Giáo Hội Công Giáo và công tác cứu trợ

các nạn nhân lũ lụt tại Pakistan

 

Giáo Hội Công Giáo và công tác cứu trợ các nạn nhân lũ lụt tại Pakistan.

Pakistan (AsiaNews 5.16.18.19.25-8-2010; ASCA-AFP 25.26-8-2010) - Từ 4 tuần qua dân nước Pakistan đang phải vất vả chiến đấu với nạn lũ lụt tệ hại chưa từng có trong lịch sử của mình. Có tới một phần năm diện tích toàn Pakistan bị nước chôn vùi. Cho tới nay lũ lụt đã khiến cho hơn 1,600 người chết, 800,000 người hoàn toàn bị cô lập và 20 triệu người gián tiếp hay trực tiếp bị liên lụy. Tuy chính quyền và quân đội cũng như các tổ chức nhân đạo quốc tế đã hết sức dấn thân, nhưng công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn và tiến hành rất chậm chạp, vì mọi cơ cấu hạ tầng cầu cống và đường lộ đã bị lũ lụt cuốn trôi hay bị đất vùi lấp cản trở. Theo một số dự đoán có ít nhất 6 triệu người cần được cứu trợ cấp thời, trong khi hàng trăm ngàn người khác đã không nhận được trợ giúp nào, vì giao thông khó khăn. Lũ lụt đã tàn phá hàng trăm ngàn nhà cửa và cuốn trôi mùa màng khiến cho hàng triệu người chỉ còn hai bàn tay trắng. Bên cạnh đó nguy cơ đói khát và bệnh dịch rất lớn, vì dân chúng không có nước trong lành để uống, và họ phải sống chung với các thú vật còn sống sót.

Trước thảm cảnh này của người dân Pakistan, vào cuối buổi tiếp kiến chung 2,000 tín hữu hành hương và du khách sáng thứ Tư 18 tháng 8 năm 2010 trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã kêu gọi liên đới trợ giúp các nạn nhân lũ lụt. Ngài nói: "Tôi nghĩ tới các dân tộc thân yêu của nước Pakistan bị lũ lụt trầm trọng. Lũ lụt đã khiến cho nhiều người chết và nhiều gia đình mất hết nhà cửa. Trong khi phó thác những người đã qua đời cho lòng thương xót của Thiên Chúa, tôi xin bầy tỏ sự gần gũi tinh thần của tôi với các anh chị em bị thử thách nặng nề như vậy, cũng như tình liên đới của chúng ta và sự trợ giúp cụ thể của cộng đồng quốc tế".

Ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã bầy tỏ đau buồn sâu xa trong chuyến viếng thăm nhiều vùng tại Pakistan bị chôn vùi dưới làn nước lụt. Trong cuộc họp báo ngày 16 tháng 8 năm 2010, ông cho biết ông và phái đoàn đã quặn thắt trong tim, khi trông thấy thảm cảnh của các nạn nhân lũ lụt. Ông đã từng viếng thăm nhiều nơi bị tai ương thiên nhiên, nhưng chưa bao giờ trông thấy thảm cảnh trầm trọng như tại Pakistan. Ông cũng đã dùng trực thăng để quan sát 4 quận vùng Punjab, bị lụt nặng nhất. Ðây là vựa lúa của Pakistan, nhưng các cánh đồng lúa đều ngập nước và chắc chắn là các nông dân sẽ không thu hoạch được gì. Nông nghiệp đem lại 20% lợi tức quốc gia bị đánh gục, vì các cách đồng trồng bông, mía, bắp và rau đều bị nước cuốn trôi. Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, cùng hiện diện trong buổi họp báo, cho biết khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng của lũ lụt, và họ cần được trợ giúp ít nhất trong vòng 2 năm tới. Hiện nay quân đội và các toán cấp cứu vẫn chưa tới được với dân chúng nhiều vùng tại Pakistan. Ông Ban Ki Moon đã kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đóng góp 500 triệu mỹ kim cho công tác cứu trợ. Tổ chức tiền tệ quốc tế cho biết các hậu qủa của lũ lụt sẽ kéo dài và ảnh hưởng mạnh trên nền kinh tế Pakistan.

Xem ra cộng đồng quốc tế cũng rất chậm chạp trong việc đóng góp ngân qũy, và việc phân chia đồ cứu trợ đã không được đồng đều khắp nơi. Punjab là vùng bị lụt nặng nhất, vì đã có ít nhất 900,000 căn nhà bị tàn phá và và nước lũ đã cuốn trối mọi sự: nhà cửa, thực phẩm, hạt giống, mùa màng, khiến cho người dân chỉ còn lại hai bàn tay trắng, đói khát và không có nước uống.

Tuy Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước thành viên đóng góp 500 triệu mỹ kim để bảo đảm đồ cứu trợ cho các nạn nhân trong 3 tháng tới đây. Nhưng cho tới nay đã chỉ được 54.4% số tiền hứa trợ giúp. Ngày 19 tháng 8 năm 2010 ngân hàng phát triển Á châu sẵn sàng cho Pakistan vay 2 tỷ mỹ kim, trong khi ngân hàng phát triển hồi giáo tặng Pakistan 11.2 triệu mỹ kim. Ngoài ra cũng có một số quốc gia tặng ngân khoản giúp Pakistan đương đầu với tình trạng hiện nay: Hoa Kỳ 90 triệu mỹ kim, Anh quốc 48.5 triệu, Australia 21.6 triệu, A Rập Sauđi 20 triệu, Nhật Bản 10 triệu, Thổ Nhĩ Kỳ 10 triệu, Pháp 1 triệu, Afghanistan 1 triệu, Italia 1 triệu Euros. Theo ông Zamir Akam, đại sứ Pakistan cạnh Liên Hiệp Quốc, cần phải có ít nhất 2.5 tỷ mỹ kim mới có thể tái thiết các thiệt hại do trận lụt gây ra cho Pakistan.

Tổ chức Caritas Pakistan đã huy động công tác cứu trợ ngay khi lũ lụt vừa xảy ra. Nhiều tấn thực phẩm, lều vải, chăn mền và quần áo đã được phân phát cho dân chúng. Các nhân viên thiện nguyện cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ dân chúng sống tại làng quê. Lý do là vì đường sá cầu cống đều bị nước phủ lấp, do đó họ thường phải đi bộ. Hệ thống điện và điện thoại đều bị hư hại. Trong nhiều vùng như Shangla và Khyber Pakhtungkhwa, dân chúng cũng không có nước để uống, và có nguy cơ bị bệnh dịch. Caritas Pakistan đã cũng cấp cho 1,500 gia đình vùng Peshawar nước uống, thực phẩm dụng cụ nấu bếp và các thùng phẩm vật y tế bao gồm cả thuốc lọc nước và khử trùng. 1,350 gia đình tai Karkhan và Kohlu cũng đã được Caritas trợ giúp. Ngày mùng 5 tháng 8 năm 2010 chương trình Thực Phẩm Thế Giới cũng đã phát động chiến dịch cứu trợ và dùng trực thăng chuyên chở thực phẩm tới các nạn nhân. Tuy nhiên 3 chuyến chuyên chở đầu tiên cũng chỉ vận chuyển được 7 tấn thực phẩm, đủ nuôi sống 2,500 người trong vòng một tuần.

Hôm 25 tháng 8 năm 2010 tín hữu Công giáo toàn nước Pakistan đã cùng nhau tham gia ngày cầu nguyện do Hội Ðồng Giám Mục phát động, để tỏ tình liên đới với các nan nhận lũ lụt. Ðức Cha Joseph Coutts, Giám Mục Faisalabad, kiêm Giám đốc Caritas Pakistan, cho biết các tín hữu Kitô và Hồi giáo trong giáo phận của ngài cùng nhau đứng ra quyên góp tiền bạc và phẩm vật cứu trợ. Các Giám Mục Pakistan cũng đã công bố thư mục vụ kêu gọi toàn dân liên đới với các nạn nhân lũ lụt. Lá thư mang chữ ký của Ðức Cha Lawrence Saldanha, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục có đoạn viết: "Ðất nước chúng ta đang đứng trước tai ương thiên nhiên to lớn nhất lịch sử của mình. Trận lụt lớn của sông Indo đã gieo chết chóc và tàn phá, khiến cho hơn 15 triệu người bị liên lụy và hàng trăm ngàn nhà cửa bị nước lũ cuốn trôi. Chúng ta liên đới với các anh chị em đang phải đau khổ vì thảm cảnh quốc gia này. Trong giai đoạn thê thảm này bổn phận kitô của chúng ta là phải sát cánh với các tín hữu hồi giáo và ấn giáo để can đảm và cương quyết đương đầu với tai ương to lớn này. Là hàng lãnh đạo của anh chị em, chúng tôi muốn động viên mọi khả năng tuy hạn hẹp của chúng ta, và làm tất cả những gì có thể để thoa dịu khổ đau của các nạn nhân. Chúng tôi xin tất cả mọi người trợ giúp các anh chị em nạn nhân lũ lụt với các thực phẩm đã nấu sẵn và các phần ăn dọn sẵn, trợ giúp lều bạt và thuốc men giúp chống dịch tả và các thứ tật bệnh khác. Chúng tôi xin giới trẻ hoạt động thiện nguyện trong các trại tạm trú... ".

Ðức Cha Coutts cũng cho biết các giáo phận bị thiệt hại nhất vì lũ lụt là Hyderabad, Multan, Rawalpindi và Quetta. Nhưng mưa lũ cũng đã gây ra rất nhiều thiệt hại trong các giáo phận khác nữa. Ngày 24 tháng 8 năm 2010 Ðức Cha đã chủ sự một buổi chầu Thánh Thể và một thánh lễ trong nhà thờ chính tòa thánh Phêrô Phaolô Faisalabad để cầu nguyện cho các nạn nhân. Ðức Cha cũng cho biết thành phố Goija, nơi năm ngoái đã xảy ra các vụ tàn sát tín hữu kitô, cũng nằm trong giáo phận của ngài.

Bà Jasmine Joseph, giám đốc Caritas giáo phận Faisalabad, cho biết Caritas đang đứng trước một nhiệm vụ mênh mông trong việc cứu giúp người dân Pakistan. Mặc dù giáo phận này đã không trực tiếp bị tàn phá vì lũ lụt, nhưng các thiệt hại do lũ lụt gây ra cũng nghiêm trọng. Hoa mầu bị mất mát, và nhà cửa của dân nghèo bị sập. Caritas đang tìm cách trợ giúp được bao nhiêu nạn nhân có thể. Cho tới nay đa số các nạn nhân được trợ giúp là tín hữu hồi, nhưng tôn giáo không quan trọng, điều quan trọng là các nạn nhân.

Linh Mục Khalid Rashid, Cha Chính giáo phận Faisalabad, chủ tịch Ủy ban giới trẻ đã huy động người trẻ toàn giáo phận tham gia chiến dịch quyên góp tiền bạc phẩm vật và dấn thân trong công tác cứu trợ. Họ phân phát phẩm vật và ghi nhận các trường hợp nghiêm trọng nhất. Hiện nay người trẻ đang trợ giúp các công nhân làm gạch. Lũ lụt đã tàn phá các lều ở của họ và biến họ trở thành người thất nghiệp.

Tuy mới được Ðức Cha Nichols Chia, Tổng Giám Mục Singapore thành lập ngày 20 tháng 8 năm 2010, Tổ chức bác ái Công giáo Singapore viết tắt là CHARIS cũng đã hưởng ứng chiến dịch cứu trợ nạn nhân lũ lụt Pakistan. Ðức Cha tuyên bố rằng Giáo Hội Singapore có thể làm nhiều hơn nữa để trợ giúp tín hữu và người dân các nước khác, bằng cách quyên góp tiền bạc, gửi thuốc men và dụng cụ y tế cũng như các nhân viên thiện nguyện cho các chương trình cứu trợ ngắn hạn và dài hạn. Ông Stephan Phoon cho biết tổ chức Charis sẽ gởi 50,000 Euros, 800 dụng cụ lọc nước và 10,000 chăn mền cho các nạn nhân lũ lụt Pakistan. Charis là thành viên và là cánh tay quốc tế của Caritas Singapore.

Vẫn liên quan tới nạn lũ lụt tại Pakistan, ông John Holmes, Phó tổng thư ký Văn phòng phối hợp cứu trợ nhân đạo cấp thời của Liên Hiệp Quốc, cho biết đồ cứu trợ đã chỉ có thể được chuyên chở bằng máy bay, và nạn lũ lụt đã đặt ra cho cộng đồng quốc tế các vấn đề liên quan tới việc thành lập các cơ cấu thiết bị chưa từng có cho tới nay. Ông Hadi Bakhsch Haldoro, nhân viên quận Thatta, cho biết chính quyền Islamabad đã ra lệnh di tản gần 1 triệu người khỏi các thành phố Sujawat, Mirpur, Balhoro và Daro, để tới các vùng an toàn hơn, hầu tránh lũ lụt có thể lan tới vùng này.

Trong khi đó bộ trưởng dẫn thủy nhập điền Sindh báo động mực nước dâng cao đang đe dọa bờ đê bảo vệ làng Garhi Khuda Bakhsh, nơi có mộ của bà cựu thủ tướng Benazir Bhutto, thân phụ bà và hai người em của bà. Giới chức chính quyền địa phương cũng cho biết đã đắp đê cao hơn, vì không muốn cho nước ngập lăng tẩm của các anh hùng liệt sĩ Pakistan. Hiện nay chính phủ phải dùng các máy bay trực thăng và các thuyền của quân đội để di tản dân chúng. Trong khi đó một nhân viên của Tòa Bạch Ốc báo động rằng các lực lượng Taliban đang âm mưu tấn công các nhân viên cứu trợ nhân đạo nước ngoài tham gia công tác cứu trợ các nạn nhân lũ lụt. Giới chức chính trị Washington cho rằng quân khủng bố Taliban có thể tấn công các bộ trưởng liên bang và tỉnh lỵ.

Ngày 23 tháng 8 năm 2010 ông Gianni Pittella, Phó chủ tịch Quốc hội Âu châu đã ra thông cáo kêu gọi các cộng đồng quốc gia và các tổ chức nhân đạo quảng đại trợ giúp các nạn nhân lũ lụt. Thông cáo có đoạn viết: "Tình trạng khẩn cấp do lũ lụt gây ra trong các tuần qua ngày càng trầm trọng: ngoài sự kiện có nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá và số người chạy lụt lên tới hàng triệu, còn có nạn dịch đang lan tràn đặc biệt tai hại cho trẻ em. Mặc dù có lời kêu gọi của ông Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, các phẩm vật cứu trợ do cộng đồng quốc tế loan báo và hứa hẹn ở dưới mức nhu cầu cấp thiết nhất. Thảm cảnh nhân đạo mới này đang đánh qụy một quốc gia vốn đã trở thành trung tâm của các xung khắc và căng thẳng, khiến cho cuộc sống của đại đa số dân chúng trở thành thê thảm hơn. Thế giới không thể không biết tới điều đó. Cần phải huy động các cơ cấu và cộng đoàn quốc gia toàn Âu châu để phục hồi sự chậm trễ trong việc cứu trợ các nạn nhân. Mọi người đều có thể làm được một cái gì đó qua trung gian các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế.

(AsiaNews 5.16.18.19.25-8-2010; ASCA-AFP 25.26-8-2010)

 

Linh Tiến khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page