Ðại sứ Anh bên cạnh Tòa thánh

và chuyến viếng thăm Anh Quốc

của Ðức Thánh Cha

 

Ðại sứ Anh bên cạnh Tòa thánh và chuyến viếng thăm Anh Quốc của Ðức Thánh Cha.

Roma [CNS 27/8/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ðại sứ Anh bên cạnh Tòa thánh, ông Francis Campbell, là một trong những nhân vật chủ chốt trong việc chuẩn bị chuyến viếng thăm Anh quốc từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 9 năm 2010 của Ðức Thánh Cha Benedicto XVI.

Kể từ cuộc Cải Cách Tin Lành vào thế kỷ thứ 16 đến nay, ông Campbell là người Công giáo đầu tiên được cử làm đại sứ Anh bên cạnh Tòa Thánh.

Công việc chính của một đại sứ là giải thích cho chính phủ của mình hiều được chính phủ bạn và ngược lại giải thích cho chính phủ bạn hiểu được chính phủ của mình. Một cách cụ thể, ông Campbell thường xuyên gởi báo cáo về London để giúp cho chính phủ của ông hiểu được Vatican là gì, Ðức giáo hoàng là ai và đâu là những mối quan tâm chung của hai nước. Ðây là công việc mà, cũng như các đại sứ khác, ông Campbell đã làm kể từ khi được bổ nhiệm làm đại sứ Anh bên cạnh Tòa thánh. Tuy nhiên, trong suốt năm vừa qua, ông Campbell nói rằng ông luôn bận bịu với việc chuẩn bị chuyến viếng thăm Anh quốc của Ðức thánh cha từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 9 năm 2010.

Ðức Gioan Phaolo II đã viếng thăm Anh quốc năm 1982. Ðây là lần đầu tiên Anh quốc đón tiếp một vị Giáo hoàng. Trong số các nhân viên đang phục vụ trong tòa đại sứ Anh bên cạnh Tòa thánh, không có người nào có kinh nghiệm về một chuyến viếng thăm của Ðức giáo hoàng. Tuy nhiên, hồ sơ của chuyến viếng thăm cách đây 28 năm vẫn còn trong tòa đại sứ.

Ðương kiêm đại sứ Anh bên cạnh Tòa thánh giải thích về chuyến viếng thăm từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 9 năm 2010 của Ðức Benedicto XVI: "Ðây là một chuyến viếng thăm rất khác, vì nhiều lý do", đặc biệt bởi vì đây là một chuyến viếng thăm vừa là của một vị nguyên thủ quốc gia vừa là của một vị chủ chăn Giáo hội hoàn vũ.

Năm 1982, đức Gioan Phaolo II đã có cuộc gặp gỡ với nữ hoàng Elizabeth II và nhiều nhà lãnh đạo trong chính phủ Anh. Nhưng cuộc đón tiếp đã không diễn ra một cách "trang trọng", bởi vì năm đó giữa Anh Quốc và Argentina đang có chiến tranh về quần đảo Falkland và Tòa thánh đang cố gắng giữ lập trường trung lập.

Cao điểm của chuyến viếng thăm từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 9 năm 2010 của Ðức Benedicto XVI chính là cuộc gặp gỡ với nữ hoàng Elizabeth II tại Ðiện Holyroodhouse ở Edingburg, Scotland vào ngày 16 tháng 9 năm 2010.

Ðại sứ Campbell cho biết: trong cuộc gặp gỡ, nữ hoàng Anh sẽ giới thiệu Ðức thánh cha cho khoảng 120 nhân vật đại diện cho nhiều giới khác nhau tại Anh.

Ðại sứ Anh bên cạnh Tòa thánh hy vọng rằng biến cố này sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người tại Vương quốc Anh. Nhưng ông cũng tin tưởng rằng Ðức thánh cha sẽ gây được một ấn tượng mạnh khi ngài đọc diễn văn tại Ðại thính đường Westminster ở London vào ngày 17 tháng 9 năm 2010. Ðại thính đường này là một tòa nhà được xây cất năm 1099 và đã từng được xử dụng làm nơi tổ chức các cuộc lễ đăng quang của các quốc vương và nữ hoàng Anh cũng như làm nơi xử án. Thật vậy, chính tại thính đường này mà thánh Thomas More đã bị kết án tử hình năm 1535.

Các nhà lãnh đạo của xã hội dân sự Anh, các nghệ sĩ, chính trị gia, học giả và giới doanh nhân sẽ lắng nghe bài diễn văn của Ðức thánh cha tại Ðại thính đường Westminster.

Ðại sứ Campbell nói rằng sự kiện Ðức giáo hoàng được mời đọc diễn văn tại chính nơi thánh Thomas More bị kết án vì đã không đứng về phía vua Henry VIII để chống lại Tòa thánh, có một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt về sự xích lại gần nhau giữa xã hội Anh và Tòa thánh. Tưởng cũng nên nhắc lại: vì không được Tòa thánh cho phép ly dị để cưới vợ khác, vua Henry VIII đã tuyên bố đoạn tuyệt với Tòa thánh và thành lập Giáo hội Anh Giáo. Thánh Thomas More, lúc bấy giờ đang làm thủ tướng, đã cực lực phản đối hành động này của nhà vua. Chính vì vậy mà thánh nhân đã bị kết án tử hình.

Theo ông Campbell, việc Ðức thánh cha sẽ đọc diễn văn tại chính nơi thánh Thomas bị kết án tử hình nói lên lên tính đa tôn giáo và khoan nhượng hiện nay của xã hội Anh.

Ðại sứ Anh bên cạnh Tòa thánh nói rằng, mặc dù nhiều người tại Ý, kể cả Tòa thánh, nhìn Anh quốc như một xã hội "rất tục hóa", trong thực tế có đến 70 phần trăm dân số nước này tự nhận là tín hữu kito và các Giáo hội luôn tích cực trong các cuộc tranh luận xã hội.

Theo ông, Anh quốc không phải là một xã hội "vô cảm" với tôn giáo. Người ta có thể thấy được điều này qua phản ứng của báo chí về chuyến viếng thăm sắp tới của Ðức thánh cha.

Ông nói rằng giữa hai thái độ " dửng dưng" và "chống đối", ông chọn sự chống đối.

Hiện nay, đại sứ Anh bên cạnh Tòa thánh đang cố vấn cho việc soạn thảo các bài diễn văn mà các viên chức chính phủ sẽ đọc trước mặt Ðức thánh cha.

Ông Campbell nói rằng những ai không hiểu được tại sao Anh Quốc tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao với Tòa thánh đã không thấy được những mối quan tâm chung của Anh Quốc và Tòa thánh, đặc biệt về sự phát triển thế giới và tỏ tình liên đới với người nghèo xuyên qua giáo dục và y tế.

Ngoài ra, theo ông Campbell, Anh Quốc và Tòa Thánh cũng đều quan tâm đến vấn đề thay đổi thời tiết, giải trừ vũ khí, đạo đức trong kinh tế, cuộc đối thoại liên tôn và đại kết.

Ðại sứ Campbell sẽ mãn nhiệm kỳ 5 năm vào tháng 12 năm 2010.

Ông nói rằng trải qua năm cuối cùng bằng việc chuẩn bị chuyến viếng thăm Anh quốc của Ðức thánh cha quả là một điều kỳ thú.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page