Giáo dục giúp chiến thắng sự bất khoan nhượng

và khuynh hướng Hồi giáo cuồng tín

 

Giáo dục giúp chiến thắng sự bất khoan nhượng và khuynh hướng Hồi giáo cuồng tín.

Libang (Avvenire 22-6-2010; Asianews 17.21.23-6-2010) - Phỏng vấn ông Antoine Massara, chuyên viên xã hội chính trị người Libăng, về việc giáo dục như phương thế chiến thắng sự bất khoan nhượng và khuynh hướng Hồi giáo cuồng tín.

Trong các ngày 16-23 tháng 6 năm 2010 "Ủy ban khoa học quốc tế Oasis" đã tổ chức một đại hội về đề tài "Giáo dục giữa đức tin và văn hóa: đối thoại giữa các kinh nghiệm Kitô và Hồi giáo". Ðại hội diễn ra tại Beirut thủ đô Libăng, có 70 người tham dự kể cả một số vị lãnh đạo tôn giáo, các tu sĩ và giới trí thức Công giáo và hồi giáo thế giới. Trong số các tham dự viên cũng có Ðức Hồng Y Angelo Scola, Thượng Phụ Venezia, và Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn.

Tổ chức Oasis do Ðức Hồng Y Angelo Scola, Thượng Phụ Venezia, thành lập hồi năm 2004 nhằm mục đích thăng tiến sự hiểu biết giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo. Ðể đạt mục tiêu này Tổ chức Oasis cho phát hành một nguyệt san hai lần mỗi năm, một bản tin hàng tháng, một loạt sách và có một địa chỉ trên Mạng.

Ðại hội thay đổi nơi họp một năm tại Venezia bắc Italia, một năm tại nước ngoài. Việc lựa chọn Libăng làm nơi triệu tập đại hội lần thứ V này hầu như bắt buộc, vì Libăng là quốc gia Trung Ðông đã luôn luôn đề cao tầm quan trọng của việc giáo dục chia sẻ và đối thoại giữa các tín hữu kitô và hồi giáo. Libăng là quốc gia có tới 94% nam giới và 84% nữ giới được đi học, nên tầm hiểu biết và tâm thức của người dân cũng khác người dân các nước A rập khác.

Trong hai ngày đầu, Ủy ban khoa học quốc tế Oasis đã viếng thăm vài vùng tại Libăng. Ðức Hồng Y Nasrallah Sfeir, Thượng Phụ Maronít Libăng và ông Tareq Mitri, Bộ trưởng giáo dục Libăng, đã chào mừng đại hội.

Bộ trưởng Mitri đã cho mọi người biết chính phủ Libăng đã quyết định biến ngày 25 tháng 3 lễ Truyền Tin thành quốc lễ. Mục đích là để củng cố cuộc đối thoại giữa các tín hữu kitô và hồi giáo chung quanh lòng sùng kính Trinh Nữ Maria. Theo ông, đối thoại là "ngoại giao phòng ngừa" giúp bảo đảm hòa bình, nhưng nó cần có thời gian để trở thành mạnh mẽ và đáng tin cậy.

Phát biểu trong đại hội Ðức Hồng Y Angelo Scola nói: "Hôm nay tại Beirut này, chúng ta đã nghe các tín hữu kitô và hồi giáo nói về giáo dục như yếu tố định đoạt, ngắn hạn và dài hạn, giúp chống lại tệ nạn qúa khích. Chính nền giáo dục dậy cho chúng ta biết tương quan không thể tách rời giữa sự thật và sự tự do, là điều bị khuynh hướng qúa khích khước từ. Giáo dục là con đường chính của sự chung sống giữa các tín hữu kitô và hồi giáo, nếu nó giải thoát con người khỏi thuyết thực nghiệm tuyệt đối và khỏi thuyết qúa khích hình thức. Chủ thuyết thực nghiệm tuyệt đối giản lược giáo dục vào việc thông truyền các dữ kiện khoa học như chân trời duy nhất của cuộc sống con người; trong khi chủ thuyết qúa khích hình thức thông truyền cho con người các lược đồ hành xử và thứ chân lý loại bỏ sự tự do tiếp nhận, và vì thế nó thúc đẩy con người đi tới bạo lực và tàn phá xã hội".

Ðức Hồng Y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn, ghi nhận rằng trong các xã hội Tây âu người trẻ thường sống Kitô giáo như một khuynh hướng thần minh xa vắng, nhưng gần đây có các cộng đoàn mới làm nảy sinh ra một nền tu đức được động viên hơn và có tinh thần truyền giáo nhiều hơn. Trong khi trong thế giới hồi giáo người ta ngạc nhiên nhận thấy việc thực hành tôn giáo được biểu lộ ra trong mọi chiều kích cuộc sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng bầu khí thờ ơ với tôn giáo, đặc biệt tại Âu châu, có thể có hai hậu qủa đối với người trẻ hồi. Trong trường hợp thứ nhất khuynh hướng tục hóa lan tràn khẳng định một căn tính hiếu chiến; trong các trường hợp khác nó dẫn đưa tới chỗ không thực hành tôn giáo nào hết. Nhưng các giới chức kitô và hồi giáo có thể gây ý thức cho các nhà làm luật và các giáo chức để họ đề nghị các luật lệ hành xử chẳng hạn như: sự tôn trọng người kiếm tìm sự thật trước các bí ẩn của con người; ý thức phê bình cho phép phân biệt điều thật và điều giả; việc dậy dỗ một triết lý nhân bản có khả năng cống hiến các câu trả lời liên quan tới các vấn đề về con người, thế giới và Thiên Chúa; việc đánh giá cao và phổ biến các truyền thống văn hóa lớn rộng mở cho siêu việt, diễn tả khát vọng tự do và sự thật của chúng ta.

Các thuyết trình viên hồi shiít cũng như sunnít đã lên án khuynh hướng hồi cũng như kitô cuồng tín, thô bạo, nguy hại cho sự chung sống tại Libăng. Giáo sư Riwan al-Sayyed, thuộc đại học Beirut, theo hệ phái sunnít, đã trình bầy về "Việc đào tạo các ulema giữa sự tiếp nối và canh tân". Giáo sư không dấu diếm sự bi quan đối với tình hình hiện nay, vì việc đào tạo hiện nay được làm bên ngoài các cơ cấu như đền thờ hồi giáo, tức tại các nơi mới do các giảng thuyết viên điều hành. Vì thế khuynh hướng Hồi giáo khép kín thắng thế. Theo giáo sư, hai mô thức tích cực là mô thức Libăng và mô thức Âu châu đang gặp khó khăn: Libăng đã có kinh nghiệm chung sống rất mạnh mẽ, nhưng đã không biết đề ra các lý do nền tảng giúp củng cố kinh nghiệm này. Các vị lãnh đạo được đào tạo ở ngoại quốc giỏi lý thuyết, nhưng lại không có khả năng giải thích và trao ban cho sự đa nguyên một tương lai. Tại Âu châu thế hệ trẻ bị cám dỗ bởi khuynh hướng qúa kích. Ðiển hình như Thổ Nhĩ Kỳ, là quốc gia nơi đảng hồi giáo cầm quyền sống chúng với chính quyền đời, nhưng đã không thể rộng mở cho các viễn tượng mới.

Trong thế giới hồi giáo có hiện tượng qúa khích ngày càng gia tăng và xâm lấn cuộc sống cá nhân, không phải chỉ trong trường học nhưng cả trên các phương tiện truyền thông và các chương trình xã hội nữa. Nhưng nó không có khả năng đối thoại với các căn tính khác, cũng như với thế giới hồi giáo, và chỉ thích áp đặt các luật lệ cho cuộc sống tư, chẳng hạn như: nữ giới phải ăn mặc như thế nào, phải cầu nguyện ra sao vv... hay chỉ trích các chính quyền nước ngoài, trong khi lại im lặng không dám phê bình các chế độ độc tài mà họ đang phải chịu.

Sheik Hani Fahs, thành viên Cao ủy Shiít Libăng, đã nhấn mạnh kinh nghiệm của lòng tin tách rời khỏi Nhà nước tôn giáo và đường lối chính trị tôn giáo; trong khi nó tìm ra một cuộc sống khác và sự che chở của Nhà nước đời và trong đường lối chính trị của quốc gia. Theo ông, cần phải thành lập các cơ cấu giáo dục đi sát với cuộc sống thường ngày, và mở rộng tâm trí cho các tư tưởng và giá trị, cho ký ức và mộng ước được chia sẻ, tạo điều kiện cho việc tôn trọng các khác biệt của tha nhân.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Antoine Massara, chuyên viên xã hội chính trị người Libăng, về việc giáo dục như phương thế chiến thắng sự bất khoan nhượng và qúa khích.

Hỏi: Thưa giáo sư, tại Libăng là một quốc gia đa văn hóa và đa tôn giáo, người ta đã điều hợp sự đa nguyên trong nền giáo dục như thế nào?

Ðáp: Khoản 10 của Hiến pháp Libăng bảo đảm việc tự do giáo dục, và thừa nhận quyền của các cộng đoàn tôn giáo có các trường học. Hệ thống này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăng tiến nền giáo dục tại Libăng, trái với các thói quen quốc hữu hóa giáo dục như tại nhiều quốc gia A rập khác. Sự phát triển tự phát của hệ thống giáo dục này đã tạo ra việc hội nhập không cưỡng bách, và làm nảy sinh một nền văn hóa đặc biệt của Libăng, đồng thời nó cũng có sắc thái a rập, tự do và đa nguyên.

Hỏi: Một vài thuyết trình viên đã nói tới Libăng như là một quốc gia giữ thế thủ, thu mình trong pháo đài, và có nền văn hóa bị phân hóa tan tành, giáo sư nghĩ sao?

Ðáp: Nơi đâu có một sự tan tành văn hóa nào đó, thì nó không phải là hậu qủa của hệ thống giáo dục, nhưng là hậu qủa của sự kiện nó không được lương tâm tập thể hợp thức hóa. Ðể thống nhất nền giáo dục cần phải thừa nhận nó. Thực ra vấn đề các căn tính văn hóa trong hệ thống giáo dục tại Libăng, nhất là đối với các cộng đoàn kitô, cũng có nỗi âu lo đối với sự sống còn của mình trước các gia tăng lương bổng và sự phát triển của trường công.

Hỏi: Có thể biện minh cho các sợ hãi này hay không thưa giáo sư?

Ðáp: Có thể biện minh được một phần nào đó. Việc giáo dục chung trước kia do các cộng đoàn đặc trách, được trợ giúp bởi các dòng tu và nhận được tài trợ từ nước ngoài, và từ các điều kiện kinh tế ít ỏi của các trường học và các gia đình. Vấn đề sống còn được đặt ra vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh, nhưng có thể đưa ra một vài thích ứng. Thật ra chính quyền Libăng đã không bao giờ là chính quyền độc tài. Ngoài ra các trường cộng đoàn luôn luôn có lợi vì có sự cạnh tranh. Nhưng ngoài một quyền bính trung ương có thể bảo đảm cho sự trung thực, một sự độc lập văn hóa bị cô lập hóa không làm nảy sinh ra cái gì khác hơn, nếu không phải là tính cách bình dân và vài kiểu diễn tả nghệ thuật.

Hỏi: Thế thì theo giáo sư, đâu là các yếu tố tạo thành một nền văn hóa của sự chung sống trong một xã hội có nhiều nhóm dân sống chung như vậy?

Ðáp: Trước hết là không gian công cộng. Tra tấn kiểu giáo dục đóng kín để cho nó thay đổi thái độ đối với người bên cạnh, không có lợi gì hết. Vì nếu qúy vị đụng chạm tới thái độ văn hóa của nó, nó sẽ nổi loạn. Thế rồi còn có ký ức tập thể, nền văn hóa được chấp nhận, việc chính trị hóa các đụng chạm xung khắc, nền văn hóa cẩn trọng trong các tương quan đối ngoại, và một niềm tin tôn giáo rộng mở nữa. Ðiều nghiêm trọng nhất sẽ là một việc giáo dục tôn giáo không tập trung nơi niềm tin đại đồng và rộng mở, nhưng như là hiện tượng căn tính, với hậu qủa là khiến cho người ta dưỡng nuôi tinh thần phe nhóm và chính trị hóa tôn giáo. Ngày nay việc giáo dục tôn giáo phải coi chừng, đừng để cho tôn giáo bị lèo lái.

(Avvenire 22-6-2010; Asianews 17.21.23-6-2010)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page