Tòa Thánh kêu gọi cầu nguyện
cho hơn 1.5 triệu công nhân nghề biển
Tòa Thánh kêu gọi cầu nguyện cho hơn 1.5 triệu công nhân nghề biển.
Vatican (RG 11-7-2010) - Trong sứ điệp gửi "Ngày quốc tế nghề biển" 11 tháng 7 năm 2010, Hội Ðồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động kêu gọi bênh vực quyền lợi của 1.5 triệu người sống về nghề biển và các gia đình họ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng Ðức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh mục vụ cho người di cư và lưu động cho biết "Chúa Nhật của Biển" là một truyền thống được khởi đầu từ năm 1975, khi ủy ban Tông Ðồ Biển của Giáo Hội công giáo và Ủy ban truyền giáo cho người sống về nghề biển của Anh giáo và Hội Thủy Thủ của Giáo Hội tự do quyết định chọn một ngày trong lịch của các Giáo Hội Kitô để cầu nguyện cho các người sống về nghề biển và gia đình họ cũng như những người trợ giúp họ. Và ngày được chọn là Chúa Nhật thứ hai của tháng 7, đặc biệt để tỏ lòng biết ơn phần đóng góp của các anh chị em này cho nền kinh tế và cuộc sống xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.
Ngày này cũng có chiều kích đại kết, vì tại các hải cảng khắp nơi trên thế giới các Giáo Hội Kitô đều tổ chức các thánh lễ, các buổi cầu nguyện và các sinh hoạt khác nhau để gây ý thức cho mọi người đối với các điều kiện làm việc của các anh chị em sống về nghề biển.
Nhắc đến năm 2010 cũng là "Năm Nghề Biển" do tổ chức nghề biển quốc tế phát động, Ðức Tổng Giám Mục Antonio Maria Vegliò, cho biết năm nay cũng là dịp kỷ niệm 90 năm thành lập tổ chức "Tông đồ biển". Tổ chức này đã nảy sinh tại Glasgow bên Anh quốc ngày 4 tháng 10 năm 1920, do sáng kiến của một nhóm giáo dân và linh mục chú ý tới tình trạng bị bỏ rơi của các người sống về nghề biển. Trong 90 năm qua sinh hoạt này đã gia tăng với phần đóng góp của hàng ngàn tuyên úy và nhân viên mục vụ.
Các người sống về nghề biển phải đương đầu với nhiều thách đố trong đó nguy hiểm nhất là nạn cướp biển. Hiện có 20 tầu với 400 nhân viên bị cướp biển bắt giữ trong vịnh Aden. Tình trạng này để lại ảnh hưởng rất tiêu cực trên tâm lý của họ và gia đình họ. Tổ chức Tông Ðồ Biển và các tổ chức kitô khác cũng trợ giúp họ phục hồi sau khi được trả tự do. Ða số họ thuộc các quốc gia nghèo đang trên đường phát triển. Vì sợ mất chỗ làm việc nên họ thường im lặng chịu các thiệt thòi, bị khai thác và lạm dụng. Ngoài ra còn có thảm cảnh bị giới chủ nhân vu khống, kết tội và bị các tầu kéo bỏ rơi. Tổ chức Tông Ðồ Biển cũng can thiệp với các hải cảng, cảnh sát biên phòng và các tổ chức quốc gia trợ giúp họ. Một trong các ưu tiên hiện nay là công tác mục vụ cho các người sống về nghề đánh cá. Tổ chức Tông Ðồ Biển kêu gọi các HÐGM và Giáo Hội địa phương gia tăng mục vụ cho các anh chị em này và gia đình họ qua sự hiện diện của các linh mục tuyên úy. Trong các năm qua số các tầu chở khách du lịch gia tăng và càng ngày càng có khả năng lớn có khi chở tới 2 hay 3 ngàn hành khách, và cần có sự hiện diện của các linh mục tuyên úy để bảo đảm mục vụ cho họ (RG 11-7-2010).
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)