Ðức thánh cha và công cuộc
tái rao giảng Tin Mừng cho các nước
có truyền thống Kitô giáo lâu đời
Ðức thánh cha và công cuộc tái rao giảng Tin Mừng cho các nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời.
Roma [La Croix 28/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Như chúng tôi đã loan tin, trong buổi đọc Kinh Chiều kính hai thánh tông đồ Phero và Phaolo hôm thứ Hai 28 tháng 6 năm 2010, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã loan báo sẽ cho thành lập một Hội đồng Tòa thánh đặc trách về việc tái rao giảng Tin Mừng cho các nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời.
Ngày từ lúc khởi sự sứ vụ Chủ Chăn Giáo hội hoàn vũ, Ðức thánh cha Benedicto XVI đã không ngừng chia sẻ mối quan tâm của ngài về tình trạng đức tin tại những nước có truyền thống lâu đời như Âu Châu và Mỹ Châu. Trong những chuyến tông du mới đây tại Tiệp Khắc, Bồ Ðào Nha và Chypre, Ðức thánh cha cũng đã bày tỏ mối quan tâm ấy. Ðối với ngài, sự đánh mất ý thức về Thiên Chúa là thách đố lớn nhứt ở khởi đầu thiên niên kỷ thứ 3 này.
Trong buổi hát kinh chiều hôm thứ Hai 28 tháng 6 năm 2010, ngài đã chính thức loan báo thành lập Một Hội Ðồng Tòa Thánh đặc trách về công cuộc tái rao giảng Tin Mừng này. Ngài khẳng định rẳng việc đánh mất ý thức về Thiên Chúa là một thách đố cần phải giải quyết bằng những phương thế thích đáng để trình bày lại Chân Lý nghìn đời của Tin Mừng Chúa Kitô.
Theo đức Benedicto XVI, bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Trong bài giảng trong buổi đọc Kinh chiều tại vương cung thánh đường thánh Phaolo ngoại thành, Ðức thánh cha nhắc lại rằng "hình ảnh của thánh Phaolo, con người của ngài, sứ vụ của ngài, tất cả cuộc sống và công việc vất vả của ngài vì Nước Trời hoàn toàn được cóng hiến để phục vụ Tin Mừng".
Tiếp bước dấu chân của Ðức Phaolo VI, Ðức thánh cha nhắc lại Thượng hội đồng Giám mục thế giới về rao giảng Tin Mừng cho thế giới hiện đại hồi năm 1974, kế đó là tông huấn hậu thượng hội đồng với tựa đề "Evangelii nuntiandi" [rao giảng Tin Mừng] được mở đầu như sau: "nỗ lực rao giảng Tin Mừng cho con người thời đại, vốn tràn đày hy vọng nhưng thường cũng bị xâu xé bởi sợ hãi và hoang mang, không những là một công việc phục vụ đối với cộng đồng tín hữu Kitô, mà còn cho toàn thể nhân loại nữa".
Ðức Benedicto XVI nói rằng ngài rất bị đánh động bởi tính thời sự của những lời trên đây, vốn cũng chạy xuyên suốt các văn kiện của công đồng Vatican II.
Ðức Benedicto XVI cũng nhắc lại rằng trong các chuyến viếng thăm của ngài, đức Gioan Phaolo II đã không ngừng nói đến một công cuộc rao giảng Tin Mừng mới. Theo Ðức thánh cha, "mới" không những trong phương cách, mà còn "mới" đối với các nước đã từng đón nhận Tin Mừng.
Nhận định về những khó khăn của thời đại, Ðức thánh cha nói rằng các thách đố hiện nay chắc chắn nằm ngoài tầm tay của khả năng con người. Con người của kỷ nguyên thứ ba khao khát một cuộc sống đích thực và sung mãn; nó cần biết chân lý, cần tự do sâu xa, cần tình yêu nhưng không. Trong sa mạc của thế giới tục hóa, linh hồn con người khao khát Thiên Chúa, một Thiên Chúa hằng sống".
Về nỗi khao khát ấy, Ðức thánh cha ám chỉ một cách đặc biệt những vùng có truyền thống Kitô giáo lâu đời. Tại những vùng này, "tiến trình tục hóa đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng về ý nghĩa của đức tin Kitô và sự thuộc về Giáo hội".
Trong rất nhiều dịp khác nhau, Ðức thánh cha đã bày tỏ trực giác mạnh mẽ của ngài. Trong bài diễn văn đọc trước giáo triều ngày 21 tháng 12 năm 2009, ngài đã tuyên bố: "Ngoài cuộc đối thoại với các tôn giáo, còn có cuộc đối thoại với những người mà tôn giáo là một điều xa lạ; họ xem Thiên Chúa như một người vô danh, tuy nhiên lại không muốn đơn thuần chối bỏ Ngài, mà trái lại muốn đến với Ngài như một Ðấng Vô Danh".
Ðây là lý do đã thúc đẩy vị Giáo hoàng này thiết lập điều được gọi là "Sân dành cho dân ngoại". Theo Ðức thánh cha, "sân dành cho dân ngoại" là nơi mà con người có thể "bám" vào Thiên Chúa, tuy không biết Ngài và trước khi đi vào mầu nhiệm của Ngài. Ðây là "sân" mà đức cha Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về văn hóa sẽ khai mạc tại Paris vào tháng 3 năm 2011. Ðây là nơi sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Giáo hội và giới trí thức.
Thật ra, ý tưởng về một công cuộc rao giảng Tin Mừng mới không phải là điều mới mẽ đối với vị Giáo hoàng này. Lúc còn làm Hồng y đứng đầu bộ giáo lý đức tin, ngài cũng đã từng gợi lên ý tưởng này. Ngày 10 tháng 12 năm 2000, ngài đã kêu gọi cần phải có một cuộc rao giảng Tin Mừng mới để nhắm tới một thế giới vốn không tiếp cận với việc rao giảng Tin Mừng cổ điển.
Ngày 9 tháng 6 năm 1979, tại Nowa Huta, Ba Lan, đức Gioan Phaolo II đã tuyên bố: "trước ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, một cuộc rao giảng tin mừng mới đã bắt đầu như thể là một cuộc rao giảng mới, nhưng thực tế cũng vẫn là một".
Cho tới nay, người ta vẫn chưa biết được cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tòa thánh về việc rao giảng Tin Mừng mới. Nhưng theo lời một vị Hồng y giáo triều tiết lộ với báo La Croix, Hội đồng Tòa Thánh mới này chắc chắn sẽ không đứng riêng rẽ một mình, mà liên kết với các bộ hiện hành.
CV.