Nhận định của Ðức cha

phó chủ tịch Hội đồng Việt nam

về việc cử hành Năm Thánh tại Việt nam

 

Nhận định của Ðức cha phó chủ tịch Hội đồng Việt nam về việc cử hành Năm Thánh tại Việt nam.

Việt Nam [Zenit 6/7/2010, Eglises d' Asie] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Mới đây, Ðức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam, đã dành cho hãng thông tấn "Eglises d' Asie" [các Giáo hội Á Châu] của Hội Thừa Sai Paris một cuộc phỏng vấn, qua đó ngài nhìn lại tác động của Năm Thánh đối với đời sống các tín hữu Công giáo tại Việt nam, cách riêng trong Giáo phận Thanh Hóa của ngài.

Ðức giám mục Thanh hóa cho biết: trong 6 hạt của giáo phận đều có những cuộc cử hành chung. Ngoài ra, giáo dân của giáo phận cũng được mời gọi đến những trung tâm của các giáo phận khác. Như vậy, theo Ðức cha Linh, Năm Thánh là thời gian để các tín hữu Thanh hóa sống mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo hội một cách cụ thể.

Theo chương trình, cao điểm của Năm Thánh sẽ là Ðại hội Dân Chúa diễn ra tại Sài gòn vào ngày 24 tháng 11 năm 2010. Ðức giám mục Thanh Hóa nói rằng cùng tham dự đại hội với ngài sẽ có linh mục tổng đại diện và hai đại diện giáo dân. Vai trò của hai đại diện giáo dân này là thu thập tiếng nói của giáo dân trong giáo phận và trình bày tại Ðại hội. Theo Ðức cha Linh, giáo dân trong giáo phận ngài đang chờ đợi sứ điệp mà Ðại hội sẽ gởi đến cho họ.

Ðược hỏi về việc Ðức cha Ngô Quang Kiệt từ chức Tổng giám mục Hà nội, Ðức cha Linh trả lời như sau: "Nhiều người đã đặt câu hỏi: "Tại sao Ðức Cha Kiệt ra đi?" Ðây có phải là ý riêng của Ðức tổng giám mục không? Ngài có chịu sức ép nào của Tòa thánh, của Hội đồng Giám mục hay của nhà nước Việt nam không?

Nhiều người nghĩ rằng việc ra đi của Ðức cha Kiệt là một biến cố phải làm cho Giáo hội tại Việt nam đau buồn. Ðức Cha Kiệt là niềm hy vọng, là biểu tượng của can đảm đối lại với chế độ cộng sản. Theo tôi, trong những ý kiến phản ánh các khuynh hướng khác nhau này, có phần đúng mà cũng có sai lầm. Tôi không phải là phát ngôn viên của Ðức cha Kiệt, cũng không phải là đại diện của Hội đồng Giám mục. Tôi chỉ nói với tư cách cá nhân và dựa trên những gì tôi nghe nói từ chính miệng Ðức cha Kiệt. Ngài nói với tôi rằng lúc còn ở Lạng Sơn, cách đây vài năm, ngài bị chứng mất ngủ và không thể chữa trị được. Sau khi đến Hà nội, chứng mất ngủ vẫn tiếp tục. Lúc đó, ngài mới nhận thấy rằng sức khỏe của ngài không những không tốt hơn mà còn suy sụp. Ngài mới làm đơn xin từ chức. Ðây là lá đơn mà ngài đã viết ra theo lương tâm của ngài."

Theo Ðức giám mục Thanh Hóa, Ðức cha Kiệt nói rằng nếu ngài tiếp tục làm việc thì sẽ gây bất tiện hơn là mang lại lợi ích cho Giáo phận. Do đó, ngài kết luận rằng vì lợi ích của giáo phận, ngài nên ra đi.

Ðức cha Linh nói rằng những ý nghĩ này đến với Ðức cha Kiệt vào chính lúc xảy ra những cuộc xung đột về Tòa khâm sứ cũ và Giáo xứ Thái Hà. Chính vì sự trùng hợp này mà dân chúng đã liên kết các cuộc xung đột về đất đai với quyết định từ chức của Ðức cha Kiệt.

Nhưng Ðức cha phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam giải thích: "Theo những gì Ðức cha Kiệt nói với tôi, ngài không bao giờ bỏ cuộc trước bất cứ áp lực nào, dù đến từ đâu. Sở dĩ ngài xin từ chức là vì nghĩ rằng sức khỏe không cho phép ngài tiếp tục thi hành tác vụ một cách bình thường. Và ngài đã nộp đơn và nài nỉ cho đến khi Tòa thánh chấp thuận đơn xin từ chức của ngài. Lúc đầu ngài liên lạc với bộ truyền giáo, với Ðức hồng y Ivan Dias. Không được bộ này trả lời, ngài đã trực tiếp đệ đơn lên Ðức thánh cha Benedicto XVI và ngày 13 tháng 5 năm 2010, Ðức thánh cha đã chấp thuận đơn của ngài trong một thông cáo".

Trong ngày nhậm chức của Ðức cha Nguyễn văn Nhơn, tân Tổng giám mục phó Hà nội, Ðức cha Linh có nói rằng ngài vui mừng vì các Ðức giám mục đã có thể nghe được tiếng nói của dân Chúa.

Ðược hỏi: liệu ngài có tiếp tục nghĩ như thế không, Ðức cha phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam trả lời rằng ngài vẫn duy trì suy nghĩ ấy vì hai lý do. Trước hết, "chúng ta đã bước vào thời đại mới, trong đó truyền thông và Internet đóng một vai trò ngày càng quan trọng. Tiếng nói của giáo dân và các lời tuyên bố của họ có thể được nghe thấy trong những điều kiện thuận lợi nhứt đối với các vị lãnh đạo Giáo hội cũng như công luận. Hiện tượng này buộc các nhà lãnh đạo của bất cứ tổ chức nào, xã hội cũng như Giáo hội, phải lắng nghe và lắng nghe một cách chăm chú hơn.

Lý do thứ hai là trình độ văn hóa của giáo dân ngày nay cao hơn. Nhờ các phương tiện truyền thông, họ có thể theo dõi thời sự, biết nhiều tin tức về Giáo hội. Cũng thế, họ cũng có thể bày tỏ ý kiến một cách dễ dàng hơn.

Trước những đồn đãi có chia rẽ trong hàng ngũ giáo sĩ cũng như giáo dân tại Việt nam, nhứt là sau vụ từ chức của Ðức cha Kiệt, Ðức cha Linh trả lời rằng cần phải hiểu thế nào là "chia rẽ". Theo ngài, nếu hiểu chia rẽ là một sự bày tỏ lập trường của phe này chống lại phe nọ trong nội bộ Giáo hội, thì đây không phải là điều đang xảy ra tại Việt nam.

Ðức giám mục Thanh Hóa nói rằng "bên ngoài Giáo hội, có những người không yêu mến Giáo hội; họ muốn chia rẽ Giáo hội và phá vỡ sự hiệp nhứt Giáo hội. Nhưng đây không phải là trường hợp Việt nam. Trong suốt dòng lịch sử, luôn có những kẻ thù của Giáo hội muốn thấy Giáo hội bị chia rẽ. Ðây là một hiện tượng thường xảy ra trong lịch sử Giáo hội.

Thật ra, theo Ðức cha Linh, điều đang xảy ra hiện nay tại Việt nam chính là sự thay đổi trong cách phát biểu: đây là một sự thay đổi của thời đại chúng ta. Ai cũng muốn khẳng định sự khác biệt của mình, ai cũng muốn bày tỏ tư tưởng của mình mà không sợ hãi.

Ngài khẳng định: "Trong Giáo hội Việt nam, có lẽ ai cũng muốn nói lên những khác biệt của mình, nhưng không có ai nói đến chia rẽ hay tách biệt cả."

Nhận định về mối quan hệ giữa chính quyền cộng sản và hàng giáo phẩm, giáo sĩ cũng như giáo dân, Ðức cha phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt nam nói rằng vì những lý do ý thức hệ và hoàn cảnh lịch sử, trong giai đoạn đầu, đã có những hiểu lầm giữa người Công giáo và người cộng sản. Nhưng dần dần đã có sự hiểu biết và cảm thông giữa hai bên. Một số người cộng sản đã viếng thăm Vatican và Thánh Ðịa; họ tiếp xúc với cộng đồng thế giới trong đó có đông đảo tín hữu Kitô. Họ có một phán đoán khách quan hơn về Kitô giáo nói chung và người Công giáo nói riêng.

Theo ngài, giữa người Việt nam với nhau, vẫn còn nhiều khác biệt về ý thức hệ và chính kiến. Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể hiểu nhau. Ai cũng muốn được sống trong hòa hợp, đoàn kết, liên đới bằng cách loại bỏ những cội rễ của chia rẽ và bất hòa.

Ðức cha Linh nói rằng sự sống chung hòa bình là một giá trị của Tin Mừng.

Kết luận, ngài kêu gọi: "Tôi chỉ có thể kêu gọi tất cả mọi người thiện chí hãy xây dựng cách sống chung trong hòa bình này, vốn phù hợp với tinh thần Tin Mừng".

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page