Ðức Thánh Cha cử hành đại lễ

Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời

 

Ðức Thánh Cha cử hành đại lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời.

Castel Gandolfo (Vat. 15/08/2010) - Ðức Thánh Cha Biển Ðức 16 mời gọi các tín hữu tin tưởng, vui mừng và hy vọng, vì chúng ta cũng được tham phần vào cuộc sống vĩnh cửu với trọn con người của mình, như Mẹ Maria đã đi trước chúng ta trong mầu nhiệm hồn xác lên trời.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong bài giảng thánh lễ lúc 8 giờ sáng Chúa nhật, 15 tháng 8 năm 2010, tại nhà thờ thánh Toma di Villanovalà nhà thờ giáo xứ ở Castel Gandolfo.

Từ sáng sớm, đã có nhiều tín hữu hành hương đến chờ đợi dọc theo quảng trường trung tâm thành phố, dẫn từ cổng dinh Tông tòa cho đến Nhà thờ. Ðoạn đường ngắn, chỉ có chừng 300 mét nên Ðức Thánh Cha đi bộ đến thánh đường, và đây là một cuộc gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với dân chúng và các tín hữu hành hương, trong bầu khÍ thật vui tươi..

Nhà thờ giáo xứ thánh Toma bé nhỏ, nên chỉ có hơn 200 tín hữu có chỗ bên trong thánh đường, hàng ngàn người khác tham dự thánh lễ từ bên ngoài. Ðồng tế với Ðức Thánh Cha trong buổi lễ có Ðức Hồng Y Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Ðức Marcello Semeraro, Giám Mục giáo phận Albano sở tại, cha sở địa phương Waldermar Niedziolka SDB và cha Pascual Chavez, Bề trên tổng quyền của dòng Don Bosco.

Trên hàng ghế đầu, trong số những người dự lễ có Ðức Ông Georg Ratzinger, Bào huynh của Ðức Thánh Cha, đến Castel Gandolfo để nghỉ hè với ngài trong tháng 8 năm 2010, và ông thị trưởng địa phương. Thánh lễ được 3 đài truyền hình Telepace, SkyTG24 và TV2000 truyền đi qua vệ tinh.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện năm nay là năm kỷ niệm 60 năm Ðấng đáng kính, Ðức Giáo Hoàng Piô 12 tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời ngày 1 tháng 11 năm 1950, và sau khi đọc lại công thức tuyên tín ấy, Ðức Thánh Cha nói:

"Công thức định tín này là nòng cốt niềm tin của chúng ta về việc Ðức Mẹ được đưa lên trời: chúng ta tin rằng Mẹ Maria, như Chúa Kitô con của Mẹ, đã thắng sự chết và hiển thắng trong vinh quang thiên quốc trong toàn hữu thể của Mẹ, linh hồn và xác.

"Trong bài đọc thứ hai hôm nay, thánh Phaolô giúp chúng ta chiếu dọi một chút ánh sáng về mầu nhiệm này, đi từ sự kiện chủ yếu trong lịch sử nhân loại và của đức tin chúng ta, nghĩa là sự phục sinh của Chúa Kitô, Ngài là "hoa quả đầu mùa của những người đã chết". Ðược chìm đắm trong Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa, chúng ta được tham dự chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và sự chết. Ðây chính là bí quyết lạ lùng và là thực tại chính yếu của toàn thể cuộc sống nhân trần. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng tất cả chúng ta được "tháp nhập" vào Adong, người đầu tiên và là con người cũ, tất cả chúng ta có cùng gia sản phàm nhân trong đó có đau khổ, sự chết, tội lỗi. Nhưng thêm vào thực tại ấy mà tất cả chúng ta có thể thấy và cảm nghiệm mỗi ngày, có một thực tại mới: chúng ta không đơn độc trong gia sản ấy của con người duy nhất, được khởi sự với Adong, nhưng chúng ta còn được "tháp nhập" vào con người mới, trong Chúa Kitô phục sinh, và thế là sự sống Phục Sinh đã hiện diện nơi chúng ta. Sự "tháp nhập" thứ nhất có tính chất sinh lý học là sự tháp nhập trong sự chết, sự tháp nhập sinh ra cái chết. Sự tháp nhập thứ hai, mới mẻ, được ban cho chúng ta trong bí tích rửa tội, là sự "tháp nhập" mang lại sự sống. Tôi trích dẫn thêm bài đọc thứ hai hôm nay, thánh Phaolô nói rằng: "Bởi vì, nếu vì một người mà sự chết xảy đến, thì cũng nhờ một người sự phục sinh từ cõi chết cũng xảy đến. Thực vậy, cũng như trong Adong, tất cả chúng ta phải chết, thì cũng trong Chúa Kitô tất cả chúng ta sẽ nhận được sự sống. Nhưng mỗi người theo vị trí của mình: trước tiên là Chúa Kitô, Ngài là hoa quả đầu mùa, rồi, khi Ngài tới, đến lượt những người thuộc về Chúa Kitô" (1 Cr 15,21-24).

"Giờ đây, điều mà thánh Phaolô tông đồ quả quyết về tất cả mọi người, Giáo Hội, qua huấn quyền không thể sai lầm, nói về Mẹ Maria, theo thể thức và ý nghĩa rõ ràng: Mẹ Thiên Chúa được tháp nhập vào Mầu Nhiệm Chúa Kitô đến độ Mẹ được tham phần vào sự Sống Lại của Chúa Con với trọn con người của Mẹ khi mãn cuộc sống trần thế; Mẹ sống điều mà chúng ta đang chờ đợi vào cuối thời gian, khi "kẻ thù cuối cùng" là sự chết (Xc 1 Cr 15,26) bị tiêu diệt; Mẹ đang sống điều mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: "Tôi mong đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau".

Ðức Thánh Cha đặt câu hỏi: "Ðâu là căn cội sự chiến thắng ấy trên sự chết được xảy ra trước một cách lạ kỳ nơi Mẹ Maria? Thưa những căn cội ấy ở nơi đức tin của Ðức Trinh Nữ thành Nazareth, như đoạn Tin Mừng chúng ta nghe trong ngày lễ hôm nay (Lc 1,39-56): đức tin này là tuân phục lời Thiên Chúa và hoàn toàn phó thác cho sáng kiến và hoạt động của Chúa, theo điều Tổng lãnh thiên thần đã loan báo. Vì thế, đức tin chính là sự cao cả của Mẹ Maria, như bà Elisabeth đã hân hoan loan báo: Mẹ Maria "được chúc phúc trong mọi người nữ", và con lòng của Mẹ được chúc phúc, vì Mẹ là Mẹ của Chúa, vì Mẹ đã tin và sống một cách độc nhất "mối phúc" đầu tiên, mối phúc đức tin. .."

Và Ðức Thánh Cha nói: "Các bạn thân mến, chúng ta không chỉ chiêm ngắm Mẹ Maria trong vận mệnh vinh quang của Mẹ, như một người rất xa cách chúng ta: không phải vậy! Chúng ta được mời gọi ngắm nhìn điều mà Thiên Chúa vì tình yêu đã muốn làm cho cả chúng ta nữa, cho vận mệnh chung kết của chúng ta, đó là sống nhờ đức tin trong niềm hiệp thông yêu thương trọn vẹn với Chúa và nhờ đó chúng ta sống thực sự".

Ði sâu hơn trong phần giải thích, Ðức Thánh Cha nói đến sự kiện Ðức Maria được đưa lên vinh quang thiên quốc và nhấn mạnh rằng: "Ngày nay tất cả chúng ta đều biết danh từ "trời cao" không nói về một nơi chốn nào đó trong vũ trụ, hoặc một tinh tú hay thứ gì tương tự. Không phải vậy, ở đây chúng ta có ý nói đến một điều cao cả và khó xác định hơn nhiều bằng những từ ngữ hạn hẹp của phàm nhân. Qua từ "trời cao" chúng ta muốn quả quyết rằng Thiên Chúa, Ðấng trở nên gần gũi với chúng ta, Ngài không bỏ rơi chúng ta trong và sau cái chết, nhưng Chúa có một chỗ cho chúng ta và ngài ban cho chúng ta sự vĩnh cửu, chúng ta muốn quả quyết rằng trong Thiên Chúa, có một chỗ cho chúng ta. Ðể hiểu thực tại này một chút, chúng ta hãy nhìn chính cuộc sống của mình: tất cả chúng ta đều cảm nghiệm thấy một người, khi chết đi, vẫn tiếp tục hiện hữu một cách nào đó trong ký ức và tâm trí những người đã biết và yêu mến người ấy. Chúng ta có thể thấy nơi họ, một phần của những người quá cố tiếp tục sống, như một cái bóng, vì cả sự sống sót trong tâm hồn những người thân yêu cũng sẽ chấm dứt. Trái lại Thiên Chúa không bao giờ qua đi và tất cả chúng ta đếu hiện hữu nhờ sức mạnh Tình Yêu của Chúa. Chúng ta hiện hữu vì Chúa yêu thương chúng ta, vì Ngài nghĩ đến chúng ta và gọi chúng ta đi vào cuộc sống. Chúng ta hiện hữu trong tư tưởng và tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta hiện hữu thực chứ không phải trong cái "bóng" của chúng ta..

Trong phần kết luận của bài giảng, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh sự kiện chúng ta tiếp tục sống, không phải một phần của hữu thể, nhưng tất cả con người của mình, Thiên Chúa biết và yêu mến toàn thể con người của chúng ta. Thiên Chúa đón nhận vào trong vĩnh cửu của ngài những gì hiện nay trong cuộc sống của chúng ta được làm bằng những đau khổ và yêu thương, hy vọng, vui mừng và buồn sầu, tăng trưởng và giảm thiểu đi. Trọn con người, trọn cuộc sống của chúng ta được Thiên Chúa đón nhận, được thanh tẩy trong Ngài và đón nhận vĩnh cửu. Các bạn thân mến, tôi nghĩ điều này là một chân lý làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui sâu xa. Kitô giáo không rao giảng một sự cứu độ linh hồn trong một đời sau không được xác định, trong đó những gì là quí giá và thân yêu của chúng ta bị hủy bỏ, trái lại Kitô giáo hứa đời sống vĩnh cửu, không có gì quí giá và yêu quí bị tàn lụi, nhưng sẽ tìm được sự sung mãn trong Thiên Chúa".

Rời nhà thờ giáo xứ, Ðức Thánh Cha còn dành gần 20 phút để chào thăm những người đứng hai bên lối đi, bên trong thánh đường cũng như quảng đường từ nhà thờ đến cổng dinh thự Giáo Hoàng, trong niềm hân hoan của mọi người.

Kinh truyền tin

Lúc 12 giờ trưa Ðức Thánh Cha đã xuất hiện trên bao lơn dinh thự Giáo Hoàng để đọc kinh Truyền Tin chung với hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngài nhắc đến sự tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria đã tháp tùng hành trình của Giáo Hội ngay từ đầu và từ thế kỷ thứ 4 đã xuất hiện những ngày lễ kính Ðức Mẹ: qua đó vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ được đề cao, và có những ngày lễ khác cử hành những biến cố chính trong cuộc sống trần thế của Mẹ.

Sau khi nhắc đến ý nghĩa của Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác lên trời, Ðức Thánh Cha nói đến lòng sùng kính Ðức Mẹ ở mọi nơi, Ðông cũng như Tây Phương, các thi sĩ, văn sĩ và nhạc sĩ đã góp phần tôn vinh Ðức Mẹ và ngài nói thêm rằng:

"Trong bài Tin Mừng của đại lễ hôm nay, thánh Luca mô tả sự viên mãn ơn cứu độ qua Ðức Trinh Nữ Maria. Trong cung lòng Mẹ Ðấng Toàn Năng đã trở nên bé nhỏ, Mẹ Maria, sau khi sứ thần truyền tin đã mau lẹ lên đường đến nhà bà chị họ Elisabeth để mang đến cho bà Ðấng Cứu Thế. Thực vậy, vừa khi nghe lời chào của Mẹ Maria, hài nhi trong lòng bà chị nhảy mừng và đầy Thánh Linh (Lc 1,41); hài nhi ấy đã nhận ra Mẹ Thiên Chúa, nơi "Vị đã tin nơi sự thành tựu những gì Chúa đã nói" (Lc 1,45).. Và ÐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy tín thác nơi Mẹ là Ðấng đã được đưa lên trời, nhưng vẫn không từ bỏ sứ mạng chuyển cầu và cứu độ, như Ðức Phaolô 6, Vị Tôi Tớ Chúa đã quả quyết. Chúng ta hãy dâng lên Mẹ lời khẩn nguyện, xin Mẹ tháp tùng chúng ta trong đời sống trần thế này, giúp chúng ta nhin trời cao và xin Mẹ đón nhận chúng ta một ngày kia bên Chúa Giêsu, Con của Mẹ."

Sau Phép lành, Ðức Thánh Cha đã chào thăm các tín hữu hành hương bằng nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Ðức, Tây ban Nha, Bồ đào Nha, Ba Lan, Hungari và Ý.

 

G. Trần Ðức Anh, OP

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page