Quan hệ giữa Nhà nước
và Giáo hội chính thống tại Thỗ Nhỉ Kỳ
Quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội chính thống tại Thỗ Nhỉ Kỳ.
Thỗ Nhỉ Kỳ [Catholic on line 17/8/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Hôm Chúa Nhựt 15 tháng 8 năm 2010, sau 88 năm, một thánh lễ đầu tiên do đức Bartholomeo I, Thượng phụ đại kết Constantinople chủ tọa, đã được long trọng cử hành tại tu viện Ðức Bà Sumela, cách thành phố Trabzon cạnh Biển Chết khoảng 50 cây số. Biến cố này được xem như một bước ngoặc quan trọng trong mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Chính thống tại Thỗ Nhỉ Kỳ.
Tu viện Sumela, còn gọi là "Núi Cassino của Ðông Phương", có một lịch sử lâu dài. Ðược thành lập vào thế kỷ thứ 4, tu viện này đã bị nhóm quá khích mệnh danh là "Tân Thỗ Nhỉ Kỳ" phá hủy năm 1922 và biến thành một bảo tàng viện. Ðầu thập niên 90, nhờ sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc, cơ sở này được trùng tu.
Hôm Chúa Nhựt 15 tháng 8 năm 2010, sở dĩ chính phủ Thỗ nhỉ kỳ cho phép cử hành thánh lễ tại tu viện cổ này là vì số lượng khách hành hương đến từ khắp thế giới như Hy lạp, Georgia, Bulgari, Nga, Rumani, Ukraine, Albani và khối Á rập.
Ít nhứt có khoảng 15 ngàn người đã trèo đồi leo núi để đến tu viện vốn nằm bên cạnh một bờ vực. Những ai không thể leo núi để đặt chân đến tu viện hay vì thiếu chỗ ngồi, đã theo dõi thánh lễ trên hai màn ảnh truyền hình lớn đặt dưới chân thung lũng.
Cùng đồng tế với Ðức thượng phụ đại kết Bartolomeo I có Ðức tổng giám mục Tychon, đại diện đức Kyrill, Thượng phụ Chính thống Mascova và toàn nước Nga. Lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời mà Phụng vụ Chính thống gọi là "Lễ Ðức Mẹ yên giấc" được cử hành trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo: sự trùng hợp này có một ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đối thoại liên tôn với Hồi giáo.
Trước Ngày lễ, nhiều tin đồn cho rằng sẽ có xáo trộn bởi vì một số người Thỗ Nhỉ Kỳ phản đối việc cho phép các tín hữu Kitô được cử hành thánh lễ trong một bảo tàng viện. Tuy nhiên, mọi sự đã diễn ra êm thắm. Tham dự thánh lễ không chỉ có các tín hữu Kitô mà còn cả những người ngoài Kitô giáo nữa.
Ðức thượng phụ Bartolomeo I, một vị lãnh đạo Chính thống luôn cổ võ cho cuộc đối thoại, không ngừng nhấn mạnh rằng sứ điệp Kitô giáo mang lại tự do đích thực cho nhân loại, do đó luôn kêu gọi tôn trọng và tha thứ.
Với giọng đầy xúc động, nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống Thỗ Nhỉ Kỳ nói rằng mặc dù đã "yên giấc", Ðức Mẹ không bao giờ bỏ rơi thế giới, mà hằng bầu cử cho chúng ta và toàn thế giới.
Ngài cám ơn chính phủ Thỗ Nhỉ Kỳ vì sau 88 năm, đã tạo điều kiện để các tín hữu Kitô đến từ khắp nơi trên thế giới có thể họp nhau để cử hành phụng vụ.
Ðức thượng phụ đại kết khẳng định rằng chính các vị sáng lập tu viện Sumela là Varnavas và Sofrinos cũng như các vị ân nhân của tu viện như ông Comnenus, cũng đang cử hành với các tín hữu. Và cùng với các vị này, các nhà lãnh đạo Hồi giáo danh tiếng trong lịch sử Thỗ Nhỉ Kỳ như Mustapha II và Ahmet III cũng đang tham dự vào buổi cử hành bởi vì bằng nhiều cách khác nhau, họ đã từng quan tâm đến tu viện và trong hằng bao thế kỷ đã giúp đỡ tu viện.
Ngài đặc biệt chào mừng các vị đại diện của chính phủ Thỗ Nhỉ Kỳ và các chính quyền địa phương đã cho phép tổ chức thánh lễ trong tu viện cổ này. Ngài nhắc lại rằng Ðức Bà Sumela luôn chúc lành cho các tín hữu Kitô cũng như người Hồi giáo, bất luận thuộc chủng tộc nào. Ngài kể lại sự kiện cách đây vài năm tại thành phố Adelaide, Úc đại lợi, khi xuất hiện một hình vẽ xúc phạm đến Ðức Trinh Nữ Maria, thì chính đại diện của các cộng đồng Hồi giáo trong thành phố là người đầu tiên đã lên tiếng phản đối.
Theo các nhà phân tích, nhờ một số qui chiếu về lịch sử, Ðức thượng phụ Bartolomeo I đã nhấn mạnh đến lòng tôn kính mà người Hồi giáo dành cho Ðức Mẹ. Theo ngài, tôn giáo không phải và không nên là một chiến trường giữa các tôn giáo. Ai cũng biết rằng năm 1919, chính lãnh tụ Mustafa Kemal đã được phái đến vùng Biển Chết để bảo vệ các cộng đồng Kitô thiểu số mà lúc bấy giờ người ta ước tính có đến hơn một triệu rưởi người. Tuy nhiên, người kế vị ông là Ataturk, với tham vọng Hồi giáo hóa Thổ Nhĩ Kỳ, đã không ngần ngại tiêu diệt các tín hữu Kitô và mỉa mai thay lại liên kết với chế độ cộng sản Nga.
Cuộc cử hành hôm Chúa Nhựt 15 tháng 8 năm 2010 tại tu viện Sumela là một cảnh cáo cho những ai đang muốn khôi phục lại đế quốc Ottoman và tìm cách tiêu diệt các nhóm tôn giáo thiểu số.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Asianews, Ðức cha Messinias, một Tổng giám mục Chính thống Hy lạp, nói rằng cuộc cử hành hôm Chúa Nhựt 15 tháng 8 năm 2010 có một ý nghĩa đặc biệt: mối quan hệ giữa Nhà nước Thỗ nhỉ kỳ và Chính thống giáo đã đi vào một giai đoạn mới. Khi nhìn nhận quyền của các nhóm thiểu số, Thỗ Nhỉ Kỳ chứng tỏ quyết tâm muốn gia nhập vào Liên Âu.
Nhiều thay đổi đang diễn ra tại Thỗ Nhỉ Kỳ. Giới trẻ Thỗ ngày nay không còn tin ở nguồn thông tin do chính phủ cung cấp nữa. Họ đang đi tìm những nguồn thông tin khác để biết về quá khứ của mình.
CV.