Các vị chủ chăn Giáo hội tại Phi Châu
kêu gọi lục địa này nên tự túc
Các vị chủ chăn Giáo hội tại Phi Châu kêu gọi lục địa này nên tự túc.
Phi Châu [CWN 28/7/2010] - Các vị chủ chăn Giáo hội tại Phi Châu kêu gọi lục địa này nên tự túc, tự cường.
Trong một phiên họp của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar, một số nhà lãnh đạo Giáo hội tại lục địa này khuyến khích các nhà kinh doanh Phi châu hãy tự lực tự cường.
Ðức hồng y Francis Arinze, người Nigeria, nguyên là bộ trưởng bộ Phụng tự và kỷ luật các bí tích, nói rằng nếu biết áp dụng giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, các doanh gia Phi Châu có thể đạt được tiến bộ trong kinh doanh.
Về phần mình, Ðức hồng y Wilfried Napier, Tổng giám mục Durban, Nam Phi, nói rằng ưu tiên hàng đầu của Phi Châu là phải làm sao để đạt được độc lập về kinh tế.
Theo vị hồng y này, "Chúa Giêsu đã không bảo chúng ta đừng làm việc nhiều". Ngài nói rằng, cần phải giúp cho giới trung lưu tại Phi Châu ý thức rằng lục địa này cần phải tiến tới tự lực tự cường.
Ðây chính là đề tài đã được các Ðức giám mục Phi Châu mang ra thảo luận trong phiên khoáng đại lần tứ 15 diễn ra tại Accra, Ghana, hôm 27 tháng 7 năm 2010.
Ðức cha Leon Kalenga Badikebele, người Congo, Sứ thần Tòa thánh tại Ghana nói rằng vấn đề đáng buồn của Phi Châu là lục địa này có nhiều tài nguyên nhưng vẫn bị xem như lục địa nghèo nhứt; tại đây phụ nữ và trẻ em vẫn còn là những thành phần dễ bị tổn thương nhứt trong xã hội.
Trong bài diễn văn đọc trước 250 Giám mục của lục địa, phó tổng thống Ghana, ông John Dramani Mahama kêu gọi Giáo hội hãy hợp tác với các chính phủ để chống lại bất công.
Trong một bài phát biểu trên đài phát thanh Vatican, Ðức cha Gabriel Charles Palmer Buckle, Tổng giám mục Accra nói rằng Giáo hội tại Phi châu gia tăng rất nhanh. Sự tăng trưởng của Giáo hội tại Phi Châu đã bắt đầu cách đây một thế kỷ và gia tăng nhanh chóng trong 3 thập niên vừa qua. Năm 1900, chỉ có 2 triệu người Công giáo trên toàn lục địa. Ngày nay, dân số Công giáo Phi Châu đã lên đến 165 triệu người, nghĩa là có đến 14 phần trăm dân số Công giáo thế giới đang sống tại lục địa này.
CV.