Tình trạng

cộng đồng Kitô tại Iran

 

Tình trạng cộng đồng Kitô tại Iran.

Iran [Zenit 20/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Vì các lý do chính trị cũng như tôn giáo, các tín hữu Kitô tại Iran bỏ nước ra đi hàng loạt. Cộng đồng Kitô đang có nguy cơ biến mất tại nước này.

Trong một cuộc phỏng vấn trong chương trình "Nơi Thiên Chúa khóc" của mạng lưới truyền thanh và truyền hình CRTN do Tổ Chức trợ giúp các Giáo hội đau khổ tài trợ, ký giả Camille Eid, người Liban, quan sát viên về các Giáo hội tại Trung Ðông, đã kể lại cuộc sống của các tín hữu Kitô tại Iran.

Iran là một quốc gia Hồi giáo với 99 phần trăm dân số theo Hồi giáo và Hồi giáo là quốc giáo. Các cội rễ Kitô của Giáo hội đã có từ thế kỷ thứ 2. Tuy nhiên, theo ký giả Eid, Kitô giáo vẫn không phải là tôn giáo cổ xưa nhứt tại Iran. Ký giả này nói rằng có hai cộng đồng tôn giáo còn cổ xưa hơn Kitô giáo: một là cộng đồng Zoroastra có trước Kitô giáo và Hồi giáo nhiều thế kỷ. Hai là cộng động Do thái. Hiện nay cộng đồng Zoroastra có khoảng 20 ngàn thành viên và cộng đồng Do thái gồm từ 20 đến 35 ngàn người.

Với 99 phần trăm dân số theo Hồi giáo, cho nên tôn giáo này thấm nhập vào toàn bộ cuộc sống của người dân. Ký giả Eid cho biết: "Trong các đường phố thủ đô Teheran hay khắp nơi trên toàn lãnh thổ, người ta có thể thấy các bức chân dung của các vị tử đạo của Hồi giáo, của đạo trưởng Ayatollah, của giáo trưởng Khomeini và của đương kim giáo trưởng Khamenei. Nếu xử dụng điện thoại công cộng, người ta nghe được tiếng nói của giáo trưởng Hussein giải thích cho biết phải làm gì." Trong các trường học, môn học nào cũng được phép, miễn là phải dựa trên Kinh Coran và Hadit hay những môn Hồi giáo học khác. Ngay trên các sách giáo lý của Công giáo, người ta cũng thấy chân dung của đạo trưởng Ayatollah. Có lẽ đây là một cách để nhắc nhở các tín hữu Kitô rằng họ đang được chế độ bảo vệ và được xem như những "Dhimmis", tức những người được luật Hồi giáo Sharia bảo vệ. Ðây là một cách để nói với bạn rằng dù là tín hữu Kitô, bạn cũng phải tùng phục chế độ Hồi giáo.

Về các cảnh sát tôn giáo và đạo đức, ký giả Eid cho biết họ tỏ ra cứng rắn hay không là tùy ở chế độ. Dưới thời tổng thống Khatami chẳng hạn, cảnh sát tôn giáo và đạo đức tỏ ra "khoan nhượng" hơn và phụ nữ có thể để lộ một phần trên đầu họ. Nhưng dưới chế độ hiện nay của ông Ahmadinejad, cảnh sát tôn giáo và đạo đức lại tỏ ra nghiêm nhặt hơn. Các phụ nữ phải che kín toàn thân, trừ khuôn mặt. Ðôi khi cũng có những phụ nữ che kín cả mặt lẫn tay.

Hiện nay trên toàn quốc Iran có khoảng 100 ngàn tín hữu Kitô trong tổng số dân là 71 triệu người. Theo ký giả Eid, các tín hữu Kitô bị xem như những cộng đồng sắc tộc thiểu số, bởi vì tất cả đều là người gốc Armeni và Calde, Assiri. Trong số 100 ngàn tín hữu Kitô, có đến 80 ngàn người Công giáo Armeni và khoảng 20 ngàn tín hữu Calde Assiri. Ngoài ra cũng có một thiểu số rất nhỏ thuộc Giáo hội Công giáo Latinh hay Tin lành.

Nhưng dù thuộc Giáo hội hay nghi lễ nào, 100 ngàn tín hữu Kitô tại Iran bị xem như một cộng đồng sắc tộc thiểu số và với tư cách đó, họ không được phép cử hành các nghi lễ của mình bằng tiếng "Farsi", tức ngôn ngữ chính thức của Iran, mà phải bằng tiếng Armeni hay Calde. Mục đích của lệnh cấm xử dụng ngôn ngữ "Farsi" này là để các tín hữu Kitô luôn bị xem như người ngoại quốc. Ngoài ra, biện pháp này cũng nhằm mục đích để người dân địa phương không hiểu được ngôn ngữ của các tín hữu Kitô và như thế không bị Kitô giáo lôi kéo. Ký giả Eid ghi lại một luật trừ duy nhứt đã xảy ra hồi năm 2005 khi Ðức giáo hoàng Gioan Phaolo II qua đời. Vị linh mục đã đọc Tin Mừng bằng tiếng Farsi trước sự hiện diện của chính quyền.

Dù vậy, chính phủ Iran vẫn dành cho các cộng đồng Kitô ba ghế tại Quốc Hội. Hiện nay Cộng hòa Hồi giáo Iran vẫn tuân thủ chặt chẽ Hiến Pháp năm 1906. Hiến Pháp này dành 5 ghế cho các cộng đồng tôn giáo thiểu số: 3 cho các tín hữu Kitô, một cho người theo đạo Zoroastra và một cho người Do thái. Tuy nhiên, cộng đồng Bahai, mặc dù là cộng đồng thiểu số không Hồi giáo lớn nhứt tại đây, vẫn không có ghế nào trong Quốc hội, bởi vì họ bị xem như những người "lạc giáo" chứ không như một cộng đồng tôn giáo và như vậy chỉ là công dân "hạng hai". Hồi giáo không nhìn nhận bất cứ một tôn giáo nào khác sau Mahomet và Bahai bị xem như một thứ độc thần lạc giáo.

Trở lại với các tín hữu Kitô, ký giả Eid nói rằng mặc dù có 3 ghế đại diện tại Quốc hội, điều đó không hề có nghĩa là họ được Hiến pháp bảo đảm. Ðiều 13 của Hiến Pháp Iran khẳng định rằng tất cả mọi người dân Iran đều bình đẳng, bất luận thuộc chủng tộc hay ngôn ngữ nào. Tôn giáo không hề được nhắn đến. Ðiều 14 qui định rằng "tất cả mọi cộng đồng không Hồi giáo không được phép âm mưu và chống lại Hồi giáo và Cộng hòa Hồi giáo Iran". Ðiều 19 còn viết rằng "người dân Iran, bất luận thuộc chủng tộc hay nhóm nào, đều hưởng những quyền bình đẳng như nhau: màu da, chủng tộc hay ngôn ngữ không phải là lý do để phân biệt đối xử". Một lần nữa, người ta không thấy tôn giáo được nhắc đến ở đây.

Từ sự phân biệt đối xử về tôn giáo như trên, các tín hữu Kitô thường khó tìm được việc làm. Ngay cả các giám đốc các trường Kitô cũng phải là người Hồi giáo. Chỉ có một luật trừ duy nhứt: cách đây 4 năm, chính phủ chỉ định một tín hữu Kitô Armeni làm giám đốc một trường Armeni. Trong hai năm 1979 và 1980, chính phủ đã tịch thu tất cả các trường Kitô. Chỉ mới gần đây, vài trường đã được trả lại cho Kitô giáo.

Cách đây vài năm, một trung tá tên là Hamid Pourmand đã bị phát giác theo Kitô giáo; ông đã bị đưa ra tòa án quân sự để xét xử. Nhờ áp lực của quốc tế, viên sĩ quan này mới có thể rời bỏ Iran. Nói chung, các tín hữu Kitô rất khó chiếm được những chức vụ cao trong chính phủ. Một khi đã trở lại Kitô giáo, người Iran đành phải rời bỏ xứ sở, nếu không có thể bị kết án tử hình.

Năm 1979, tức năm xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran, khoảng một nửa số tín hữu Kitô tại đây đã bỏ nước ra đi. Hiện nay mỗi năm có đến 10 ngàn gia đình Kitô rời bỏ Iran. Với tình trạng này, Kitô giáo có thể biến mất khỏi nước này.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page