Tình trạng Giáo hội tại Sudan

 

Tình trạng Giáo hội tại Sudan.

Sudan [National Catholic Register 7/7/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Thập niên 80, khi Ðức cha Macram Max Gassis được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận El Obeid, Sudan, ngài nhận thấy đây là một Giáo phận bị tàn phá bởi cuộc nội chiến và một chế độ áp bức tàn bạo.

Giáo phận El Obeid trải dài đến một nửa diện tích Sudan. Phần lớn giáo dân không hưởng được giáo dục và ngay cả nước uống trong lành.

Ba thập niên sau, Ðức cha Gassis có thêm một vị Giám mục phó là Ðức cha Michael Didi Adgum Mangoria, xuất thân từ Tổng giáo phận Khartoum, thủ đô Sudan.

Hiện nay Giáo phận Obeid được xem như một vùng đất "văn minh" giữa một đất nước đang phải chìm ngập trong một thứ Hồi giáo cực đoan.

Theo bà Nina Shea, giám đốc Trung Tâm Tự Do Tôn Giáo tại Washington, Ðức cha Gassis là một người có viễn kiến; ngài đã thành công trong việc xây dựng những hạ tầng cơ sở phục vụ không những cho các tín hữu Kitô nghèo và bị bách hại, mà còn cho cả những người thờ vật linh và người Hồi giáo tại miền Trung Sudan.

Bà Shea ca ngợi Ðức cha Gassis vì xây dựng được một nền văn minh Kitô giáo đối đầu với Hồi giáo cực đoan.

Mới đây, tổng thống Sudan, ông Bashir đã bị truy tố ra trước Tòa án quốc tế vì tội ác chiến tranh tại Darfur, miền Tây Sudan.

Năm 2005, một thỏa ước hòa bình toàn diện đã chấm dứt cuộc nội chiến, cải thiện những điều kiện sống trong Giáo phận Obeid là nơi chỉ có 1.6 phần trăm dân số theo Công giáo.

Việc chấm dứt tình trạng thù nghịch đã cho phép Ðức cha Gassis được tự do đi lại trong Giáo phận của ngài. Nhưng ngài cũng nhìn nhận rằng bạo động có thể trở lại, dù cho kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sắp tới có tốt đẹp đến đâu.

Nhân chuyến viếng thăm Hoa kỳ mới đây, Ðức cha Gassis đã dành cho báo "The National Catholic Register" một cuộc phỏng vấn, qua đó ngài cho biết: trụ sở của ngài vẫn tiếp tục đặt tại Nairobi, Kenya, là nơi ngài đang sống lưu vong. Ngài được mời trở lại Sudan, nhưng ngài nói rằng ngài chỉ quyết định sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm tới.

Vì tình trạng bất ổn chính trị liên tục tại Sudan cho nên Ðức cha Gassis luôn tỏ ra cẩn trọng. Ngài nói rằng tại Sudan bất cứ vị mục tử nào cũng có thể bị xem như một "kẻ thù chính trị".

Tại Sudan, chủng tộc là một yếu tố quan trọng làm phát sinh các cuộc vi phạm nhân quyền. Trong quá khứ, ngài đã từng lên án những luật "xem người ngoài Hồi giáo như công dân hạng hai".

Nhiều quan sát viên ngoại quốc nói rằng các cuộc bạo động có thể bùng nổ lại và người dân miền nam Sudan rất có thể không thể tham gia cuộc trưng cầu dân ý. Theo thỏa ước năm 2005, luật Hồi giáo chỉ có giá trị ở miền Bắc Sudan. Tại miền nam, là nơi có đông tín hữu Kitô, quốc hội sẽ quyết định về tương lai của luật này.

Nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2011 không cho phép miền Nam được độc lập, thì chính phủ do Mặt Trận quốc gia Hồi giáo lãnh đạo sẽ tuyên bố rằng họ được "quyền" tái lập chính sách đàn áp. Các quan sát viên ngoại quốc cũng lo ngại rằng nếu cuộc trưng cầu dân ý cho phép miền Nam được độc lập thì miền Bắc có thể can thiệp bằng quân sự để kiểm soát các giếng dầu của Miền Nam. Các chuyên gia cũng nêu vấn đề là liệu chính phủ địa phương ở Miền Nam có khả năng đáp ứng nhu cầu của dân chúng và chận đứng nạn tham nhũng không.

Nhưng dù tương lai có thế nào đi nữa, Ðức cha Gassis vẫn hoan nghênh việc bổ nhiệm một Giám mục phó cho Giáo phận của ngài.

Mặc dù đang chống chọi với bệnh ung thư, Ðức cha Gassis vẫn hăng say trong việc gây quĩ cho các chương trình phát triển trong Giáo phận của ngài.

Sinh ra và lớn lên tại Khartoum, thủ đô với đa số dân theo Hồi giáo, Ðức cha Gassis là một tín hữu Kitô Á rập. Sau Trung học, ngài nhập dòng các cha Comboni và được gởi đi du học tại Âu Châu và Hoa kỳ.

Ðầu thập niên 90, ngài và nhiều nhà lãnh đạo khác đã lên tiếng báo động rằng chính phủ Khartoum đang vũ trang cho các nhóm dân quân Á rập để càn quét các thôn làng ở miền Nam và bắt cóc các phụ nữ, trẻ em cũng như súc vật. Ðã có hàng trăm ngàn phụ nữ và trẻ em miền Nam Sudan bị biến thành nô lệ.

Vì đã lên tiếng tố cáo hành động dã man trên đây trước Ủy ban nhân quyền Liên hiệp quốc, Quốc hội Hoa kỳ và Liên Âu, cho nên Ðức cha Gassis đã bị chính phủ Khartoum ra lệnh bắt giữ. Ðây là lý do khiến ngài phải lên đường lưu vong sang Kenya. Kể từ đó, ngài đã không ngừng lên tiếng tố cáo cuộc đàn áp của chính phủ Sudan trước công luận thế giới.

Những nỗ lực của Ðức cha Gassis đã khiến chính phủ Hoa kỳ đặt Sudan vào ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao. Trong một phúc trình năm 2002, chính phủ Hoa kỳ tuyên bố rằng đã có 2 triệu người dân miền Nam Sudan bị chính phủ sát hại trong cuộc nội chiến. Chỉ nhờ áp lực của quốc tế mà cuối cùng Sudan đã phải ký tên vào thỏa ước hòa bình toàn diện năm 2005 và cuộc nội chiến mới chấm dứt.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page