Vài nét về Dự Án Varela

của Phong Trào Giải Phóng Kito tại Cuba

 

Vài nét về "Dự Án Varela" của Phong Trào Giải Phóng Kito tại Cuba.

Cuba [National Catholic Register on line 13/7/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày 7 tháng 7 năm 2010, Ðức hồng y Jaime Ortega, Tổng giám mục Havana, Cuba, loan báo rằng chính phủ cộng sản nước này sẽ trả tự do cho 52 tù nhân chính trị.

52 tù nhân chính trị này thuộc nhóm 75 người đã bị chính quyền cộng sản Cuba giam giữ dạo tháng 3 năm 2003 vì đã tham gia vào hoạt động có tên là "Dự Án Varela". Ðây là hoạt động tranh đấu cho dân chủ mạnh nhứt tại Cuba được gợi hứng từ cuộc đời và gương sáng của một vị linh mục Cuba sống vào thế kỷ 19 là cha Felix Varela.

Người đứng ra tổ chức "Dự Án Varela" là ông Oswaldo Paya Sardinas, hiện nay 58 tuổi. Là một người Công giáo nhiệt thành, ông Sardinas cũng là người đã thành lập Phong Trào Giải Phóng Kito năm 1987. Kể từ năm 2003, ông đã đeo đuổi chủ trương tranh đấu bất bạo động để chống lại chế độ cộng sản, mặc dù hầu hết những người lãnh đạo của Phong trào đều bị giam tù. Mặc dù bị công an theo dõi 24 trên 24, nhà của ông vẫn là trụ sở để liên lạc giữa các tù nhân và gia đình của họ.

Sau khi chế độ cộng sản triệt hạ "Dự Án Varela", ông Sardinas liền phát động một cuộc đối thoại toàn quốc liên kết khoảng 13 ngàn người Cuba, phần lớn xuyên qua các nhóm thảo luận về tương lai đất nước. Các đề nghị do các nhóm này đưa ra được đúc kết thành "Chương Trình cho mọi người Cuba" với nội dung chính là đòi hỏi phải tiến tới dân chủ.

Cách đây hai năm, ông Sardinas tái lập "Dự Án Varela", kêu gọi người dân Cuba ký tên vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về cải tổ dân chủ.

Hôm 11 tháng 7 năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại dành cho Báo "The National Catholic Register" phát hành tại Hoa kỳ, ông Sardinas đã nói về nguồn gốc của Phong Trào Giải Phóng Kito, bản chất đàn áp của chế độ cộng sản Cuba cũng như tương lai của đất nước.

Nhận định về việc Ðức hồng y Tổng giám mục Havana loan báo rằng chính phủ Cuba sẽ trả tự do cho 52 tù nhân chính trị, ông Sardinas cám ơn Giáo hội Công giáo tại nước này. Ông nói rằng không những Giáo hội đứng ra làm trung gian để chính phủ Cuba trả tự do cho các tù nhân chính trị, mà chính người của Giáo hội như Giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng đã từng an ủi, nâng đỡ các tù nhân chính trị trong suốt thời gian qua.

Ông hy vọng rằng cử chỉ thiện chí này của chính phủ Cuba sẽ tạo được một bầu khi đối thoại mới giữa người Cuba với nhau. Ông cũng tin rằng đây là bước đầu tiên để tiến tới những thay đổi lớn hơn, với nhiều tự do hơn.

Ðược hỏi: liệu chế độ cộng sản có tiếp tục giam tù những ai dám nói hay hành động chống lại mình không, ông Sardinas trả lời rằng điều đó vẫn tiếp tục xảy ra. Ông cho biết: hồi tháng 10 năm 2009, lãnh tụ của "Dự Án Varela" tại Santiago de Cuba là ông Augustin Cervantes đã bị kết án tù 2 năm vì một tội mà ông Sardinas gọi là "kỳ cục". Thật vậy, ông Cervantes bị kết án vì chống lại một người đã đột nhập vào nhà ông và dùng dao tấn công ông. Nhưng khi ông Cervantes bị kết án thì người ta lại nhắc đến "Dự Án Varela". Ông Sardinas nói: "Phiên xử là một trò hề".

Như vậy, theo ông Sardinas, hiện có nhiều tù nhân chính trị không được đưa vào danh sách của Tổ Chức Ân Xá Quốc tế.

Ông Sardinas nói rằng để cho việc trả tự do cho 52 tù nhân chính trị thực sự là một thay đổi tại Cuba thì tất cả mọi tù nhân chính trị đều phải được trả tự do. Thứ đến, việc phóng thích này cần phải đi đôi với cam kết rằng mọi người dân đều được tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do lập hội. Ông Sardinas khẳng định: "Bao lâu những quyền này không được luật pháp bảo đảm thì sẽ không có thay đổi thật sự tại Cuba. Chúng tôi đã chờ đợi trong 51 năm qua và chúng tôi không muốn chờ đợi thêm nữa".

Về "Dự Án Varela", ông Sardinas giải thích rằng thoạt tiên đây chỉ là một dự án luật bắt đầu vào năm 1998. Ðiều 88 của Hiến Pháp Cuba qui định rằng nếu có ít nhứt 10 ngàn người ký tên vào một thỉnh nguyện ủng hộ cho một dự thảo luật, thì Quốc hội phải cứu xét thỉnh nguyện này.

Thỉnh nguyện mà Dự Án Varela đưa ra yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về 5 điểm chính như: tự do phát biểu và lập hội, ân xá cho tất cả mọi tù nhân chính trị, quyền được có tư doanh, một luật mới về bầu cử và bầu cử tự do.

Tựu trung, Dự Án Varela đòi hỏi phải tôn trọng phẩm giá con người.

Ông Sardinas cho biết "Dự Án Varela" đã thu thập được rất nhiều chữ ký. Chủ tịch Fidel Castro nghĩ rằng người ta không thể nào thu thập được 1,000 chữ ký. Vậy mà ngày 10 tháng 5 năm 2002, ông Sardinas đã trình lên Quốc hội 11,020 chữ ký của mọi thành phần trong xã hội từ công nhân, nông dân, đến bác sĩ, trí thức, sinh viên và ngay cả ký giả.

Ông Sardinas nói rằng chính các thành viên của Phong Trào Giải Phóng Kito đã thực hiện "Dự Án Varela".

Ðược hỏi về sự liên kết giữa Dự Án và cha Varela, ông Sardinas giải thích rằng vị linh mục này đã được truyền chức tại nhà thờ chính tòa Havana năm 1811. Ngài gặp khó khăn với chính quyền khi đứng lên yêu cầu Tây Ban Nha cho Châu Mỹ Latinh được độc lập. Ngài cũng tích cực chống lại chính sách buôn bán nô lệ tại Cuba. Vì những hoạt động này, cha Varela đã bị kết án tử hình cho nên phải bỏ trốn khỏi Cuba và tỵ nạn tại Hoa kỳ. Tại đây, cha đã thành lập tờ báo đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha, qua đó cha đã cho phổ biến nhiều bài viết về nhân quyền và tự do tôn giáo.

Vị linh mục này đã dám xử dụng thỉnh nguyện thư để thách thức nhà nước. Do đó, ngài là nguồn cảm hứng để thành lập "Dự Án Varela" chống lại chế độ cộng sản Cuba.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page