Các tín hữu Kitô, Phật tử
và xã hội dân sự tại Sri Lanka
chống lại việc kết án tướng Fonseka
Các tín hữu Kitô, Phật tử và xã hội dân sự tại Sri Lanka chống lại việc kết án tướng Fonseka.
Colombo, Sri Lanka [Asianews 19/8/2010] - Các tín hữu Kitô, Phật tử và xã hội dân sự Sri Lanka chống lại việc kết án tướng Fonseka.
Tại một phiên họp đặc biệt của Quốc hội Sri Lanka, các dân biểu đối lập đã phản đối chính phủ và yêu cầu rút lại bản án dành cho tướng Fonseka, một anh hùng chiến tranh đã bị kết án như một tên khủng bố.
Ngoài các dân biểu đối lập, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo tại Sri Lanka cũng lên án việc chính phủ kết án vị tướng lãnh này.
Ðược biết hôm 13 tháng 8 năm 2010, một tòa án quân sự đã kết án tướng Sarah Fonseka, tổng tư lệnh quân đội Sri Lanka và đại úy Senaka Haripriya, phụ tá của ông, vì tội gọi là dấn thân vào chính trị khi còn tại ngũ. Ngoài ra, hai người còn bị kết án đã che chở các đào binh và âm mưu đảo chính.
Theo hãng thông tấn Asianews, không ai ngạc nhiên về bản án vì đây là một phiên tòa "chính trị" do tổng thống Mahinda Rajapaksa dàn dựng để loại bỏ một đối thủ nguy hiểm nhứt.
Là một anh hùng trong cuộc chiến chống lại các phiến quân mãnh hổ Tamil, tướng Fonseka đã ra ửng cử tổng thống trong cuộc tuyển cử vừa qua. Ông không nhìn nhận kết quả bầu cử. Sau đó, ông bị bắt giữ vì nhiều cáo buộc khác.
Theo Ủy ban nhân quyền Á châu, phiên tòa xử tướng Fonseka là bất công, không theo đúng tiêu chuẩn pháp lý. Các luật sư biện hộ không có đủ thời giờ để chuẩn bị biện hộ và không được phép tham dự mọi phiên xử. Ngoài ra, các thẩm phán cũng đều là những phụ tá đã từng bị tướng Fonseka trừng phạt. Do đó, người ta nghi ngờ về tính khách quan của các thẩm phán này.
Trong bản án, tòa án quân sự đề nghị cất chức tướng Fonseka, tước các huy chương và lương bỗng của ông. Tổng thống Rajapaksa đã phê chuẩn bản án này. Theo tiến sĩ Jehan Perera, một tín hữu Kitô tranh đấu cho nhân quyền, cuối cùng người quyết định về số phận của tướng Fonseka vẫn là tổng thống Rajapaksa.
Một số nhà lãnh đạo Phật Giáo tại Sri Lanka không hài lòng với thái độ thiếu cảm thông của tổng thống Rajapaksa.
Về phần mình, cha Terence Fernando, điều hợp viên của Ủy ban nhân quyền của Tổng giáo phận Colombo, nói với hãng thông tấn Asianews rằng Giáo phận cũng lên án một bản án bất công như thế. Theo cha, bản án chỉ là một cuộc trả thù cá nhân.
Theo hãng thông tấn Asianews, dư luận chung tại Sri Lanka chống lại cách hành xử của đương kiêm tổng thống nước này.
CV.