Huấn đức của Ðức Thánh Cha

trước giờ Kinh Truyền tin

trưa Chúa nhựt 11/07/2010

 

Huấn đức của Ðức Thánh Cha trước giờ Kinh Truyền tin trưa Chúa nhựt 11/07/2010.

Castel Gandolfo (Vat. 11/07/2010) - Từ chiều thứ Tư mùng 7 tháng 7 năm 2010, Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã về biệt thự Castel Gandolfo, cách Rôm khoảng 30 cây số để nghi hè. Chúa nhật 11 tháng 7 năm 2010 là lần ra mắt công cộng lần đầu tiên tại nơi này. Vì thế những lời mở đầu bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin là chào thăm dân cư địa phương cũng như các khách hành hương, có thể đến gần bao lơn hơn là tại quảng trường thánh Phêrô. Chủ đề của bài suy niệm dựa theo bài Tin mừng chúa nhựt XV thường niên, về dụ ngôn người Samari nhân hậu, mẫu gương của kẻ đã trở nên thân cận đối với những ai đang cần giúp đõ, dù là kẻ vô danh tiểu tốt. Trong phần thứ hai của bài huấn dụ, đức Bênêđictô XVI cũng nhắc đến lễ kính vị thánh được chọn làm bổn mạng. Trong tiếng Việt, tên của vị thánh được dịch là Bênêđictô theo lối phiên âm Latinh Benedictus, theo nguyên ngữ có nghĩa là kẻ được Chúa chúc phúc. Trong quá khứ, thánh nhân được nhìn nhận như là tổ phụ của đời đan tu bên Tây phương, bởi vì suốt thời Trung cổ, các đan viện đều giử bản luật của ngài, còn các cộng đoàn giáo sĩ thì giữ luật thánh Augustinô. Vào năm 1964, sau khi đức thánh cha Phaolô VI đặt người làm bổn mạng của châu Âu, người ta đã đánh giá công trình của các đan sĩ trong việc bảo vệ văn minh châu Âu khỏi sự tàn phá của dân man di. Tuy nhiên ngày nay, đức đương kim Giáo hoàng muốn nêu bật việc kiến tạo một châu Âu thống nhất cần phải dựa trên một nền luân lý đạo đức, mà thánh Biển đức đã vạch ra. Sau đây là nguyên văn bài suy niệm

Anh chị em thân mến

Như anh chị em thấy, từ mấy bữa nay, tôi đã rời Rôma và đến nghỉ ở Castel Gandolfo. Tôi xin cám ơn Chúa đã ban cho tôi có dịp để nghỉ ngơi. Tôi xin gửi lời chào thăm đồng bào tại đây, nơi mà tôi rất thích thú được trở lại. Bài Tin mừng chúa nhựt hôm nay mở đầu với một thắc mắc do một luật gia đặt ra cho Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để thừa hưởng đời sống vĩnh cửu?" (Lc 10,25). Biết rằng ông ta là một chuyên gia về Kinh thánh, Chúa yêu cầu ông ta hãy tự tìm câu giải đáp. Thực vậy, ông ta đã trình bày rất chính xác khi tóm lược hai giới răn chính: Mến Chúa hết lòng, hết trí, hết sức và mến người thân cận như bản thân. Thế rồi ra như để tự biện minh, luật gia hỏi thêm: "Ai là người thân cận của tôi?" (Lc 10,29). Lần này Chúa Giêsu trả lời với dụ ngôn thời danh về người Samari nhân hậu (xc Lc 10,30-37), để chỉ cho chúng ta biết cách trở nên "thân cận" đối với bất cứ ai đang cần được giúp đỡ. Thực vậy, người Samari đã quan tâm đến thân phận của một kẻ vô danh đã bị quân cướp bỏ rơi nửa sống nửa chết bên vệ đường, đang khi một tư tế và một thầy cúng đã tránh né, có lẽ bởi vì họ sợ sẽ bị ô uế khi chạm đến máu me, dựa theo điều luật Mosê. Vì thế dụ ngôn này thôi thúc chúng ta hãy biến đổi não trạng của mình cho phù hợp với lý luận của Chúa Kitô, tức là lý luận của tình yêu: Thiên Chúa là tình yêu, và phụng thờ Chúa có nghĩa là phục vụ anh em với lòng yêu thương chân thành và quảng đại.

Trình thuật Tin mừng hôm nay cung cấp một "tiêu chuẩn đo lường", nghĩa là "tinh yêu đại đồng dành cho người túng thiếu mà ta gặp cách tình cờ" (xc Lc 10,31), bất cứ họ là ai (Thông điệp Deus caritas est số 25). Bên cạnh quy luật phổ quát đó còn có một yêu sách của Giáo hội nữa, đó là "trong Giáo hội, xét là một gia đình, không ai phải chịu đau khổ do sự túng thiếu". Chương trình của một người Kitô hữu, được đào tạo từ lời dạy của Chúa Giêsu, là "một trái tim biết mở đôi mắt" nhìn thấy ở đâu đang cần tình thương, và theo đó mà hành động.

Các bạn thân mến, tôi muốn nhắc nhớ rằng hôm nay Giáo hội kính nhớ thánh Bênêđictô Norcia - thánh Bổn mạng của triều giáo hoàng của tôi - là tổ phụ và nhà lập pháp của các đan sĩ Tây Phương. Thánh Grêgôriô Cả mô tả Người như là "một con người có cuộc đời thánh thiện do tên gọi và nhờ ơn thánh". Người đã viết một bản luật cho các đan sĩ, như tấm gương phản chiếu lời dạy phát ra từ con người của mình: thực vậy vị thánh không dạy điều gì khác với điều mà mình đã sống". Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã tuyên bố thánh Bênêđictô làm bổn mạng châu Âu ngày 24 tháng 10 năm 1964, nhìn nhận công trình to tác của Người đối với việc đào nặn văn minh châu Âu.

Chúng ta hãy ký thác cho đức Trinh nữ Maria con đường lữ hành đức tin, đặc biệt là trong thời gian nghỉ ngơi này, ngõ hầu tấm lòng chúng ta đừng bao giờ bỏ qua Lời của Chúa và những anh em đang túng thiếu.

 

Bình Hòa

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page