Ðức tin Kitô tái sinh tại Ðông Âu
Ðức tin Kitô tái sinh tại Ðông Âu.
Rimini, Italia (Avvenire 21-7-2010) - Một số nhận định của Ðức Hồng Y Peter Erdoe, Tổng Giám Mục Budapest, kiêm Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu châu, về sự kiện đức tin tái sinh sau khi bức tường Berlin sụp đổ.
Trong các ngày từ 22 tới 28 tháng 8 năm 2010, Ðại hội tình bạn các dân tộc lần thứ 31 sẽ tiến hành tại Rimini, Trung Italia, về đề tài "Bản chất thúc đẩy chúng ta ước muốn những điều cao cả là con tim". Mục đích của đại hội lần này là bảo vệ tính chất nhân bản của con người và xã hội, chống lại nền văn hóa có khuynh hướng xóa bỏ nhân bản tính, và phổ biến sự thiếu sót và hư vô trong cuộc sống xã hội ngày nay.
Thực ra, bản chất con người là khát khao những điều cao cả. Ðộng lực mọi hành động của con người là ước mong điều cao cả, đòi hỏi điều vô tận. Con người có tương quan với sự vô tận. Sự căng thẳng đó là nét không thể nhầm lẫn được của con người, là tia lửa của mọi hành động: từ việc làm cho tới gia đình, từ sự tìm kiếm khoa học cho tới hoạt động chính trị, từ nghệ thuật cho tới việc đương đầu với các nhu cầu thường ngày.
Thánh lễ khai mạc sẽ đo Ðức cha Francesco Lambiasi, Giám Mục Rimini, chủ sự lúc 11 giờ sáng Chúa Nhật 22 tháng 8 năm 2010. Trong số hàng chục ngàn người tham dự sẽ có nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, các giới chức chính trị, kinh tế và xã hội Italia, Âu châu và quốc tế. Trong số các vị lãnh đạo tôn giáo tham dự và thuyết trình tại đại hội cũng có Ðức Tổng Giám Mục Filaret của Chính Thống Nga và Ðức Hồng Y Peter Erdoe, Tổng Giám Mục Budapest, kiêm Chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Âu châu. Trong các ngày đại hội ngoài các buổi cử hành phụng vụ và chia sẻ kinh nghiệm đức tin, còn có hàng chục buổi diễn thuyết về các đề tài tôn giáo, chính trị, kinh tế, thương mại, xã hội và văn hóa.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Hồng Y Peter Erdoe về sự kiện đức tin kitô tái sinh tại Ðông Âu, sau khi bức tường Berlin sụp đổ hồi tháng 12 năm 1989.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y Erdoe, từ vài năm nay Ðức Hồng Y là Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Ðồng Giám Mục Âu châu, gọi tắt là CCEE. Khi nói tới Âu châu là chúng ta nói tới điều gì thưa Ðức Hồng Y? Trong các năm qua Ðức Hồng Y đã trông thấy gì và đã có các nhận xét nào?
Ðáp: Với từ "Âu châu" người ta hiểu nhiều điều lắm. Ðối với một số người thì đó là "Tây Phương Kitô", đối với người khác thì nó là tất cả vùng đất mang ảnh hưởng của nền văn hóa hy lạp roma, trong hình thái la tinh cũng như trong hình thái bisantin, và như thế nó bao gồm cả châu Mỹ, Australia hay cả Nga nữa. Cũng có không ít người nói tới Âu châu chính trị, và trong trường hợp này thì đó là Liên Hiệp Âu châu... Ðối với nền thần học công giáo, tất cả các nền văn hóa của nhân loại đều đáng qúy trọng, bởi vì chúng nảy sinh từ ý muốn tạo dựng của Thiên Chúa, như là sự phong phú của thiên nhiên, nhưng đặc biệt chúng cũng diễn tả một khía cạnh của phẩm giá con người nữa. Trong mấy ngàn năm qua Tin Mừng của Chúa Kitô đã không phá hủy sự khác biệt và căn tính văn hóa của các dân tộc âu châu, nhưng đã soi sáng cho gia tài của chúng, và thăng tiến sự phát triển của từng dân tộc. Ðôi khi tôi khâm phục ngắm nhìn cuộc sống của các cộng đoàn công giáo tại Á châu hay Phi châu. Và tôi xác tín rằng giữa Tin Mừng và các nền văn hóa này sẽ nảy sinh ra các điều kỳ diệu mới cho thiện ích của Giáo Hội và toàn nhân loại.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, bức tường Berlin đã sụp đổ cách đây hơn 20 năm rồi. Bây giờ còn có thể nói về một Ðông âu và một Tây Âu nữa không?
Ðáp: Ðã, đang và sẽ có thể nói về một Ðông Âu và một Tây Âu, tuy cả hai đều là một Âu châu. Một đàng có sự kiện hoàng đế Diocleziano chia đế quốc Roma thành hai vùng Ðông Tây, cả khi các chi tiết trong cơ cấu hành chánh không phát xuất từ cuộc cải cách này của hoàng đế, thực tại văn hóa đông tây vẫn sống động trong đại lục này. Phần latinh và phần bisantin của Âu châu cho tới nay vẫn cho thấy các khác biệt. Hiểu biết và đánh giá cao các khác biệt ấy vẫn là một nhiệm vụ hiện nay. Trong thời chiến tranh vùng Balcan có người đã nêu vấn nạn liên quan tới các lợi lộc trong các xung khắc phức tạp này. Và một người Hungari biết lịch sử một chút đã trả lời rằng: "Như đã luôn luôn xảy ra, đây là việc xác định ranh giới chính xác đã do hoàng đế Diocleziano xác định".
Dĩ nhiên trong hậu bán thế kỷ XX, Ðông Âu và Tây Âu châu đã có một ý nghĩa khác: đó là ý nghĩa chính trị ám chỉ hai vùng ảnh hưởng, ảnh hưởng của Liên xô bên Ðông Âu và ảnh hưởng của Hoa Kỳ bên Tây Âu. Tạ ơn Thiên Chúa, lằn ranh giới này, hay bức màn sắt, này giờ đây không hiện hữu nữa. Nhưng vẫn có các vùng văn hóa và kinh tế chứng minh cho thấy các khác biệt tiêu biểu: có các quốc gia thành lập Liên Hiệp Âu châu, có chân trong việc thiết định các luật chơi và các đặc thái của Liên Hiệp, cũng như xác định diện mạo của nó, cả khi một cách không đồng đều như nhau. Thế rồi, còn có các thành viên mới, đặc biệt là các nước cựu cộng sản, phải tùy thuộc vào "một cái gì đó", vì sự cần thiết lịch sử, kinh tế hay địa lý chính trị, sau khi các đoàn quân xô viết rút lui khỏi lãnh thổ của họ. Trong các quốc gia này, vì dư luận công cộng hay vì thứ tự thời gian, việc tùy thuộc khối NATO hay Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương, biểu tượng cho đặc tính tây âu hay sự ổn định của việc tùy thuộc của vùng này vào phần lục địa, mà người dân các nước Ðông Âu cho là hạnh phúc hơn, là điều quan trọng đối với các dân tộc Ðông Âu.
Ngoại trừ qúa khứ ra, giờ đây các nước Ðông Âu có các tương quan mới với nước Nga không còn là xô viết nữa. Ðó là các tương quan kinh tế, thông cảm, với các yếu tố chung của cung cách sống; một vài tương đồng trong các vấn đề xã hội như tình trạng trống rỗng ý thức hệ và luân lý, sau khi từ bỏ ý thức hệ mác xít; việc cần thiết sơ đẳng của sự thức tỉnh văn hóa có thể hệ tại nơi việc đánh giá cao các ngôn ngữ quốc gia; các truyền thống văn chương; các truyền thống gia chánh; các truyền thống nghệ thuật; cũng như hệ tại nơi việc thức tỉnh của ý thức về lịch sử riêng. Nó cũng hệ tại nhu cầu hiểu và tích cực xây dựng qúa khứ gần và xa của mình. Bên cạnh đó còn có nguy cơ của sự bất ổn trong cuộc sống xã hội và kinh tế, vì nạn gian tham hối lộ và vô chính phủ có thể xảy ra, nếu Nhà Nước tuân giữ một cách giáo điều các nguyên tắc của một khuynh hướng tự do cực đoan, xa cách với thực tại cụ thể của các xã hội này.
Hỏi: Trên bình diện tương quan giữa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống, lộ trình hiện nay ra sao thưa Ðức Hồng Y?
Ðáp: Sau những gì trình bầy trên đây, chúng tôi cảm thấy đặc biệt bị lôi cuốn bước vào trong cuộc đối thoại với Giáo Hội chính thống. Tuy nhiên, cả trong dấn thân này nữa, cũng không được để cho việc đối thoại nảy sinh từ một quan điểm thơ mộng, thiếu thực tế. Trên thực tế, chúng tôi phải vui mừng trước sự kiện các Giáo Hội chính thống khác nhau bên Ðông Âu, đã từng bị đánh phá phá một cách tàn bạo và bị bách hại trong bao nhiêu thập niên, giờ đây đang tìm lại một phẩm chất cao về văn hóa nghệ thuật và thần học kitô, cũng như một tương quan có cơ cấu với cuộc sống của dân tộc mình.
Cần phải đánh giá cao hay tưởng tượng xem nó quan trọng chừng nào đối với các linh mục hay các Giám Mục chính thống và cả đối với các tu sĩ và giáo dân nam nữ nữa, sự chính thống của đức tin, thường khi đã là giá trị duy nhất mà họ còn duy trì được trong các tình trạng nhiều khi rất là nhục nhã. Ðây không chỉ là điều liên quan tới các vị tử đạo và các tín hữu bị cầm tù mà thôi, mà nó liên quan tới cả những ai có thể thi hành nhiệm vụ của mình một cách công khai.
Trong nhận thức của nhiều người, giá trị có thể biện minh cho nhiều điều, đó là làm sao duy trì được đức tin của mình. Ðây không luôn luôn là sự hữu hiệu mục vụ, là điều về lâu về dài đã không thể làm được, mà là nội dung của đức tin. Chính vì thế mà khi Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI được bầu làm Người Kế Vị Thánh Phêrô, niềm vui đã bùng nổ trong thế giới chính thống. Như thế, có một mức độ khác trong cuộc đối thoại với Giáo Hội chính thống: đó là mức độ của chính đức tin. Và trong lãnh vực này, sự tương đồng giữa công giáo và chính thống lớn lao đến độ chúng ta cảm thấy đau đớn vì sự thiếu hiệp nhất giữa hai bên. Ðây là điều rất hiển nhiên tại những nơi đâu các kitô hữu không chia sẻ cùng số phận trong bối cảnh văn hóa không kitô. Tuy nhiên, cũng có một mức độ khiêm tốn hơn của cuộc đối thoại, đó là việc thăng tiến các giá trị luân lý kitô và giáo huấn xã hội. Hiển nhiên là các Hội Ðồng Giám Mục Âu châu là các cơ cấu chuyên môn và được mời gọi dấn thân trong cuộc đối thoại và cộng tác, nhất là trong việc cộng tác với Giáo Hội chính thống. Các hiệu qủa cụ thể của đức tin chung thật ra rất giống nhau, và thường dẫn đưa các Giáo Hội tới cùng một lập trường đối với các vấn đề của cuộc sống xã hội ngày nay. Chính vì thế đã nảy sinh ra Diễn đàn công giáo chính thống âu châu, và nó bắt đầu đem lại các hoa trái đầu tiên, thí dụ như trong lập trường rõ ràng liên quan tới gia đình.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y có nhận xét gì về đại hội tình bạn các dân tộc diễn ra tại Rimini, mà Ðức Hồng Y cũng sẽ tham dự cùng với Ðức Tổng Giám Mục Filaret Giám Mục giáo phận Minsk của Giáo Hội chính thống Nga? Một người dân âu châu ngày nay có thể tin nơi Chúa Giêsu hay không?
Ðáp: Tôi rất danh dự được nói chuyện với Ðức Tổng Giám Mục Filaret của giáo phận Minsk, mà tôi rất qúy trọng. Tựa đề của cuộc đối thoại nhắc cho tôi nhớ đến thời tôi còn trẻ. Hồi đó người ta dậy chúng tôi rằng tôn giáo là một chậm tiến, là ngu dân. Cũng thế, người ta có thể nghĩ rằng một người dân âu châu có học ngày nay không thể là một tín hữu kitô. Tôi thì tôi có xác tín ngược lại. Chính tính cách phức tạp của các vấn đề thời đại chúng ta, sự hoạt động không hiệu qủa của guồng máy xã hội đòi buộc phải có một mẫu số chung tối thiểu liên quan tới việc đặt để loài người trong vũ trụ này, liên quan tới ý nghĩa và giá trị của toàn lịch sử nhân loại và của xã hội. Chính sự kiện này khiến cho một suy tư về các vấn đề nền tảng của quan niệm về cuộc sống trở thành cần thiết. Như vậy, theo tôi, một người âu châu tân tiến ngày nay không thể không đương đầu ít nhất là với vấn đề về Thiên Chúa, về Ðức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người.
(Avvenire 21-7-2010)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)