Azerbaijan: mẫu mực về sống chung hòa bình
cho các nước Hồi giáo hiện đại
Azerbaijan: mẫu mực về sống chung hòa bình cho các nước Hồi giáo hiện đại.
Baku, Azerbaijan [Asianews 2/7/2010] - Một đại diện của Tòa thánh nói rằng Azerbaijan là mẫu mực cho các nước Hồi giáo về sống chung hòa bình.
Ðức cha Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa đã cầm đầu một phái đoàn Tòa thánh viếng thăm Cộng hòa Azerbaijan từ ngày 14 đến 18 tháng 6 năm 2010. Phái đoàn Tòa thánh viếng thăm nước này là do lời mời của ông Abulfas Garayev, bộ trưởng du lịch Azerbaijan.
Sau chuyến viếng thăm, cha Theodore Mascarenhas, giám đốc phân bộ Á Châu, Ðại dương Châu và Phi Châu của Hội đồng Tòa thánh về văn hóa đã dành cho hãng thông tấn Asianews một cuộc phỏng vấn qua đó ngài nói rằng Azerbaijan là một mẫu mực cho sự sống chung hòa bình của các nước hồi giáo tân tiến.
Về tình hình Giáo hội Công giáo tại cựu cộng hòa Liên xô này, cha Mascarenhas cho biết hiện nay tại Baku, số người Công giáo chỉ có khoảng 450 người.
Theo vị linh mục này, lịch sử của những cuộc bách hại đã liên kết các tín hữu kito và người Hồi giáo. Cha cho biết: nhà thờ Ðức Mẹ vô nhiễm nguyên tội tại Baku đã bị chính phủ cộng sản Liên Xô ra lệnh phá hủy hồi năm 1931. Một nhà thờ mới đã được xây cất trên một mãnh đất được chính phủ Azerbaijan tặng và được tổng thống Ilham Aliyev và Ðức hồng y Tarcisio Bertone khánh thành hồi năm 2007.
Một vị đại diện của văn phòng Hồi giáo tại vùng Caucase đã hướng dẫn phái đoàn Tòa thánh đến Ðền Thờ Hồi giáo mới mà người Hồi giáo tin là có chứa đựng mộ của hậu duệ của tiên tri Mahomet. Ðền thờ cũ đã bị tiêu hủy dưới thời Liên Xô.
Hiện nay chính phủ Azerbaijan và Tòa Thánh đang thương thuyết với nhau để giải quyết một số vấn đề xuất phát từ luật về tự do tôn giáo được chính phủ nước này ban hành hồi năm 2009. Luật này đòi hỏi các cộng đồng Công giáo phải tái đăng ký. Ðây là một đòi hỏi đi ngược lại với Giáo luật Công giáo. Tuy nhiên, cha Mascarenhas nói rằng Giáo hội Công giáo vẫn được chính phủ nâng đỡ. Chính phủ nước này không những dung chấp mà còn trợ giúp cho khoảng 70 nhóm sắc tộc thiểu số trong nước.
Cha Mascarenhas nói rằng mặc dù là một thiểu số rất nhỏ, nhưng Giáo hội Công giáo vẫn đóng góp nhiều cho xứ sở. Sự hiện diện của một cộng đồng các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Teresa Calcutta cho thấy sự cởi mở của chính phủ đối với sự hiện diện của các tín hữu Kitô cũng như tác động của tình yêu Kitô giáo đối với xã hội Hồi giáo.
Hiện ở Baku có 5 nữ tu thừa sai bác ái đang điều khiển một trung tâm săn sóc người nghèo, hầu hết là người Hồi giáo.
Theo nhận định của cha Mascarenhas, Azerbaijan là một chiếc cầu nối giữa Ðông và Tây, đồng thời cũng là mẫu mực để các quốc gia Hồi giáo noi theo nếu thực sự muốn hiện đại hóa.
CV.