Ðức thánh cha cầu mong
sớm có một chính phủ mới tại Iraq
Ðức thánh cha cầu mong sớm có một chính phủ mới tại Iraq.
Vatican [AFP 2/7/2010] - Ðức thánh cha Benedicto XVI cầu mong sớm có một chính phủ mới tại Iraq để quốc gia này được ổn định.
Hôm thứ Sáu mùng 2 tháng 7 năm 2010, trong buổi tiếp kiến dành cho ông Habbeb Mohammed Hadi Ali Al Sadr, tân đại sứ Iraq bên cạnh Tòa thánh đến trình ủy nhiệm thư, Ðức thánh cha cầu mong cho một chính phủ mới tại nước này chóng được thành lập hầu bảo đảm sự ổn định và thống nhứt tại đây.
Trong bài diễn văn chào mừng ông tân đại sứ, Ðức thánh cha nhấn mạnh rằng nhân dân Iraq đã chứng tỏ "một lòng can đảm và cương quyết cao độ" khi tham gia đông đảo vào cuộc bầu cử dạo tháng 3 năm 2010, mặc dầu gặp nhiều đe dọa.
Theo Ðức thánh cha, đây là một dấu hiệu cho thấy người dân muốn thấy chấm dứt các cuộc bạo động và chọn lựa con đường dân chủ, nhờ đó có thể sống hài hòa với nhau trong một xã hội công bằng, đa nguyên và cởi mở.
Cuộc bầu cử đã diễn ra gần 4 tháng nay, nhưng hiện chưa có một đảng nào có thể thành lập chính phủ mới; dân chúng vẫn luôn mong có một tân thủ tướng.
Hôm thứ Ba 29 tháng 6 năm 2010, hai ứng viên chính cho chức vụ này là thủ tướng sắp mãn nhiệm, ông Nouri Al Maliki và ông Lyad Allawi, đã gặp nhau một lần nữa để tìm ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Trong buổi tiếp kiến dành cho tân đại sứ Iraq, Ðức thánh cha cũng khẳng định rằng chính phủ mới cần phải "ưu tiên tìm kiếm những biện pháp nhằm gia tăng an ninh cho mọi giai tầng xã hội, nhứt là các nhóm thiểu số."
Ngài đặc biệt quan tâm đến số phận của các tín hữu Kitô tại đây. Ngài kêu gọi các tín hữu kito hãy ở lại quê hương và tạo điều kiện cho những ai bị buộc phải bỏ nước ra đi có thể trở về quê hương.
Nhắc đến những vụ bạo động, Ðức thánh cha khẳng định rằng đây là những hành vi đi ngược lại với giáo huấn của Hồi giáo cũng như Kitô giáo, xúc phạm đến cả các tín hữu Kitô lẫn người Hồi giáo. Theo Ðức thánh cha, niềm đau chung này có thể là cơ hội để thắt chặt mối giây liên kết sâu xa giữa hai bên, củng cố quyết tâm của người hồi giáo cũng như các tín hữu kito để xây dựng một thế giới hòa bình và hòa giải.
CV.