Kỷ niệm 20 năm tông hiến

"Ex Corde Ecclesiae" của Ðức Gioan Phaolo II

về các trường Ðại học Công giáo

 

Kỷ niệm 20 năm tông hiến "Ex Corde Ecclesiae" của Ðức Gioan Phaolo II về các trường Ðại học Công giáo.

Roma [CNA 13/8/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chúa Nhựt 15 tháng 8 năm 2010 là ngày kỷ niệm đúng 20 năm ngày Ðức thánh Cha Gioan Phaolo II ban hành Tông hiến "Ex Corde Ecclesiae" [từ trái tim Giáo hội] trong đó ngài đưa ra các chỉ đạo về hoạt động của các trường Ðại học Công giáo trên khắp thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn công giáo CNA, Hoa kỳ, Ðức hồng y Zenon Grocholewski, bộ trưởng bộ giáo dục Công giáo, khẳng định rằng "chỉ có Ðại học Công giáo nào giữ được bản sắc của mình mới có tương lai". Theo ngài, nếu một đại học Công giáo đánh mất bản sắc của mình, nó cũng sẽ giống như bất cứ đại học nào khác.

Theo Ðức hồng y bộ trưởng bộ giáo dục Công giáo, có hai động lực khiến đức Gioan Phaolo II viết tông hiến "Ex Corde Ecclesiae". Ðộng lực đầu tiên là tầm quan trọng mà ngài gán cho Ðại học Công giáo. Ðức thánh cha đã giải thích động lực này ở cuối tài liệu. Ðộng lực thứ hai là Ðức Gioan Phaolo II thấy cần phải thiết lập qui chế xác định bản chất và sứ mệnh của các Ðại học Công giáo.

Ðức hồng y Grocholewski khẳng định rằng văn kiện đã đạt được nhiều kết quả lớn lao. Kể từ năm 1990, sau khi tông hiến được công bố, đã có rất nhiều đại học được thành lập theo tôn chỉ và mục đích được đề ra trong tông hiến.

Nhắc đến con số trên 250 Ðại học Công giáo đã được thành lập dưới thời của Ðức Gioan Phaolo II, Ðức hồng y bộ trưởng bộ giáo dục Công giáo nói rằng "do hiểu biết thế nào là một Ðại học Công giáo, nhiều đại học đã đưa ra tôn chỉ và đường hướng hoạt động ngay từ lúc được thành lập". Các trường Ðại học Công giáo mới được thành lập tại Phi Châu và tại các nước cựu cộng sản là những thí dụ điển hình. Ðức hồng y Grocholewski nói: "Tôi nghĩ rằng nhiều đại học, cũng dựa trên tài liệu này, đã củng cố bản sắc của mình".

Ðược hỏi về một số thách đố mà các Ðại học Công giáo phải đối diện khi áp dụng các qui tắc được đề ra trong tông hiến "Ex Corde Ecclesiae", chẳng hạn như phải bảo đảm rằng các giáo sư thần học luôn tuân thủ giáo huấn của Giáo hội, Ðức hồng y bộ trưởng bộ giáo dục Công giáo trả lời rằng đây là một vấn đề phương pháp luận như trong bất cứ lãnh vực nghiên cứu nào. Ngài giải thích rằng "để làm một nhà thần học, cần phải tin Kinh Thánh và Thánh Truyền cũng như phải hiệp thông với Quyền Giáo huấn của Giáo hội". Tự cho mình quan trọng hơn Quyền Giáo Huấn của Giáo hội là một thái độ liều lĩnh.

Về đòi hỏi phải trung thành với bản sắc Công giáo, ngay cả với các giáo sư ngoài Công giáo, Ðức hồng y Grocholewski khẳng định rằng tất cả mọi giáo sư trong các trường Ðại học Công giáo đều có "trách nhiệm" đối với Giáo hội cũng như đối với khoa học và thế giới.

Ngài nói: "Trong Ðại học Công giáo, người không Công giáo cũng có quyền giảng dạy, nhưng họ buộc phải tôn trọng bản sắc Công giáo".

Suy nghĩ về việc áp dụng Tông Hiến "Ex Corde Ecclesiae" trong bối cảnh ngày nay, người đứng đầu bộ giáo dục Công giáo cho rằng văn kiện vẫn còn có giá trị cho mọi nơi. Ðây là một văn kiện đã và đang mang lại sức sống cho các Ðại học Công giáo.

Theo Ðức hồng y Grocholewski, "Ðại học Công giáo nào bảo tồn bản sắc của mình như được vạch ra trong tông hiến, sẽ có tương lai và đóng góp vào thiện ích của xã hội" khi tạo ra cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa và đẩy mạnh sự tiến bộ.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các trường Công giáo nào vẫn còn trung thành vẫn bản sắc của mình, ngài nói rằng "nếu đảnh mất bản sắc thì trường Ðại học Công giáo cũng sẽ như mọi đại học khác mà thôi".

Ðức hồng y cho biết Bộ của ngài đã nhận được nhiều than phiền từ những người đã từng theo học tại các trường Ðại học Công giáo; họ nói rằng nền giáo dục hiện nay tại một số trường Ðại học Công giáo không còn phù hợp với giáo huấn của Giáo hội. Họ cho rằng tự nhận là một trường Công giáo, nhưng không cóng hiến một nền giáo dục Công giáo là "giả hình và lừa dối".

Ðức hồng y Grocholewski giải thích rằng tông hiến "Ex Corde Ecclesiae" không đòi hỏi một cuộc cải tổ vĩ đại. Ðứng trước trào lưu "tháo thứ" và duy tương đối hiện nay, văn kiện của Ðức Gioan Phaolo II chỉ đòi hỏi Ðại học Công giáo bênh vực chân lý và là chân lý khách quan.

Ngài nhìn nhận rằng trên thế giới không có một trường Ðại học Công giáo mẫu mực nào cả. Theo ngài, các trường Ðại học Công giáo không nên so sánh với nhau, mà chỉ cần quay trở về với những hướng dẫn của tông hiến. Chính trong tông hiến này mà mô hình của một Ðại học Công giáo lý tưởng được vạch ra.

Ðược hỏi về cái nhìn của đức đương kiêm Giáo hoàng về nền giáo dục Công giáo hiện nay, Ðức hồng y bộ trưởng bộ giáo dục Công giáo nói rằng Ðức Benedicto XVI là "một người rất hăng say cổ võ các Ðại học Công giáo. Ngài vui mừng khi thấy Ðại học Công giáo được tiến bộ và bảo toàn bản sắc của mình".

Ðức thánh cha không ngừng cổ võ tiếp tục "chiến đấu cho trường Ðại học Công giáo".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page