Kitô hữu bị bách hại vì

trung thành với Chúa Kitô

Giáo Hội và Giáo Hoàng

 

Kitô hữu bị bách hại vì trung thành với Chúa Kitô, Giáo Hội và Giáo Hoàng.

Roma (Vat. 7/07/2010) - Trong lịch sử Giáo Hội tín hữu đã gặp các thù nghịch và chịu bách hại vì lòng trung thành và lòng tôn sùng đối với Chúa Kitô, với Giáo Hội và Ðức Giáo Hoàng.

Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 8,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư mùng 7 tháng 7 năm 2010 trong đại thính đường Phaolô VI. Ðây cũng là buổi tiếp kiến chung cuối cùng, vì ban chiều Ðức Thánh Cha sẽ đi nghỉ hè tại Castel Gandolfo, cách Roma 30 cây số.

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã giới thiệu một gương mặt thần học gia quan trọng khác nữa trong lịch sử thần học: đó là Chân phước Giovanni Duns Scoto, sống vào thế kỷ XIII. Có một câu khắc trên mộ người tóm tắt được các nét địa lý trong tiểu sử của người: "Anh quốc tiếp nhận người, nước Pháp giáo dục người; thành phố Koeln bên Ðức giữ gìn thi hài người; người sinh bên Ecốt". Ðức Thánh Cha bổ túc tiểu sử của thánh nhân như sau.

Chắc hẳn người sinh năm 1266 trong một làng quê có tên là Duns, gần Edinburgh. Ðược lôi cuốn bởi đặc sủng của thánh Phanxicô thành Assisi, người gia nhập gia đình Anh em hèn mọn Phanxicô, và năm 1291 được thụ phong linh mục.

Là người có trí thông minh sáng ngời thích suy tư khiến cho truyền thống gọi người là vị "Tiến sĩ tinh tế", Duns Scoto được gửi đi học triết lý và thần học tại các đại học nổi tiếng như Oxford và Paris. Sau khi kết thúc thành công việc đào tạo, người bắt đầu dậy thần học tại đại học Oxford và Cambridge, rồi tại đại học Paris, và bắt đầu chú giải các tác phẩm của Pietro Lombardo. Các tác phẩm chính của Duns Scoto là kết qủa các bài giảng dậy được thu thập và mang tên những nơi người dậy học: Tác phẩm Oxford (Opus Oxoniense), Tường trình Cambridge (Reportatio Cambrigensis), Tường trình Paris (Reportata Parisiensia). Khi xảy ra xung khắc giữa vua Philiphe IV và Ðức Giáo Hoàng Bonifacio VIII, Duns Scoto tự ý rời xa Paris để khỏi phải ký vào tài liệu chống lại Ðức Giáo Hoàng, do nhà vua ép buộc các tu sĩ. Thế là vì yêu thương Tòa Thánh Phêrô thánh nhân rời bỏ nước Pháp cùng với các tu sĩ Phanxicô khác. Sự kiện này cho thấy trong lịch sử Giáo Hội tín hữu đã gặp các thù nghịch và chịu bách hại vì lòng trung thành và lòng tôn sùng đối với Chúa Kitô, với Giáo Hội và Ðức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, các tương quan giữa vua nước Pháp và Ðức Bonifacio VIII lại thân thiện trở lại, nên năm 1305 Duns Scoto có thể trở lại Paris để dậy thần học. Sau đó các bề trên gửi người sang Koeln như giáo sư thần học của dòng, nhưng cha qua đời ngày mùng 8 tháng 11 năm 1308, khi mới 43 tuổi, và đã để lại một số tác phẩm quan trọng.

Ngày 20 tháng 3 năm 1993 Ðức Gioan Phaolô II đã phong Chân phước cho cha và định nghĩa cha là "ca viên của Ngôi Lời nhập thể và người bảo vệ Sự thụ thai vô nhiễm". Ðịnh nghĩa này tóm tắt phần đóng góp của chân phước cho lịch sử thần học.

Khác với nhiều tư tưởng gia kitô thời đó, Duns Scoto cho rằng cả khi loài người không phạm tội, Con Thiên Chúa cũng sẽ nhập thể làm người. Tư tưởng hơi gây ngạc nhiên này nảy sinh, bởi vì đối với Duns Scoto, việc nhập thể của Con Thiên Chúa đã được Thiên Chúa Cha dự định từ đời đời trong chương trình tình yêu, và là việc thành toàn công trình tạo dựng. Nó khiến cho mọi thụ tạo được tràn đầy ơn thánh và chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa muôn đời trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô. Ðức Thánh Cha minh giải tư tưởng thần học của thánh nhân như sau.

Thật ra tuy ý thức rằng vì tội nguyên tổ mà Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta với cuộc Khổ Nạn, cái Chết và sự Sống Lại, Duns Scoto nhấn mạnh rằng việc Nhập Thể là công trình lớn lao nhất và xinh đẹp nhất trong lịch sử cứu độ, và nó không bị điều kiện hóa bởi bất cứ sự kiện ngẫu nhiên nào khác, mà là tư tưởng độc đáo của Thiên Chúa kết hiệp toàn thụ tạo với chính mình trong con người và thịt xác Con của Ngài.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: như là môn đệ trung thành của thánh Phanxicô, Duns Scoto yêu thích suy gẫm và giảng giải về Mầu Nhiệm Khổ Nạn cứu rỗi của Chúa Kitô, diễn tả tình yêu mênh mông của Thiên Chúa, là Ðấng quảng đại thông truyền cho con người các tia sáng Lòng Lành và Tình Yêu của Ngài. Tình yêu này không chỉ được vén mở trên núi Sọ, mà cả trong Thánh Thể Chí Thánh nữa, mà thánh Duns Scoto rất tôn sùng. Quan niệm thần học tập trung mạnh mẽ nơi Chúa Kitô rộng mở chúng ta cho sự chiêm niệm, kinh ngạc và biết ơn: Chúa Kitô là trung tâm lịch sử và vũ hoàn, là Ðấng trao ban ý nghĩa, phẩm giá và giá trị cho cuộc sống chúng ta...

Vào thời chân phước Duns Scoto đa số các thần học gia chống lại giáo lý Ðức Maria vô nhiễm nguyên tội, vì nó khiến cho người ta nghĩ rằng Ðức Maria không cần ơn cứu rỗi. Ðể giúp mọi người hiểu Duns Scoto khai triển điểm thần học "sự cứu rỗi phòng ngừa", sẽ được Ðức Giáo Hoàng Pio IX lấy lại năm 1854, khi long trọng định nghĩa tín điều Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Ðức Maria là tuyệt tác công trình cứu chuộc do Chúa Kitô thành toàn, chính bởi quyền năng tình yêu thương và sự trung gian của Chúa mà Ðức Mẹ đã được giữ gìn khỏi tội tổ tông. Như thế Ðức Maria hoàn toàn được Chúa Kitô cứu chuộc, nhưng ngay từ trước khi Mẹ được thụ thai. Ðức Thánh Cha nhận xét về điểm này như sau.

Liên quan tới giáo lý về việc Vô nhiễm nguyên tội, các thần học gia có giá trị như Duns Scoto đã đóng góp tư tưởng đặc thù và làm giầu cho điều, mà Dân Chúa đã tin một cách tự phát nơi Ðức Trinh Nữ Có Phúc, và đã biểu lộ ra trong các cử chỉ sùng mộ, trong các kiểu diễn tả nghệ thuật, và nói chung trong cuộc sống kitô. Như thế đức tin nơi sự Vô nhiễm nguyên tội và Hồn xác lên trời của Ðức Trinh Nữ đã hiện diện trong Dân Chúa, trong khi thần học chưa tìm ra chìa khóa để giải thích nó trong sự toàn vẹn của giáo lý đức tin. Như vậy, Dân Chúa đi trước các thần học gia và tất cả đều nhờ ý thức siêu nhiên của đức tin, tức khả năng do Chúa Thánh Thần ban cho, khiến cho tín hữu chấp nhận thực tại đức tin với lòng khiêm tốn của con tim và trí tuệ. Trong nghĩa này, Dân Chúa là "huấn quyền đi trước" và phải được thần học đào sâu và tiếp nhận một cách trí thức. Ước chi các thần học gia thuộc mọi thời đại biết lắng nghe từ suối nguồn đức tin đó và duy trì được sự khiêm tốn và đơn sơ của con trẻ!

Sau cùng Duns Scoto còn khai triển đề tài tương quan giữa sự tự do ý chí và trí tuệ. Thánh nhân nêu bật sự tự do như phẩm giá nền tảng của ý chí. Trong nền thần học phan sinh, tình yêu thương vượt trên sự hiểu biết và luôn có khả năng nhận thức hơn tư tưởng, nhưng luôn luôn là tình yêu của Thiên Chúa "logos lời". Trong mọi thời đại sự tự do đã là giấc mộng lớn của nhân loại ngay từ đầu, nhưng đặc biệt là trong thời đại tân tiến ngày nay. Lịch sử và kinh nghiệm thường ngày đậy cho chúng ta biết rằng sự tự do đích thật chỉ giúp xây dựng một nền văn minh nhân bản thực sự, khi nó được thừa nhận cùng với chân lý. Nếu nó bị tách rời khỏi sự thật, thì sự tự do trở thành nguyên lý của tàn phá thê thảm, phá hủy sự hài hòa nội tâm của con người, nguồn gốc sự khiếm nhiệm của các kẻ mạnh hơn và của các người thô bạo, gây ra khổ đau và buồn thương cho con người.

Chân phước Duns Scoto dậy cho chúng ta biết rằng trong cuộc sống điều chính yếu là tin rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta và yêu thương chúng ta trong Chúa Kitô Giêsu, và như thế vun trồng một tình yêu sâu xa đối với Chúa và với Giáo Hội của Ngài. Và chúng ta là chứng nhân của tình yêu ấy trên trái đất này.

Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chào người trẻ Ðức Thánh Cha nói ngày mùng 6 tháng 7 là lễ kính thánh Maria Goretti tử đạo. Tuy là một thiếu nữ rất trẻ, nhưng người đã biết chứng tỏ sức mạnh và lòng can đảm chống lại sự dữ. Ðức Thánh Cha cầu nguyện để thánh nữ trợ giúp các bạn trẻ luôn biết lựa chọn sự thiện, cả khi có phải trả giá mắc mỏ đi nữa. Ngài xin thánh nữ nâng đỡ các anh chị em đau yếu trong các khổ đau thường ngày của họ, và cầu bầu cho các cặp vợ chồng mới cưới luôn chung thủy và tôn trong nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành tòa thánh Ðức Thánh Cha ban cho mọi người.

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page