Các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Iraq
yêu cầu chính phủ bảo vệ các nhóm thiểu số
Các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Iraq yêu cầu chính phủ bảo vệ các nhóm thiểu số.
Bagdad, Iraq [Asianews 1/7/2010] - Các nhà lãnh đạo Giáo hội tại Iraq yêu cầu chính phủ bảo vệ các nhóm thiểu số.
Hôm 26 tháng 6 năm 2010, 76 đại diện của các Giáo hội Kitô tại Iraq đã gặp nhau tại Qaraqosh, gần Mossul, bắc Iraq, để thảo luận về số phận của các cộng đồng đang bị bách hại khiến các tín hữu phải bỏ nước ra đi.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng như các chính trị gia đều yêu cầu chính quyền bảo vệ các nhóm thiểu số, tôn trọng nhân quyền và cho các Giáo hội được có thêm đại diện trong guồng máy trung ương cũng như địa phương.
Trong các yêu sách, đại diện các Giáo hội cũng yêu cầu tu chính hiến pháp để củng cố quyền của các nhóm thiểu số Kitô, tài trợ các chương trình hồi hương người tỵ nạn, thiết lập một Ủy ban toàn quốc đặc trách về các nhóm thiểu số để thăng tiến cuộc đối thoại giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo. Các vị lãnh đạo các Giáo hội cũng đề nghị chính phủ đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng cơ cở và những vùng kém phát triển nhứt nhưng lại có đông các nhóm thiểu số.
Tham dự cuộc gặp gỡ, Ðức cha Louis Sako, Tổng giám mục thuộc nghi lễ Calde tại Kirkuk kêu gọi các tín hữu Kitô đừng bỏ nước ra đi, nhưng hãy ở lại để làm chứng cho đức tin. Ðồng thời, ngài cũng nhấn mạnh đến một số thách đố mà các nhà lãnh đạo Kitô cần phải đương đầu thay vì chờ đợi sự can thiệp của chính phủ. Trước tiên, Ðức tổng giám mục Kirkuk nói đến những chia rẽ nội bộ trong các cộng đồng Kitô. Ngài nói: "Chúng ta chỉ là những nhóm nhỏ do đó chúng ta cần liên kết với nhau để nói lên tiếng nói của mình." Ðức cha Sako nói rằng cho tới này các Giáo hội Kitô tại Iraq chưa có một lập trường chung về việc dân chúng bỏ nước ra đi. Ngài cho rằng các cộng đồng sẽ vẫn tiếp tục bị chia rẽ nếu mỗi người chỉ biết đến quyền lợi riêng tư.
Trong cuộc gặp gỡ, ông Al Athil Najifi, tỉnh trưởng tỉnh Niniveh là nơi nhiều tín hữu Kitô đang bị tập trung, cho biết sẽ quyết tâm ngăn ngừa việc khai thác các nhóm thiểu số và thiết lập một guồng máy để giúp mọi người có thể hội nhập vào xã hội.
Chính phủ trung ương Iraq cũng quan ngại về hiện tượng bỏ nước ra đi. Nhưng cho tới nay, chính phủ này vẫn chưa có một chính sách để kêu gọi người dân hồi hương hay gia tăng các biện pháp an ninh.
CV.