong nghĩa họ ý thức họ là một sự hiện diện định đoạt đối với tương lai của đại lục này, bởi vì họ là những người đem sứ điệp cứu độ đến cho toàn nhân loại.

Giáo dân Á châu luôn ngày càng ý thức hơn vế sứ mệnh ngôn sứ của họ và về tinh thần đồng trách nhiệm đối với cuộc sống của các cộng đoàn kitô trong các giáo xứ và giáo phận. Và điều này đáp ứng chương trình dấn thân đã được phát động bởi tông thư "Giáo Hội tại Á châu". Nghĩa là chương trình của "một Giáo Hội dấn thân tham dự" trong đó mỗi người - và như thế cả các giáo dân nữa - đều sống ơn gọi riêng của mình và chu toàn vai trò riêng của mình (s. 25). Vì thế, Giáo Hội nhìn anh chị em giáo dân tai Á châu với niềm hy vọng lớn lao, và tin tưởng nơi sự dấn thân cụ thể của họ trong công tác rao truyền Tin Mừng.

Hỏi: Vậy, đâu là các điểm nóng của việc rao truyền Tin Mừng tại Á châu hiện nay, thưa Ðức Hồng Y?

Ðáp: Trong hội nghị này chúng tôi muốn đương đầu với nhiều thách đố nảy sinh trong việc truyền giáo tại đại lục này. Chẳng hạn như sự kiện càng ngày huynh hướng cực đoan càng áp đặt các hạn chế đối với quyền tự do tôn giáo trong nhiều nước Á châu. Cũng không thiếu các trường hợp kỳ thị hay thực sự bách hại các tín hữu kitô. Thường thì "chứng tá thinh lặng của cuộc sống là cách thức duy nhất loan báo Nước Chúa trong nhiều nơi tại Á châu, nơi việc công khai rao giảng Tin Mừng bị cấm và quyền tự do tôn giáo bị khước từ hay bi hạn chế một cách có hệ thống" (Ecclesia in Asia, s. 23).

Các Giám Muc của vài nước Á châu tố cáo hiện tượng đau buồn của việc "mất máu sự hiện diện kitô", vì có không ít các kitô hữu bỏ nước để trốn sang các nơi an toàn hơn... Trong nghĩa này, các kitô hữu của lục địa Á châu cần tình liên đới của chúng ta và sự nâng đỡ tinh thần đặc biệt của chúng ta.

Có một thách đố khác nữa đối với việc rao giảng Tin Mừng: đó là việc gặp gỡ các truyền thống tôn giáo lớn của Á châu.. Việc gặp gỡ đó tạo ra nguy cơ phổ biến một tâm thức duy tương đối và trộn lẫn tôn giáo làm sai lạc công tác rao truyền Tin Mừng. Thí dụ, người ta hướng tới chỗ giản lược sứ mệnh truyền giáo vào một thứ đối thoại mơ hồ, trong đó mọi lập trường đều như nhau; người ta giản lược việc rao truyền Tin Mừng vào công tác thuần túy thăng tiến nhân bản, với xác tín rằng điều đó đủ để giúp người ta trở thành người hơn hay sống niềm tin tôn giáo của mình một cách trung thành hơn... Liên quan tới điểm này, "Thông tư giáo lý về vài khía cạnh của việc rao truyền Tin Mừng" của Bộ Giáo Lý Ðức Tin cống hiến các câu trả lời rõ ràng. Sau cùng, chúng ta cũng không quên rằng hiện tượng toàn cầu hóa cũng đem tới Á châu tâm thức hậu tân tiến, khước từ Thiên Chúa trong hình thái ít nhiều rõ ràng, và giáo dân công giáo cũng không được miễn khỏi phải chịu các ảnh hưởng này.

Tất cả các thách đố trên đây chứng minh cho thấy cần phải cấp thiết đẩy mạnh việc đào tạo, đào sâu công tác khai tâm kitô trong các giáo xứ cũng như trong các hiệp hội giáo dân.

(SD 30.31-8-2010; 1-9-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page