Các thánh lễ theo nghi thức

tiền Công đồng tại Pháp

 

Các thánh lễ theo nghi thức tiền Công đồng tại Pháp.

Pháp [La Croix 9/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Kể từ năm 2007, khi Ðức thánh cha Benedicto XVI ban hành Tự Sắc "Summorum Pontificum", tại trên 200 giáo xứ bên Pháp, mỗi Chúa Nhựt các linh mục phải cử hành Thánh lễ theo hai nghi thức: một bằng tiếng Latinh thời tiền công đồng và một theo nghi thức hiện hành.

Nằm giữa cao nguyên Hauts de Seine, miền Tây Paris, giáo xứ "Notre Dame des Airs" chẳng hạn là một giáo xứ như mọi giáo xứ khác tại Pháp. Chúa Nhựt nào cũng có hai thánh lễ.

Tuy nhiên, điều khác lạ tại giáo xứ với 2,500 tín hữu này, là thánh lễ vào lúc 9 giờ 30 sáng Chúa Nhựt được cử hành theo "nghi thức ngoại thường", tức bằng tiếng Latinh và theo sách lễ của Ðức giáo hoàng Gioan 23 trước thời công đồng Vatican II. Với tự sắc "Summorum Pontificum", đức Benedicto XVI cho phép cử hành Thánh lễ theo nghi thức tiền công đồng này.

Tiếp theo đó là thánh lễ được cử hành theo nghi thức hiện hành, tức nghi thức do Ðức Phaolo VI ban hành sau công đồng Vatican II.

So sánh hai thánh lễ, người ta thấy có sự khác biệt: thánh lễ theo nghi thức ngoại thường là một thánh lễ long trọng, có bình ca bằng tiếng Latinh, có xông hương, có đoàn giúp lễ đông đảo và nhứt là linh mục quay lưng lại với giáo dân. Trong khi đó thánh lễ theo nghi thức hiện hành lại diễn ra một cách đơn giản hơn, bằng tiếng Pháp, trong đó giáo dân cũng hát những bài thánh ca bằng tiếng Pháp và chào chúc bình an cho nhau trước lúc rước lễ.

Ðiều duy nhứt liên kết hai hình thức thánh lễ này là: linh mục dâng lễ vẫn là một. Cha Philippe de Morand, sinh viên thuộc giáo phận Lyon đang du học tại Paris và hiện đang làm phụ tá tại giáo xứ Saint Cloud nói rằng ngài có cảm tưởng là giáo dân trong giáo xứ thuộc hai thế giới khác nhau, nhưng vẫn chào hỏi nhau và đã bắt đầu làm việc chung với nhau".

Theo cha Morand cũng như 5 linh mục khác đang phục vụ trong giáo xứ này, cử hành phụng vụ theo hai nghi thức khác nhau không hề có nghĩa là chia giáo xứ ra làm hai. Trái lại, các linh mục cũng giảng cùng một bài giảng trong cả hai thánh lễ, cũng có những thông cáo giống nhau và mọi người đều tham gia những sinh hoạt giống nhau. Cha Morand nói: "Mọi người đều là giáo dân của giáo xứ và tôi không phải nói với họ những điều khác nhau. Chúng tôi loan báo cùng một Thiên Chúa".

Theo vị linh mục này, một trong những điều kiện tối cần để có được sự "thống nhứt" đó là: phải chính các linh mục tại chỗ cử hành thánh lễ dưới hai nghi thức khác nhau. Ðây chính là yêu cầu mà cha Yvon Aybram, đại diện Giám mục Giáo phận Nanterre kiêm hạt trưởng Saint Cloud đề ra hồi năm 2007.

Sau 3 năm thử nghiệm, cha Aybram cho biết có khoảng từ 100 đến 150 người tham dự thánh lễ theo nghi thức tiền công đồng. Phần lớn đến từ những thị xã lân cận. Cũng có người tham dự Thánh lễ hoặc theo nghi thức này hoặc theo nghi thức kia, vì lý do thực tiễn hoặc vì họ ưa chuộng nghi thức này hơn nghi thức khác. Theo cha, không ai bám chặt vào một nghi thức nào.

Cha Aybram cho biết: đối với phần lớn giáo dân trong hạt, phụng vụ không phải là nơi để tấn công nhau, mà là biểu tỏ của một sự khao khát thiêng liêng.

Aymeric, một giáo dân 37 tuổi vốn đã quen thuộc với tiếng Latinh từ thuở nhỏ, nói về thánh lễ theo nghi thức tiền công đồng như sau: "Tôi thấy hình thức này vô cùng phong phú. Ít nhứt với phụng vụ truyền thống, người ta có thể tìm lại được những điểm quy chiếu như nhau ở bất cứ nơi nào, trong khi đó thánh lễ theo sách lễ của Ðức Phaolo VI xem ra không phải lúc nào cũng đồng bộ".

Francois, một sinh viên 23 tuổi, cho biết anh rất vui mừng khi được tin có thánh lễ bằng tiếng Latinh. Trước đây, anh cứ phải đi đi về về giữa Paris và Versailles như một "khách du lịch phụng vụ", để được xem lễ bằng tiếng Latinh. Người thanh niên này khẳng định rằng "thánh lễ theo nghi thức cũ là thánh lễ muôn đời, là thánh lễ của tổ tiên".

Mặc dù khi ban hành tự sắc "Summorum Pontificum", Ðức thánh cha đã mở ra một cánh cửa cho các tín hữu Công giáo thủ cựu, nhưng con đường hòa giải vẫn còn dài. Một người cha gia đình tại giáo xứ Saint Cloud đã nói như thế.

Theo người giáo dân này, vấn đề cơ bản vẫn là việc giải thích Công đồng Vatican II, nhứt là trong những gì có liên quan đến tự do tôn giáo, vai trò của linh mục, chiều kích hy tế của thánh lễ, cách dạy giáo lý... Còn nhiều điều cần phải mang ra thảo luận.

Ông khẳng định rằng sự hiệp nhứt chỉ có thể có trong sự thật.

Về phần mình, cha Aybram nhìn nhận rằng tuy có những khác biệt,nhưng giáo dân trong giáo xứ Saint Cloud vẫn đối xử với nhau như anh em trong cùng một gia đình.

 

CV.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page