Các Giáo hội Kitô tại Nepal

muốn góp phần xây dựng đất nước

 

Các Giáo hội Kitô tại Nepal muốn góp phần xây dựng đất nước.

Katmandu, Nepal [Zenit 27/7/2010] - Các Giáo hội Kitô tại Nepal muốn góp phần xây dựng đất nước.

Trong một tuyên ngôn được hãng thông tấn Asianews trích thuật, Ðức cha Anthony Sharma, Giám mục Katmandu, nói rằng "không một lãnh đạo chính trị nào thực sự quan tâm đến dân chúng". Do đó, theo ngài, đã đến lúc các tín hữu Kitô Nepal phải tích cực dấn thân trong chính trị để nói lên tiếng nói và những quan tâm của mình.

Kể từ khi thủ tướng Madhav Kumar Nepal từ chức hôm 30 tháng 6 năm 2010, Nepal hiện rơi vào tình trạng không có chính phủ.

Ðức cha Sharma được Ðức thánh cha Benedicto XVI bổ nhiệm làm Giám mục năm 2007, một năm sau khi Nepal tuyên bố thành lập Nhà nước thế tục. Chế độ quân chủ ấn giáo đã bị bãi bỏ và cuộc nội chiến kéo dài hơn 10 năm giữa quân đội chính phủ và các phiến quân cộng sản Mao đã chấm dứt.

Ðức cha Sharma là vị Giám mục đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Nepal.

Vị Giám mục này kể lại rằng trước kia, có một quyển Kinh Thánh trong nhà bị xem là một tội nặng. Nhưng hiện nay, nhờ Nhà nước thế tục, người Công giáo được tự do hơn. Trước kia tín hữu Kitô bị đẩy ra bên lề xã hội. Ðức cha Sharma kể lại rằng khi được rửa tội, ngài lấy tên là Anthony. Dân chúng nhìn ngài với ánh mắt nghi ngờ và hỏi tại sao một người Nepal lại có một tên như thế. Ðể tránh phiền toái, ngài đành phải đổi tên thành "Amulya", cũng có nghĩa là Anthony trong tiếng Nepal. Vào thời đó, chính phủ không cho phép người công giáo rao giảng Tin Mừng.

Nhưng kể từ khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ, người Công giáo đã ít bị đố kỵ hơn. Mặc dù chính phủ mới cấm việc chiêu mộ tín đồ và kiểm soát chặt chẽ các tôn giáo, Giáo hội Công giáo vẫn tích cực trong trong lãnh vực giáo dục. Hiện Giáo hội có 31 trường học do 65 linh mục, 17 nam tu sĩ và 160 nữ tu điểu khiển.

Giáo hội cũng hiện diện trong lãnh vực y tế, bởi vì hiện nay trong nước đang thiếu bệnh viện công mở ra cho người nghèo. Ðức cha Sharma nhìn nhận rằng y tế là lãnh vực đang có nhiều vấn đề nhứt.

Về tự do tôn giáo, người Công giáo được tự do hơn, nhưng vẫn bị những thành phần ấn giáo cực đoan de đọa. Hiện những người này đang tranh đấu để tái lập chế độ quân chủ ấn giáo.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page