Hồi giáo và Công giáo tại Hoa Kỳ

 

Hồi giáo và Công giáo tại Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ [CNS 20/8/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Dự án xây cất một trung tâm văn hóa và một đền thờ Hồi giáo gần nơi xảy ra cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York, Hoa kỳ, đang tạo ra nhiều tranh cãi sôi nổi. Theo hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS, các phản ứng chống Hồi giáo hiện nay gợi lại chính những kỳ thị và loại trừ mà người Công giáo đã trải qua cách đây 100 năm.

Hồi đầu mùa hè năm 2010, một công ty đã trình bày dự án biến cơ sở Hãng "Burlington Coast Factory" thành một trung tâm văn hóa Hồi giáo cao 9 tầng, trong đó có cả một đền thờ. Hiện nay vì không đủ chỗ trong đền thờ Al Farah, cộng đồng Hồi giáo tại đây đang phải xử dụng một chỗ trống trong một trung tâm bán lẽ để tổ chức các buổi thờ phượng.

Tuy nhiên, tại New York cũng như nhiều nơi khác trên khắp nước Mỹ, nhiều người cho rằng dự án xây cất trung tâm văn hóa Hồi giáo trên đây là một hành động nhục mạ đối với việc tưởng niệm những nạn nhân của vụ khủng bố Trung Tâm Thương Mại. Ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch quốc hội Hoa kỳ, nói rằng dự án cũng là một ý đồ của những người hồi giáo cực đoan muốn "huênh hoang chứng minh rằng họ có thể xây cất một đền thờ Hồi giáo ngay gần chỗ mà 3 ngàn người Mỹ đã bị sát hại".

Những người ủng hộ dự án thì lập luận rằng quyền tự do tôn giáo có nghĩa là các nhóm Hồi giáo có quyền xây cất đền thờ. Họ cũng giải thích rằng nơi xây cất đền thờ nằm cách nơi xảy ra cuộc khủng bố đến 6 con đường.

Theo giáo sư Chester Gillis, khoa trưởng phân khoa thần tại Ðại học Georgetown của Dòng Tên, những gì mà người Hồi giáo đang trải nghiệm cũng giống như những kỳ thị và loại trừ mà người Công giáo phải gánh chịu cách đây hơn 100 năm. Trọng tâm của cuộc tranh luận chính là sự hiểu lầm và óc bài ngoại.

Theo giáo sư Gillis, những người mới đến xã hội Hoa Kỳ luôn bị đẩy ra bên lề. Người ta đã từng sợ người Công giáo vì cho rằng họ trung thành với một thế lực bên ngoài là Tòa Thánh. Với người Hồi giáo thì người ta sợ rằng họ có thể liên kết với một chính phủ Hồi giáo hay một tổ chức khủng bố.

Trong một cuộc họp báo hôm 18 tháng 8 năm 2010, Ðức cha Timothy Dolan, Tổng giám mục New York nói rằng "người Công giáo rất nhậy cảm với vấn đề này bởi vì trong quá khứ họ cũng đã từng bị kỳ thị". Ðức tổng giám mục New York nói rằng ngài rất sung sướng được đứng ra làm trung gian để tìm một thỏa hiệp cho dự án nói trên. Theo ngài, cần phải có một cuộc thảo luận văn minh, hợp lý, tôn trọng và yêu thương.

Về phần mình, tổng thống Barack Obama cũng đã từng nói rằng xét theo tự do tôn giáo, người Hồi giáo có quyền xây cất một đền thờ gần nơi xảy ra cuộc khủng bố. Tuy nhiên, tổng thống Hoa kỳ cũng nói rằng theo khôn ngoan cần phải cân nhắc để xem có nên tiến hành một dự án như thế không.

Những người sống sót từ cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 thì chia thành hai nhóm: một nhóm kịch liệt chống lại dự án vì họ cho rằng đây là một hành động "xúc phạm" đến nơi đã xảy ra cuộc khủng bố. Một nhóm khác thì cho rằng một đền thờ Hồi giáo được dựng lên tại đó có thể là "một nơi để chữa trị, hòa giải và cảm thông".

Cuộc tranh cãi đã làm phát sinh các cuộc vận động chính trị, các chương trình hội thoại trên truyền thanh truyền hình và không biết bao nhiêu cuộc thảo luận trên mạng lưới Internet.

Dạo tháng 7 năm 2010, tại Staten Island, ban quản trị của nhà thờ Công giáo St Margaret đã không chấp nhận bán một tu viện cũ cho Hội Hồi giáo Mỹ để xây cất một đền thờ. Những người chống lại việc bán tu viện nói rằng đền thờ Hồi giáo sẽ tạo nhiều vấn đề kẹt xe và đậu xe. Nhưng cũng có nhiều người cho biết: họ sợ rằng Hội Hồi Giáo Mỹ nói trên có dính líu với một tổ chức khủng bố.

Mới đây, một tổ chức Tin lành tại bang Florida cho biết họ sẽ tổ chức một buổi đốt Kinh Coran vào ngày 11 tháng 9 năm 2010.

Giáo sư Gillis nói rằng thái độ kỳ chị và chống đối Hồi giáo hiện nay cũng đã từng xảy ra đối với người Công giáo vào đầu thế kỷ 19. Tự điển bách khoa Công giáo ghi lại rằng vào năm 1853, các nhóm quá khích đã tấn công vào nhà thờ chính tòa Cincinnati, bang Ohio. Một năm sau nhiều cuộc tấn công khác cũng xảy ra tại nhiều nhà thờ khác tại các bang New Jersey, Maine và New Hampshire. Tự điển bách khoa Công giáo kể lại việc một linh mục tại bang Maine bị lôi ra khỏi nhà thờ và hành hạ một cách dã man. Nhiều tu viện tại bang Massachusetts và bang Texas bị thiêu đốt.

Sở dĩ các trường học, bệnh viện và các tổ chức dành cho các văn sĩ, bác sĩ và giáo viên Công giáo được phát triển là bởi người Công giáo không được phép tham gia vào các tổ chức khác của Tin lành.

Phải mất hơn một trăm năm sau mới có những làn sóng di dân Ái nhĩ lan và Ý đến Hoa kỳ. Lúc đó, số người Công giáo mới đủ lớn để trở thành một lực lượng xã hội và những thành kiến chống lại Công giáo mới bắt đầu phai mờ.

Ngoài ra, con số binh sĩ Công giáo tham gia vào đệ nhị thế chiến cũng đã đóng góp nhiều vào việc thay đổi xã hội Hoa kỳ. Nhờ "Luật GI", tức luật nâng đỡ các cựu chiến binh, sau khi giải ngũ, nhiều người Công giáo đã ghi danh theo học Ðại học và như vậy gia tăng con số trí thức Công giáo. Kể từ đó, người Công giáo đã trở thành một lực lượng đáng kể trong kinh doanh, chính trị và các lãnh vực khác như luật và giáo dục.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page