Những biểu hiện tôn giáo

trong World Cup

 

Những biểu hiện tôn giáo trong World Cup.

Nam Phi [CNS 9/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Ngày 11 tháng 6 năm 2010, các ủng hộ viên của đội tuyển túc cầu Tây Ban Nha đã tập trung tại nhà thờ Công giáo "Manuel Domingo Sol" ở thủ đô Madrid để theo dõi cuộc thi đấu mở màn World Cup giữa đội Nam Phi và đội Mehico.

Cha Esteban Diaz, linh mục quản xứ, nói rằng việc tập trung giáo dân trong giáo xứ lại với nhau sẽ thăng tiến thiện chí và tình thân hữu trong giáo xứ. Trên một bình diện rộng rãi hơn, vị linh mục này tin rằng World Cup cũng là cơ hội để thăng tiến hòa bình thế giới.

Cha Diaz nói: "Tôi muốn thấy World Cup trở thành một điểm gặp gỡ của thế giới trong một bầu khí hài hòa để chống lại mọi sự phân biệt. Là một người hâm mộ túc cầu và là một người Tây Ban Nha, tôi cũng mong cho đội tuyển Tây Ban Nha thắng".

Ðội tuyển Tây Ban Nha, vô địch Âu Châu năm 2008 và hiện đang được đánh giá là một trong những đội có triễn vọng đoạt giải vô địch túc cầu thế giới lần này, là một trong 32 đội tuyển đang có mặt tại Nam Phi để tranh giải vô địch túc cầu thế giới năm 2010. Là một nước có đông dân số theo Công giáo, Tây Ban Nha là một trong tổng số 13 nước trên thế giới chiếm một nửa dân số Công giáo.

Mặc dù Tây Ban Nha là một quốc gia có đa số dân theo Công giáo, tôn giáo không có một chỗ đứng quan trọng trong túc cầu. Chính phủ thuộc đảng xã hội đã và đang đưa ra rất nhiều luật nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Kitô giáo ra khỏi xã hội. Ngoài luật nới lỏng việc cho phép phá thai, mới đây chính phủ nước này còn đề ra dự luật loại trừ Thánh giá ra khỏi các trường công lập. Với dự luật được gọi là để bảo vệ "tự do tôn giáo", chính phủ thuộc đảng xã hội Tây Ban Nha muốn bảo đảm tính trung lập của nhà nước về phương diện tôn giáo, cho nên đòi hỏi phải tháo gỡ Thánh giá ra khỏi các trường công lập cũng như bệnh viện và các nơi công cộng. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng tiên liệu rằng các nhân viên chính phủ không còn phải tuyên thệ nhậm chức trước một Thánh giá nữa.

Trong chiều hướng ấy, tôn giáo không còn một chỗ đứng trong túc cầu nữa.

Là tuyên úy của đội túc tuyển Tây Ban Nha và riêng của đội Câu lạc bộ "Atletico de Madrid" từ hơn 30 năm nay, một linh mục khác là cha Daniel Antolin nhìn nhận rằng so với các cầu thủ của những thế hệ trước, đội tuyển Tây Ban Nha hiện nay ít "đạo đức" hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn Công giáo Hoa kỳ CNS hôm 4 tháng 6 năm 2010, vị linh mục này khẳng định rằng Tây Ban Nha đang đánh mất truyền thống tôn giáo của mình.

Vị linh mục 70 tuổi này đã từng là một người hâm mộ bóng đá từ thuở nhỏ. Với tư cách là một tuyên úy của đội tuyển, ngài đã xem không biết bao nhiêu trận đấu và chứng kiến không biết bao nhiêu đám cưới và lễ rửa tội được cử hành theo nghi thức Công giáo. Về vai trò tuyên úy của ngài, cha Antolin nói rằng các tuyển thủ kính trọng ngài như một linh mục và như một người bạn.

Mặc dù không cùng nhau tham dự thánh lễ hay chính thức họp nhau để cầu nguyện, phần lớn các cầu thủ đều nhớ lại những điều mình đã được Giáo hội dạy dỗ và cầu nguyện riêng. Ðôi khi họ cũng âm thầm đọc Kinh Lạy Cha trước các trận đấu.

Khác với thái độ cầu nguyện âm thầm và kín đáo của đội tuyển Tây Ban Nha, các cầu thủ Brasil công khai biểu lộ niềm tin tôn giáo của mình. Năm 2002, khi đội tuyển Brasil đoạt giải vô địch Túc cầu thế giới lần thứ 5, các cầu thủ đã nắm tay nhau, quỳ gối và cúi đầu cầu nguyện. Nhiều người còn mang áo thun có in hàng chữ "Tôi yêu mến Chúa Giêsu" hay "Tôi thuộc về Chúa Giêsu".

Chỉ riêng ba nước Brasil, Tây Ban Nha và Argentina chiếm đến 273 triệu người Công giáo, tức một phần tư tổng số người Công giáo trên thế giới.

Cha Anatolin cho rằng ít nhứt có một yếu tố mang lại thành công cho đội tuyển Brasil: đó là sự hiệp nhứt trong niềm tin tôn giáo. Ngài phê bình quyết định của Tổng Liên Ðoàn Túc cầu thế giới FIFA khi ra lệnh cấm mang quần áo và các biểu tượng tôn giáo, chính trị hay cá nhân ra sân cỏ.

Ông Jim Stjerne Hansen, chủ tịch liên đoàn túc cầu Ðan Mạch, nói rằng tôn giáo không còn được phép xuất hiện trong túc cầu nữa. Sở dĩ có biện pháp này là vì đội tuyển Brasil lại công khai cầu nguyện và để lộ những chiếc áo lót có chứa đựng sứ điệp Kitô giáo, sau khi hạ đội tuyển Hoa Kỳ tại giải tổng liên đoàn Fifa năm 2009.

Ông Hansen nói rằng nếu các biểu hiện chính trị bị cấm thì cũng phải ngăn cấm cả những biểu lộ tôn giáo, bởi vì điều này có thể ảnh hưởng đến những người không đồng đạo.

Tuy nhiên, nhiều người dân Brasil nói rằng họ không quan tâm đến việc các cầu thủ nước này cầu nguyện trên sân cỏ. Theo họ, Fifa cần phải để cho dân chúng được tự do biểu lộ niềm tin tôn giáo của mình bao lâu hành động này không xúc phạm đến bất kỳ người nào.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page