Ðại hội giáo dân Á châu

tại Seoul Nam Hàn

 

Ðại hội giáo dân Á châu tại Seoul Nam Hàn.

Seoul, Nam hàn [Asianews 1/9/2010] - "Người Công giáo tại Á châu là "một thiểu số sáng tạo" và có một vai trò quyết định trong hiện tại cũng như tương lai của lục địa".

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến,

Trên đây là sứ điệp mà Ðức hồng y Stanislaw Rylko, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về giáo dân, đã nhắn gởi đến các tham dự viên Ðại Hội Giáo Dân Á Châu khai mạc tại thủ đô Seoul, Nam Hàn hôm thứ Tư 1 tháng 9 năm 2010 và sẽ kéo dài cho đến ngày Chúa Nhựt 5 tháng 9 năm 2010.

Với chủ đề "Loan báo Chúa Giêsu Kitô cho Á châu ngày nay", Ðại hội qui tụ khoảng 400 đại diện giáo dân đến từ 20 quốc gia tại Á châu. Ðại diện giáo dân đến từ các Giáo hội trẻ trung như Trung Á và Mongolia, từ các Giáo hội cổ xưa như Ấn độ hay Nam Hàn, từ những Giáo hội nghèo như Nepal và Pakistan hay từ những Giáo hội giàu và hiện đại như Nhựt bản... đều hiện diện bên nhau trong một đại thính đường tân tiến nằm sát cạnh nhà thờ chính tòa Myongdong, giữa thủ đô Seoul.

Những cộng đồng duy nhứt không đáp lại lời mời của Hội đồng Tòa thánh giáo dân là các cộng đồng từ Trung quốc. Nhưng bù lại nhiều đại diện giáo dân từ Hongkong và Ðài Loan đã có mặt trong Ðại hội. Một số cộng đồng khác như Cambodia và Bangladesh và dĩ nhiên Bắc Hàn đã không gởi đại diện đến tham dự Ðại Hội.

Từ đây cho đến hết Chúa Nhựt 5 tháng 9 năm 2010, các đại diện giáo dân tại Á châu sẽ lắng nghe nhiều bài phát biểu và tham gia nhiều cuộc thảo luận về công cuộc truyền giáo trong lục địa hiện được xem là dẫn đầu thế giới về kinh tế, xã hội và chính trị.

Trong bài diễn văn chào mừng Ðại hội, Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về giáo dân đã trình bày một cái nhìn tổng quát về công cuộc truyền giáo tại Á châu cũng như những thách đố mà người Công giáo đang phải đương đầu.

Á châu là lục địa chiếm đến 2 phần 3 dân số thế giới và có lẽ là nơi mà công cuộc phát triển kinh tế và toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng nhứt. Nhưng sự phát triển nhanh chóng này cũng làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội: nhiều vùng của Á châu hiện đang rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực và là hiện trường của vô số vi phạm nhân quyền. Tiến trình hiện đại hóa xâm nhập và phá hủy nhiều truyền thống và văn hóa, do đó làm phát sinh chủ nghĩa cực đoan nơi một số tín đồ tôn giáo như Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo. Trong khi đó tại nhiều đô thị, người dân lại bị lôi kéo theo trào lưu duy vật, chạy vào chủ nghĩa hưởng thụ và duy tương đối.

Trong các bài phát biểu hôm 1 tháng 9 năm 2010, Ðức hồng y Rylko cũng như nhiều diễn giả khác đã nhấn mạnh đến tình trạng "thiểu số" của người Công giáo trong xã hội Á châu: dân số trong toàn lục địa là khoảng 4 tỷ người. Trong số này chỉ có khoảng 120 triệu tín hữu Kitô, nghĩa là chỉ chiếm khoảng gần 2 phần trăm. Tuy nhiên, mỗi năm thiểu số này gia tăng từ 4 đến 5 phần trăm.

Những thách đố mà người Công giáo Á Châu đang phải đương đầu không thể giải quyết bằng các chiến lược và tổ chức, mà chỉ có thể bằng cách đào sâu mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Theo Ðức hồng y chủ tịch Hội đồng Tòa thánh gia đình, đối với các tín hữu Kitô Á châu, bước đầu tiên là "phải tái khám phá phép rửa của mình" để ngày càng trở nên muối và men cho lục địa. Ðức hồng y Rylko giải thích: "Muối trong thức ăn thường là "thiểu số", nhưng mang lại hương vị. Vấn đề thực sự không phải là "thiểu số" mà là hiệu năng" trong xã hội.

Theo vị Hồng y này, người tín hữu Kitô được kêu mời trở thành một phần "cơ hữu" của Giáo hội và "làm tín hữu Kitô không chỉ trong lúc thờ phượng, mà trong xã hội, can đảm và vui tươi chứng tỏ tự do, vẽ đẹp được làm tín hữu Kitô."

Hai diễn giả khác đã trình bày lịch sử của mầu nhiệm Giáo hội tại Á Châu. Trước hết là cha Felipe Gomes, một linh mục Dòng Tên đã từng làm giáo sư tại Giáo hoàng học viện Pio X Ðà lạt, Việt Nam, trước năm 1975. Hiện cha Gomes đang giảng dạy tại Học Viện Mục Vụ Ðông Nam Á ở Manila, Phi luật tân. Cha Gomes nói rằng Á Châu là lục địa của Chúa Giêsu Kitô, bởi vì Ngài cũng là người Á châu. Chính tại đây mà phần lớn các thánh tông đồ đã chịu tử đạo và cũng chính tại đây mà các nhà thừa sai đầu tiên đã mang Tin mừng đến. Cho đến năm 1200, Á châu có ít nhứt 21 triệu tín hữu Kitô. Nhưng sau đó, do sự phát triển của Hồi giáo, do thiếu thông tin và liên lạc cũng như phải chiến đấu để thích nghi với các nền văn hóa địa phượng và nhứt là bị bách hại cho nên Giáo hội tại Á châu dần dần bị thu nhỏ lại. Tuy nhiên, Giáo hội luôn hãnh diện về con số các vị tử đạo Á Châu.

Cha Gomes kết luận: "Có thể đồng hồ của Chúa tại Á châu gỏ theo một nhịp khác và chúng ta phải tôn trọng mầu nhiệm này".

Về phần mình, Ðức hồng y Telesphore Toppo, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn độ trình bày về hoạt động truyền giáo cho các vùng sắc tộc tại nước này. Ngài cho biết vào thế kỷ 19, nhờ hoạt động của một linh mục Dòng Tên là cha Constant Lievens, chỉ trong vòng 7 năm, có trên 80 ngàn người dân sắc tộc tại Chotanagpur, miền trung Ấn độ, trở lại Kitô giáo. Kèm với sự trở lại này là công cuộc giáo dục và phát triển xã hội, nhờ đó Giáo hội được cấm rễ sâu trong xã hội. Hiện nay vùng này có 12 Giáo phận với hàng ngàn linh mục và tu sĩ nam nữ.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page