Bài giảng Lễ Tấn phong

Giám mục Giáo Phận Vinh của

Ðức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể

 

Bài giảng Lễ Tấn phong Giám mục Giáo Phận Vinh của Ðức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể.

Vinh, Việt Nam (23.07.2010) - Bài giảng Lễ Tấn phong Giám mục Giáo phận Vinh của Ðức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Tổng Giáo Phận Huế. (Vì lý do sức khoẻ của Ðức Tổng Giám Mục Stêphanô nên bài giảng này tại Thánh Lễ do Ðức Cha Giuse Võ Ðức Minh, Giám Mục Nha Trang công bố):

Kính thưa cộng đoàn,

Ngày 11 tháng 5 (năm 2010), cách đây hơn hai tháng, Giáo phận Vinh mừng kỷ niệm 50 năm linh mục của Ðức Cha Phaolô Maria, với biệt danh là vị Giám mục trên từng cây số, đến đâu cũng là nhà, ngả đâu cũng là giường, một vị chủ chăn đạo đức, khôn ngoan, khiêm tốn, giản dị.

Trong dịp nầy, chúng tôi rất vui mừng được hiện diện cùng tạ ơn Chúa với Ðức Cha và Giáo phận nhà.

Qua những tiếp xúc gặp gỡ, và sau khi tham dự buổi Diễn nguyện tối hôm trước và Thánh lễ tạ ơn sáng hôm sau, chúng tôi cảm nhận được phần nào sức sống mãnh liệt mà rất hồn nhiên, cởi mở, thân thiện của Giáo phận Vinh, từ Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ đến giáo dân miền núi, miền biển, miền xuôi. Diễn nguyện tối qua và Thánh lễ sáng nay cũng cho thấy như vậy.

Thật là một Giáo phận giàu truyền thống, đồng thời mang hơi thở của thời đại, một Giáo phận đang đi lên thấy rõ cả về số lượng, cả về chất lượng. Người tín hữu giáo dân Vinh được tiếng là những người con rất mực trung thành sắt son với Mẹ Giáo Hội, dù phải gánh chịu nhiều thiệt thòi, đau thương qua dòng lịch sử của mình.

Hôm nay một người con gốc Giáo phận nhà là Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp được Chúa chọn gọi, và Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Vinh thân yêu. Người con nầy được hưởng nhờ biết bao ân lộc của Giáo phận và phúc ấm của ông bà tổ tiên dòng tộc, nay về lại phục vụ quê hương, tiếp nối sứ vụ tông đồ của vị tiền nhiệm kính yêu.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Giáo lý Công đồng Vaticanô II dạy rằng: "Khi được tấn phong, các giám mục lãnh nhận bí tích truyền chức thánh một cách sung mãn trọn vẹn, mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các thánh giáo phụ gọi là chức linh mục tối cao, và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ. Việc tấn phong giám mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và quản trị. Tuy nhiên các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông phẩm trật với Ðức Giáo Hoàng và với các anh em trong giám mục đoàn" (Ánh Sáng Muôn Dân, 21).

Cộng đồng nói tiếp: "Ðức Giáo Hoàng, Ðấng kế vị thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu của sự hợp nhất giữa các giám mục cũng như giữa các tín hữu khắp thế giới. Còn mỗi giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong Giáo Hội địa phương tức là giáo phận" (Ánh Sáng Muôn Dân, 23).

Như người cha trong gia đình, vị Giám mục hướng dẫn các thành viên trong ngôi nhà giáo phận, lắng nghe và chia sẻ những vui buồn, thành bại, những lo âu và hy vọng, chia sẻ cả sự mỏng dòn của cộng đoàn mình, với sức mạnh và khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, chứ không phải của thế gian.

Thánh Phaolô nói với cộng đoàn Côrintô rằng: "Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?" (2Cr. 11,29).

Thánh Augustinô dùng một công thức tuyệt vời để nói về chức giám mục của mình: "Cho anh em tôi là giám mục, cùng với anh em tôi là Kitô hữu". (Vobis emin sum episcopus, vobiscum sum christianus, Disc. 340,1: In die ordinationis, PL 38, 1483).

Kính thưa cộng đoàn,

Chúa Giêsu đến trần gian để loan báo Tin Mừng tình thương cứu độ. Trong hội đường Do Thái ngày ấy, tại nơi sinh trưởng, Ngài áp dụng cho chính mình những lời của ngôi sứ Isaia: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" (Lc 4,18).

Ngài thành lập Giáo Hội cũng với mục đích ấy: "Anh em hãy đi khắp bốn phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16,15).

Lẽ sống của Giáo Hội là rao giảng Phúc Âm. Trong thông điệp "Sứ vụ Ðấng Cứu Ðộ", Ðức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: "Suốt dòng lịch sử Giáo Hội, nếu tính năng động trong truyền giáo là dấu hiệu của sức sống, thì sự xao lãng truyền giáo lại là dấu hiệu của cơn khủng hoảng đức tin" (Sứ vụ Ðấng Cứu Ðộ, 2).

Cũng trong thông điệp nầy, ngài nhấn mạnh đến những lãnh vực mới trong thế giới hiện đại cần được loan báo Tin Mừng. Sau khi lưu ý đặc biệt đến lãnh vực thông tin, ngài nói tới nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, mà hoạt động truyền giáo phải quan tâm như: tranh đấu cho hòa bình, cho quyền con người, cho việc giải phóng và phát triển các dân tộc, nhất là những nhóm thiểu số, cho sự thăng tiến phụ nữ và trẻ em, cho việc bảo vệ môi trường sinh thái# (Sứ vụ Ðấng Cứu Ðộ, 37).

Phải chăng vì thế mà trong nhiều năm qua, Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã dấn thân vào các lãnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội...

Ðây không phải là chuyện nghiên cứu thuần túy, mà là nhắm ý hướng loan báo Tin Mừng theo lời Chúa Giêsu dạy, và theo bước chân của thánh Phaolô tông đồ, của cha thánh Ða Minh, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.

Ðức Cha Phaolô loan báo Tin Mừng với một trái tim nồng ấm và một đầu óc lạnh tĩnh để nhận định, để biện phân tốt - xấu, đúng - sai, chính - phụ... hầu hướng dẫn cộng đoàn một cách vững vàng và hài hòa trong "Sự thật và tình yêu" (Ep 4,15) là châm ngôn mục vụ mà Ðức Cha đã chọn làm chỉ nam cho sứ vụ giám mục của mình.

Loan báo Tin Mừng bằng cách thức tỉnh, gợi mở, gây ý thức, khơi nguồn cảm hứng..., chứ không áp đặt tuyên truyền, không chinh phục..., như một nhà tâm lý giáo dục đã nói:

"Người thầy tầm thường thì chỉ biết trình bày,

Người thầy giỏi thì biết giảng giải,

Người thầy xuất sắc thì biết chứng minh,

Người thầy vĩ đại thì biết thức tỉnh và khơi nguồn cảm hứng".

(William Arthur Ward).

Kính thưa anh chị em,

Chúa Thánh Thần là Bậc Thầy Vĩ Ðại trên hết mọi người thầy, là Ðấng gợi mở, linh ứng, luôn thức tỉnh và khơi nguồn cảm hứng cho đời sống Kitô hữu, làm cho mọi sự có hồn, có sinh khí, có linh khí và có sức lan tỏa, như hương thơm lôn cuốn một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không cần những chiêu quảng cáo hào nhoáng.

Chúa Thánh Thần làm cho cuộc sống chúng ta năng động, làm cho đức tin chúng ta không ngừng sáng tạo và tái tạo, khiến cho ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn, cao hơn.

Người sống trong Chúa Thánh Thần thì chạy nhanh đến nỗi những trì trệ, xơ cứng không thể đồng hành với họ.

Họ tiến mạnh đến đỗi sóng gió cuộc đời không làm họ ngả nghiêng, và giả dối, lừa lọc, mánh khóe# không khiến họ chùn chân được.

Họ vươn cao đến đỗi những xúc phạm không thể chạm tới họ được.

Sống trong Chúa Thánh Thần,

Mắt họ tinh anh để nhìn thấy Giáo Hội là Nhiệm thể Chúa Kitô, Giáo Hội bao la hơn những tư kiến hạn hẹp và những thành kiến đóng khung của mình.

Tai họ thính nhạy để không chỉ nghe ào ào của một cây rừng ngã đổ, mà còn nghe rõ những tiếng lao xao của muôn vàn chồi non đang nhú lên trong cả cánh rừng.

Lòng họ rộng lớn để nhìn xa hơn những thất bại trước mắt, và trông rộng hơn những thành công của ngày hôm nay.

Họ không bực bội nôn nóng đòi nhổ ngay cỏ lùng ra khỏi ruộng lúa, điều này chỉ dành cho chủ ruộng mà thôi, vả lại, họ cũng nhận thấy có cả cỏ lùng mọc chung với lúa tốt trong chính bản thân mình.

Họ cùng nhau thắp lên những đốm lửa, chứ không ngồi mà than trách bóng tối, ngày ngày họ cầu nguyện và yêu thương, phục vụ.

Ðối với họ, sa ngã và lỗi lầm không quan trọng bằng sửa sai và chỗi dậy tiếp tục bước đi với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Họ không ngừng gột rửa, thanh luyện chính mình, và làm mới lại luôn mãi mỗi ngày.

Trên hết mọi sự, họ thành tâm phụng sự Chúa, yêu mến, phục vụ Giáo Hội và con người.

Hạnh phúc thay, chúng ta được vui sống và lớn lên, tự do và trách nhiệm, trong lòng Mẹ Giáo Hội, một Giáo Hội náo nức sống Tin Mừng và loan báo Tin Mừng Cứu độ, cùng nhau vun đắp một môi trường sống chan hòa, trong đó, những hoa quả của Chúa Thánh Thần được sum sê nảy nở, như lời thánh Phaolô nói: đó là "bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiếtđộ" (Gl.5,22-23). Amen.

 

+ TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page