Việc hội nhập của

các linh mục ngoại quốc tại Pháp

 

Việc hội nhập của các linh mục ngoại quốc tại Pháp.

Pháp [La Croix 16/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày càng có nhiều linh mục ngoại quốc đến làm việc mục vụ tại các nước Tây Phương. Chỉ riêng tại Pháp, hiện có khoảng 1,500 linh mục đến từ nhiều nước khác nhau. Con số này đã gia tăng gắp đôi trong vòng 6 năm qua và chiếm khoảng 10 phần trăm hàng giáo sĩ Pháp. Tất cả đều xem việc hội nhập vào Giáo hội và xã hội Pháp là một điều cần thiết.

Ðối với Giáo hội tại Pháp, sự hiện diện và công tác mục vụ của những linh mục ngoại quốc này giúp mọi người ý thức được chiều kích phổ quát của Giáo hội. Ðối lại, các linh mục này cũng phải cố gắng hội nhập vào Giáo hội và xã hội Pháp.

Các linh mục ngoại quốc đến Pháp trong những hoàn cảnh khác nhau. Có vị đến Pháp với sự thỏa thuận giữa đấng bản quyền của mình và một vị Giám mục Pháp. Có vị sau khi học xong, xin ở lại làm việc tại Pháp. Có vị đến Pháp để chữa bệnh và xin ở lại. Cũng có vị xin tỵ nạn tại Pháp.

Các linh mục ngoại quốc tại Pháp gốc Phi Châu là đông nhứt với 800 vị. Từ một số nước Âu Châu như Ba Lan và Ý cũng có nhiều linh mục đến làm việc tại Pháp. Giáo hội tại Pháp cũng đón nhận một số linh mục từ Á Châu như Ấn độ, Việt nam, Nam Hàn. Một mẫu số chung liên kết các linh mục ngoại quốc này là: tất cả đều gặp nhiều ngạc nhiên và khó khăn trong những giáo xứ mới của họ.

Cha Adelard Kasechi Mulenge, 42 tuổi, từ cộng hòa dân chủ Congo đã đến giáo phận Evry năm 2000. Vị linh mục này nhớ lại những cuộc lễ "khô khan", lạnh lẽo trong giáo xứ mới. Cha nói: "Tôi đã quen thuộc với những thánh lễ có nhảy múa, trong đó mọi người đều tham dự. Trong khi đó ở đây, tôi có cảm tưởng như lúc nào cũng phải làm lễ cầu hồn. Thật là buồn thảm, lạnh lùng".

Cha Isaac Bitsoumanou, 47 tuổi, từ Congo Brazzaville cũng có một cảm nghĩ như thế. Vị linh mục này nói: "Bên nước chúng tôi, ít nhứt mỗi giáo xứ đều có hai linh mục, nhiều tu sĩ và chủng sinh... Tại Pháp, để chia sẻ với một người anh em linh mục khác, phải dùng đến điện thoại".

Trong công tác mục vụ, đôi khi các linh mục ngoại quốc cũng gặp những khó khăn đau đớn. Cha Alain Bobiere, tổng đại diện Giáo phận Evry giải thích: "Các linh mục này đến từ những nước trong đó linh mục là một người quan trọng trong xã hội. Linh mục được phục vụ. Linh mục là người có quyền bính".

Cha Jean de Dieu Ratsimbazafy, 59 tuổi, đã phải cố gắng lắm mới có thể làm quen với xã hội mới. Cha nói: "Tại Madagascar, mỗi khi linh mục đi vào trong rừng là cả một biến cố: mọi người đều ngưng việc lại, các nhà thờ đầy ắp người. Dân chúng cần có linh mục. Tôi không quen phải đi đón dân chúng" như ở Pháp.

Quen được kính trọng và phục vụ, nhiều linh mục ngoại quốc tại Pháp rất ngỡ ngàng về việc các linh mục tại đây phải tự làm mọi sự. Một linh mục Phi Châu kể lại rằng mình không được các linh mục tại Paris đón tiếp vì không biết tự mình nướng một miếng thịt bò Steak, không biết cho chén đĩa vào máy rửa, không biết dọn dẹp trong phòng làm việc.

Các linh mục ngoại quốc tại Pháp cũng gặp nhiều khó khăn với giáo dân. Cha Christophe Hermanowitcz, 42 tuổi, người Balan, nói rằng cha đã bị nhiều giáo dân chống đối khi cha muốn tái lập việc xưng tội riêng. Họ xem đó như một bước thụt lùi.

Một linh mục Pháp nói rằng hội nhập là một điều cần thiết đối với các linh ngoại quốc. Linh mục này nói rằng cũng như ngày xưa các nhà truyền giáo đã phải có đủ khiêm tốn để "nhận lãnh" trước khi muốn "trao tặng" cho dân bản xứ, thì ngày nay cũng thế các linh mục ngoại quốc cũng cần phải hội nhập vào văn hóa Pháp.

Cha Jean de Dieu nhìn nhận: "Tại Pháp, tôi được may mắn khám phá những khía cạnh mới của công tác mục vụ mà tôi chưa từng biết tại Madagascar, chẳng hạn như đón tiếp những người ly dị đã tái hôn hay giúp những người về hưu."

Về phần mình, cha Alain Bobiere, tổng đại diện Giáo phận Evry nói rằng sự hiện diện của các linh mục ngoại quốc tại Pháp là một "cơ may cho một giáo phận". Họ có thể giúp các tín hữu Kitô Pháp làm cho các giáo xứ của họ trở thành "huynh đệ" hơn và tránh thái độ co cụm và kỳ thị đối với người di dân.

Dù sao, tương lai của các linh mục ngoại quốc đang làm việc tại Pháp vẫn là một trong những vấn đề khó khăn hiện nay. Với các linh mục này, cám dỗ lớn nhứt là muốn ở lại Pháp. Về phía các giám mục, cám dỗ lớn nhứt là muốn xử dụng họ để lấp đầy lỗ trống do tình trạng khan hiếm linh mục tạo ra.

Ðức cha Jean Claude Vieillard, tổng đại diện Giáo phận Arras chia sẻ như sau: "Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi không phải là tìm cách "trám chỗ". Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng các linh mục ngoại quốc thực sự đang phục vụ Giáo hội".

Vì tình trạng hội nhập khó khăn của các linh mục ngoại quốc, nhiều linh mục Pháp không tán thành giải pháp du nhập các linh mục từ các nước khác để giải quyết tình trạng khan hiếm linh mục hiện nay. Theo họ, cần phải nghĩ đến những hình thức mới trong công tác mục vụ. Họ nói rằng trong những xã hội tục hóa như nước Pháp, cần phải khuyến khích người giáo dân dấn thân tích cực hơn trong việc làm chứng cho Tin Mừng.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page