Các xã hội di động
nhưng không có tinh thần
Các xã hội di động, nhưng không có tinh thần.
Phỏng vấn ông Marc Augé, chuyên viên xã hội và nhân chủng học.
Roma (Avvenire 28-4-2010) - Từ mấy năm qua nhiều Hội Ðồng Giám Mục trên thế giới, đặc biệt tại các nước nghèo, đã lên tiếng mạnh mẽ phê bình hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế. Lý do là vì nó đã không khiến cho cuộc sống của các dân tộc nghèo trên thế giới được cải tiến tốt đẹp hơn, nhưng chỉ đem lại nhiều lợi lộc cho các quốc gia kỹ nghệ giầu, đặc biệt là các quốc gia tây âu. Ðiển hình như sự kiện Hoa Kỳ và các nước Âu châu, nhân danh việc toàn cầu hóa, đòi hỏi các nước Á châu, Phi châu và châu Mỹ Latinh phải mở rộng cửa để cho hàng hóa và các sản phẩm của họ được tự do du nhập, nhưng lại không cho phép các quốc gia đang trên đường phát triển được tự do bán sản phẩm của họ sang các nước Tây Âu. Thế rồi nếu muốn được vay tiền hay trợ giúp, các nước nghèo đang trên đường phát triển phải chấp nhận một số điều kiện khắc nghiệt, và phải theo đường lối do các nước giầu tân tiến hay các tổ chức hoặc ngân hàng quốc tế đưa ra, trong đó có việc hạn chế sinh sản, ngừa thai, phá thai và mua các sản phẩm do các nước giầu chế tạo cho các mục đích này.
Mới đây ông Marc Augé, chuyên viên xã hội và nhân chủng học người Pháp, đã cho xuất bản cuốn sách tựa đề "Cho một nền nhân chủng học của sự di động". Theo ông cái toàn cầu là "phần trong" của hệ thống thế giới kinh tế và truyền thông, trái lại cái địa phương là "phần ngoài" của nó. Và ông tố cáo Ngũ Giác Ðài, tức chính quyền Hoa Kỳ, là có trách nhiệm đối với việc lật ngược viễn tượng của lương tri chung trong thế giới ngày nay.
Giáo sư Marc Augé đã sống nhiều năm bên Phi châu trước khi trở thành nổi tiếng với ý niệm "không nơi chốn" của ông. Qua ý niệm đó ông mạnh mẽ phê bình sự thay đổi triệt để và tiêu cực, mà thị trường toàn cầu đang áp đặt cho cuộc sống của con người trong các thành thị trên thế giới ngày nay.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Marc Augé, về sự kiện con người thuộc thế kỷ XXI di chuyển nhiều, nhưng đã đánh mất đi ảo tưởng, tức các lý tưởng cao trong cuộc sống.
Hỏi: Thưa giáo sư Augé, tại sao giáo sư lại tố cáo sự thay đổi triệt để, mà thị trường toàn cầu đang tạo ra cho thành phố ngày nay?
Ðáp: Khuynh hướng du mục xưa kia phát xuất từ sự cần thiết phải di chuyển, bình thường là theo mùa, để tìm kiếm các phương tiện sinh tồn. Ngày nay, hiện tượng di chuyển này hoàn toàn khác biệt: việc di chuyển trong các vùng địa lý là do việc đi du lịch, hay do làn sóng các giới làm ăn buôn bán tạo ra. Nó không có hình dạng nhất định, nó thay đổi liên tục và không dẫn đưa tới các việc chuyển dời vĩnh viễn. Ngoài ra, cũng có làn sóng di dân từ các nước nghèo tới các nước giầu xa xôi khác. Thế rồi cũng có ảnh hưởng của truyền hình hướng tới chỗ cống hiến cho con người các quốc gia xa xôi như hình ảnh sáng láng được dọn sẵn trên đĩa một cách rất ngon lành và hấp dẫn.
Hỏi: Nhưng mà trong thời Trung Cổ, là thời người ta có khuynh hướng cho là "ổn định", cũng có rất nhiều di chuyển: các người thợ xây các nhà thờ chính tòa di chuyển trong toàn Âu châu, các lộ trình thương mại sầm uất và các đường hành hương dầy tín hữu... thưa giáo sư.
Ðáp: Có các khác biệt lớn trong thái độ của những người du hành. Dĩ nhiên, có đúng thật là các người xây dựng các nhà thờ chính tòa di chuyển rất nhiều, cũng giống như các nhà kiến trúc lớn ngày nay vậy: những người này di chuyển theo một khuynh hướng đồng nhất, từ Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Liên quan tới việc đi hành hương ngày nay có hiện tượng du lịch, thường là vì lý do tò mò: người ta đã trông thấy trong truyền hình những gì mà họ ước mong viếng thăm, và họ đi đến tận nơi để khẳng định chính mình trong các chờ mong của mình. Một đàng, thế giới là một thành phố mênh mông, trong đó tại đâu cũng có cùng các kỹ sư làm việc, và người ta tìm thấy cùng các dịch vụ thương mại và cùng các sản phẩm như nhau. Ðàng khác, người ta cũng tìm thấy cùng các mâu thuẫn và cùng các xung khắc chung cho toàn trái đất: đó là các hậu qủa của khoảng cách ngày càng gia tăng giữa những người giầu và những người nghèo nhất trong các người nghèo.
Hỏi: Như thế, một đàng chúng ta đang đứng trước các cách biệt gia tăng, đàng khác chúng ta cũng đứng trước hiện tượng san bằng văn hóa, có đùng thế không thưa giáo sư?
Ðáp: Vâng, đúng vậy. Bên cạnh việc toàn cầu hóa cũng hình thành một loại thống trị mới. Chỉ cần nghĩ tới sự kiện trong một số thành phố lớn có các khu phố riêng biệt, khép kín và được bảo vệ, trong đó hòa bình và an ninh được bảo đảm: nhưng mà điều đó chỉ có đối với những ai có tiền mua nhà trong khu phố ấy mà thôi.
Thành phố toàn cầu dẫn đưa tới một cuộc khủng hoảng của cộng đoàn: người ta khám phá ra rằng thành phố không tập trung nữa, mà bị phân tâm; chính gia đình cũng bị phân tâm, với máy vi tính và truyền hình thay thế ống khỏi giữa nhà và chúng quy chiếu về thế giới toàn cầu, trong đó việc tiếp xúc và đối thoại với người thân cận bị lãng quên trong bóng tối. Nguy cơ nằm trong chính tư tưởng đang áp đặt: đó là nó dẫn đưa tới chỗ làm cho các nền văn hóa trở nên giống nhau, trong khi tự nguồn gốc của chúng các nền văn hóa khác nhau, tuy có những điểm tương đồng. Tư tưởng về sự khoan nhượng phổ biến đã tiến lên, nhưng thường khi nó che dấu sự cách biệt đang gia tăng.
Hỏi: Câu trả lời cho tất cả các vấn đề mới mẻ này chỉ có thể là văn hóa, có đúng thế không thưa giáo sư?
Ðáp: Ðúng thế. Cần phải tập di chuyển trong thời gian, chứ không phải chỉ di chuyển trong không gian mà thôi. Học lịch sử có nghĩa là giáo dục cái nhìn đối với hiện tại, củng cố nó, khiến cho nó ít ngô nghê và dễ tin hơn, khiến cho nó tự do. Trong mọi nền dân chủ đích thực, sự chuyển động của tinh thần phải là lý tưởng tuyệt đối. Cần phải tập ra khỏi chính mình, ra khỏi môi trường của mình, ra khỏi cái hang văn hóa của mình, và thăng tiến con người liên văn hóa, chú ý tới tất cả mọi nền văn hóa, nhưng không để cho mình bị tha hóa bởi bất cứ nền văn hóa nào. Ðã đến lúc phải có một sự di chuyển toàn cầu và một ảo tưởng mới về nền giáo dục, dám mơ ước những điều tốt đẹp nhất cho con người. Nhưng chúng ta chỉ đang ở bước khởi đầu của lịch sử mới này, một lịch sử dài và luôn luôn đau đớn.
Hỏi: Tại sao lại là một lịch sử đớn đau thưa giáo sư?
Ðáp: Tôi bị đánh động bởi sự xa cách ngày càng gia tăng giữa người giầu và người nghèo. Thêm vào cái nghèo là nạn mù chữ. Các xa cách và chênh lệch đó qúa lớn, trong khi tại các nước phát triển thì có hình thức của một tầng lớp thượng lưu rộng rãi toàn cầu.
Tất cả mọi người đều cho rằng có mối tương quan trực tiếp giữa nền dân chủ và thị trường tự do. Nhưng đối với tôi thì không luôn luôn có mối dây liên hệ giữa nền dân chủ và tính cách đại diện. Xã hội toàn cầu đã chia thành ba tầng lớp: thứ nhất là tầng lớp thượng lưu kinh tế và hiểu biết gắn liền với chính quyền của thành phố toàn cầu; thứ hai là tầng lớp tiêu thụ thụ động của nền kinh tế và văn hóa; và thứ ba là tầng lớp của tất cả những người bị gạt bỏ ra ngoài lề xã hội trên bình diện kinh tế cũng như trên bình diện văn hóa. Tình trạng này về lâu về dài có thể trở thành nguồn gốc làm nảy sinh ra bạo lực: đó là thứ bạo lực mà chúng ta thường thấy xảy ra trong các thành phố, và trong các hình thức có tổ chức của các nhóm khủng bố như nhóm Al Qeada, và chúng sử dụng cùng các dụng cụ của việc toàn cầu hóa.
Hỏi: Như thế thì đâu là hy vọng của sự tiến triển thưa giáo sư?
Ðáp: Hy vọng tiến triển nằm trong việc phổ biến khoa học và ý thức về chính chúng ta. Nhưng đây là điều phải được chiếm hữu và gieo vãi với lòng kiên nhẫn, và theo một nhịp độ phù hợp với các khả thể học hiểu của dân chúng: từ từ từng bước một, mà không ép buộc, không nhảy vọt, không hấp tấp vội vã, là các thói quen của kiểu sống ngày nay.
(Avvenire 28-4-2010)
Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)