Ðức thánh cha kêu gọi cộng đồng thế giới

trợ giúp cụ thể cho Pakistan

 

Ðức thánh cha kêu gọi cộng đồng thế giới trợ giúp cụ thể cho Pakistan.

Castel Gandolfo [AFP, CNA 18/8/2010] - Ðức thánh cha Benedicto XVI kêu gọi cộng đồng thế giới hãy trợ giúp Pakistan một cách cụ thể.

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Castel Gandolfo sáng thứ Tư 18 tháng 8 năm 2010, Ðức thánh cha cầu mong cộng đồng thế giới tỏ tình liên đới một cách cụ thể đối với Pakistan là nước đang bị tàn phá vì lũ lụt.

Pakistan cho biết đã được cộng đồng thế giới gởi tặng 3 trăm triệu âu kim để cứu trợ hàng triệu nạn nhân lũ lụt. Tuy nhiên, dân chúng Pakistan vẫn tiếp tục chỉ trích chính phủ nước này vì các phẩm vật cứu trợ chưa đến tay họ.

Theo thống kê của chính phủ Pakistan, cho tới nay đã có ít nhứt 1,400 người bị thiệt mạng và gần 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Trở lại với buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 18 tháng 8 năm 2010, trong bài huấn dụ, Ðức thánh cha đã nói đến việc cho trẻ em đến tuổi khôn được rước lễ khi ôn lại gương sáng và giáo huấn của thánh Giáo hoàng Pio X.

Theo Ðức thánh cha, vị Giáo hoàng chịu chức linh mục khi chỉ mới 23 tuổi này, đã "thể hiện một tình yêu sâu đậm đối với Chúa Kitô và Giáo hội, cũng như tính khiêm nhường, sự đơn sơ và lòng bác ái nhiệt thành đối với những người thiếu thốn nhứt".

Mặc dù cảm thấy bất xứng khi được bầu làm Giáo hoàng, thánh Pio X đã để lại một dấu ấn không bao giờ lu mờ được trong lịch sử Giáo hội bằng nỗ lực canh tân mọi sự trong Chúa Kitô. Chính ngài là người đã cải tổ giáo triều, duyệt xét lại bộ giáo luật và chương trình đào tạo linh mục. Ngài cũng là người cho soạn một cuốn giáo lý chung cho toàn thể Giáo hội. Quyển Giáo lý được mệnh danh là "Sách Giáo Lý Pio X" đã là một chỉ nam chắc chắn cho việc học hỏi chân lý đức tin vì ngôn ngữ đơn sơ, trong sáng và chính xác.

Cách riêng vị thánh Giáo hoàng này được nhắc nhớ nhiều nhứt vì đã cho phép trẻ em đến tuổi khôn, tức 7 tuổi, được rước lễ vỡ lòng. Chính ngài cũng là người khuyến khích việc rước lễ thường xuyên.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page