Ðức Thánh Cha diễn giải

ý nghĩa lễ Ðức Mẹ Trinh Vương

 

Ðức Thánh Cha diễn giải ý nghĩa lễ Ðức Mẹ Trinh Vương.

Castel Gandolfo (Vat. 22/08/2010) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 đã diễn giải ý nghĩa lễ Ðức Mẹ Trinh Vương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 22 tháng 8 năm 2010 với hàng ngàn tín hữu hành hương tại khuôn viên dinh thự Castel Gandolfo.

Trong bài huấn dụ ngắn, Ðức Thánh Cha nói:

"8 ngày sau lễ trọng Ðức Mẹ hồn xác lên trời, phụng vụ mời gọi chúng ta tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria với tước hiệu "Nữ Vương". Chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ Chúa Kitô được Chúa Con đội triều thiên, nghĩa là được tháp nhập vào Vương quyền hoàn vũ của Ngài, như nhiều bức tranh khảm và bức họa diễn tả. Năm nay lễ này cũng trùng vào ngày chúa nhật, nên được chiếu sáng rạng rỡ hơn nhờ Lời Chúa và việc cử hành lễ Vượt Qua hằng tuần. Ðặc biệt hình ảnh Ðức Trinh Nữ Maria Nữ Vương có một ý nghĩa đặc biệt trong bài Phúc Âm hôm nay, qua đó Chúa Giêsu khẳng định rằng "Này đây, những người chót hết sẽ trở thành nhưng người trên hết, những người đầu tiên sẽ trở thành những người chót hết" (Lc 13,30). Ðây là kiểu nói tiêu biểu của Chúa Kitô, được các thánh sử Tin Mừng nhiều lần thuật lại - kể cả với những công thức giống nhau, - vì hiển nhiên kiểu nói ấy phản ánh một đề tài rất được ưa chuộng trong giáo huấn ngôn sứ của Chúa. Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về chân lý ấy của Phúc Âm, nghĩa là Thiên Chúa hạ bệ những kẻ kêu ngạo và quyền thế ở trần thế này và nâng cao người khiêm nhường (Cf Lc 1,52).

"Thiếu nữ khiêm hạ đơn sơ làng Nazareth xưa kia nay trở thành Nữ Vương thế giới! Ðây thực là một trong những kỳ công cho thấy tâm hồn của Thiên CHúa. Dĩ nhiên vương quyền của Mẹ Maria hoàn toàn là điều tương đối so với vương quyền của Chúa Kitô: Ngài là Chúa, sau khi đã chết tủi nhục trên Thánh Giá, đã được Chúa Cha nâng lên cao, vượt trên mọi loài thụ tạo, trên trời, trên mặt đất và dưới lòng đất (Xc Pl 2,9-11). Theo một kế hoạch ân phúc, Mẹ Vô Nhiễm đã hoàn toàn được tháp nhập vào mầu nhiệm Chúa Con: vào sự nhập thể, vào cuộc sống trần thế, trước tiên là cuộc sống ẩn dật tại Nazareth, sau đó được biểu lộ trong mầu nhiệm cứu thế; Mẹ được tháp nhập vào cuộc Khổ Nạn và cái chết của Chúa, và sau cùng được tháp nhập vào vinh quang Phục Sinh và lên trời. Mẹ đã chia sẻ với Con không những các khía cạnh nhân trần của mầu nhiệm này, nhưng cả ý hướng sâu xa, thánh ý Chúa, nhờ hoạt động của Thánh Linh ở trong Mẹ, đến độ toàn thể cuộc sống, khó nghèo và khiêm hạ của Mẹ được thăng hoa, biến đổi và tôn vinh, đi qua "cửa hẹp" là chính Chúa Giêsu (Xc Lc 13,24). Ðúng vậy, Mẹ Maria là người đầu tiên đã được qua "con đường" mà Chúa Kitô mở ra để vào Nước Thiên Chúa, một con đường mà những người khiêm hạ có thể bước vào, những người tín thác nơi Lời Chúa và quyết tâm mang Lời Chúa ra thực hành.

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: "Trong lịch sử các thành thị và các dân tộc được rao giảng sứ điệp Kitô, có vô số chứng từ về sự tôn kính công cộng đối với vương quyền của Mẹ Maria, nhiều khi qua những tổ chức chính thức. Nhưng hôm nay, như những người con của Giáo hội, chúng ta muốn đặc biệt canh tân lòng sùng kính của chúng ta đối với Ðấng mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta như người Mẹ và Nữ Vương. Chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Mẹ kinh nguyện hằng ngày của chúng ta cầu cho hòa bình, nhất là tại những nơi mà lý lẽ vô lý của bạo lực hoành hành nhiều nhất; để tất cả mọi người xác tín rằng trong thế giới này chúng ta phải giúp đỡ nhau như anh chị em để xây dựng nền văn minh tình thương. Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương hòa bình, xin cầu cho chúng con!

Trong phần chào thăm các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng sau Phép lành, Ðức Thánh Cha nhắc đến các học sinh thuộc giáo xứ thánh Anne de la Butte-aux-Cailles ở Paris, đồng thời nhắn nhủ rằng: "Các văn bản phụng vụ ngày hôm nay lập lại với chúng ta rằng tất cả mọi người đều được kêu gọi đến ơn cứu độ. Ðó cũng là một lời mời gọi hãy viết đón nhận những khác biệt hợp pháp giữa con người, noi gương Chúa Giêau đã đến để tập họp con người thuộc mọi dân nước và ngôn ngữ. Các cha mẹ thân mến, ước gì anh chị em có thể giáo dục con cái mình về tình huynh đệ đại đồng".

Các quan sát viên cho rằng những lời trên đây của Ðức Thánh Cha ám chỉ đến sự kiện Tổng thống Pháp Nicola Sarzkozy đang trục xuất hàng trăm người du mục Rom về Rumani, tạo nên sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước vì hành động này trái ngược với qui luật của Âu Châu.

Trong lời chào bằng tiếng Anh, Ðức Thánh Cha nhắc đến một nhóm các bạn trẻ Chính Thống giáo từ miền Galilea, và ngài nói: "Phúc Âm hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng con đường về trời là con đường tiến qua cửa hẹp. Ước gì chúng ta có thể tiến vào cửa hẹp này bằng kinh nguyện, bằng thái độ khiêm tốn và phục vụ anh em đồng loại của chúng ta, nhờ đó chúng ta sống niềm vui của Nước Trời ngay từ bây giờ".

Các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha reo hò mạnh nhất khi Ðức Thánh Cha ngỏ lời chào thăm họ. Ngài khuyến khích họ hãy cầu nguyện để Giáo Hội từ đông sang tây luôn trung thành với sứ mạng Chúa đã ủy thác là mang ánh sáng Tin Mừng đến cho mọi dân nước. Ðức Thánh Cha nói: "Qua lời chuyển cầu của Ðức Trinh Nữ Maria mà hôm nay chúng ta khẩn cầu dưới tước hiệu Nữ Vương, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Kitô, Người Con thần linh của Mẹ, cho những người hiến thân thực thi sứ mạng cao đẹp ấy ngày càng trở thành chứng nhân về tình yêu Chúa, bằng lời nói và bằng gương lành.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, Ðức Thánh Cha đặc biệt chào thăm các tiểu chủng sinh của giáo phận Verona bắc Italia, một nhóm các tu sĩ Chiến Sĩ Chúa Kitô đến từ nhiều nước, các bạn trẻ từ làng Stra miền Veneto đông bắc Italia đang sống kinh nghiệm phục vụ với Caritas Roma, các bạn thuộc ban nhạc trẻ Fuoritempo, ngoài thời gian, ở thành phố Trento, bắc Italia.. Họ đã trình diễn một đoạn nhạc ngắn để chào mừng Ðức Thánh Cha và mọi người.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page