Giải Túc Cầu vì Hòa Bình tại Nam Phi

 

Giải Túc Cầu vì Hòa Bình tại Nam Phi.

Nam Phi [CNS 1/7/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Cơn sốt World Cup đã lên đến cao điểm với các trận tứ kết, bán kết và chung kết kể từ hôm nay thứ Bảy 3 cho đến 11 tháng 7 năm 2010.

Song song với World Cup này, Giáo hội Công giáo tại Nam Phi cũng tổ chức một Giải Túc cầu rất đặc biệt gọi là "Peace Cup", tức Giải Túc cầu vì Hòa bình.

Các cuộc thi đấu trong Giải Túc Cầu vì Hòa bình này đều đặn diễn ra vào mỗi thứ Bảy trên một sân cỏ lày lội tại Atteridgeville, một khu ngoại ô của Pretoria với khoảng 200 ngàn cư dân.

Do Caritas Quốc Tế tổ chức theo sáng kiến của của Sáng hội "Damietta vì Hòa bình" cho lục địa Phi Châu của Dòng Phanxico và với sự bảo trợ của Hội đồng Giám mục Nam Phi, Giải Túc Cầu vì Hòa bình qui tụ tất cả 26 đội banh.

Theo một thông cáo của Hội đồng Giám mục Nam Phi hôm 26 tháng 6 năm 2010, các đội banh tham dự Giải Túc Cầu Vì Hòa Bình này qui tụ các cầu thủ địa phương, các "ủng hộ viên" túc cầu đến từ khắp nơi trên thế giới và những người tỵ nạn đến từ 16 nước hiện đang sinh sống tại Nam Phi.

Trận chung kết của Giải Túc Cầu vì hòa bình này sẽ diễn ra vào ngày 3 tháng 7 năm 2010. Ðại biểu chính thức từ Ái Nhĩ Lan, Pháp và Argentina sẽ tham dự trận chung kết. Ông Pablo Benavides Orgaz , đại sứ Tây Ban Nha tại Nam Phi đã theo dõi các trận bán kết hôm 26 tháng 6 năm 2010.

Trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại dành cho hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS hôm 29 tháng 6 năm 2010, điều hợp viên của Giải Túc Cầu vì Hòa bình này là ông Martin Munde nói rằng rất đông dân cư tại Atteridgeville đã đến xem các trận thi đấu. Vì phần lớn khu ngoại ô này không có điện, cho nên dân chúng không có điều kiện để theo dõi World Cup trên màn ảnh truyền hình.

Ông Munde cũng cho biết: trong một trận thi đấu của Giải Túc Cầu vì Hòa bình, có một đội tuyển gồm hầu hết là người Cộng hòa dân chủ Congo và một đội gồm toàn người Tanzania. Ông Munde nói rằng khi xem trận đấu, dân chúng cũng cảm nhận được tinh thần của World Cup.

Theo ông, một trong những điểm tích cực của Giải Túc Cầu vì hòa bình là giúp cho người địa phương hòa nhập với người tỵ nạn trong cùng một đội tuyển, cảm nghiệm được tình thân hữu và tôn trọng nhau.

Cha Kees Thonissen, giám đốc của Sáng hội Damietta vì Hòa bình nói rằng mục đích của Giải Túc Cầu vì hòa bình là thiết lập tình thân hữu hơn là cổ võ niềm tự hào dân tộc. Theo vị linh mục này, "hòa bình được xây dựng trên những giá trị nội tâm như tôn trọng lẫn nhau và nhìn nhận sự khác biệt của nhau".

Ngài gọi Giải Túc Cầu vì hòa bình này là "một cố gắng khiêm tốn để mang lại sự thay đổi nhờ cảm nghiệm được người khác như một cá nhân độc nhứt vô nhị với những đức tính và kỹ năng riêng biệt".

Một tuyên ngôn của các Ðức giám mục Nam Phi viết rằng "Giải Túc Cầu vì hòa bình cố gắng làm nổi bật những mối quan tâm chính của cộng đồng Công giáo tại Nam Phi" như cần có những nơi định cư chính thức cho người tỵ nạn và di dân, tạo điều kiện cho họ được hưởng các tiện nghi vật chất, cần có những nhân viên tích cực xảy dựng hòa bình.

Mặc dù hầu hết các cầu thủ tham dự Giải Túc Cầu vì hòa bình đều trong độ tuổi từ 18 đến 35, ông Munde nói rằng các trận đấu cũng tạo được nhiều phấn khởi của trẻ em đối với bóng đá. Hằng tuần, các cuộc chơi đã được tổ chức tại các giáo xứ trong Tổng giáo phận Pretoria để giúp cho trẻ em chơi chung với nhau trong suốt thời gian trường học phải đóng cửa vì World Cup.

Ông Munde cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình này sau World Cup. Theo ông, bao lâu còn chơi chung với nhau thì giới trẻ sẽ có cơ hội gặp nhau để thảo luận về các mối quan tâm của mình. Giáo hội cũng luôn chuẩn bị người để sẵn sàng giúp đỡ khi giới trẻ cần được hướng dẫn.

Cha Thonissen xem Giải Túc Cầu vì Hòa bình như một cơ hội để đẩy mạnh sự cảm thông giữa các nền văn hóa và tôn giáo.

Sáng hội Damietta vì hòa bình của Dòng Phanxico đã từng tổ chức nhiều đội túc cầu hổn hợp gồm hồi giáo và Kitô hữu tại thành phố Jos, Nigeria là nơi đang bị xâu xé vì những xung đột chủng tộc và tôn giáo.

Cha Thonissen nói rằng Bóng đá có thể là một phương thế ôn hòa để phá đổ những ranh giới của thành kiến.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page