Giáo Hội Eucador

và mục vụ thổ dân

 

Giáo Hội Eucador và "mục vụ thổ dân".

Phỏng vấn Ðức Cha Victor Corral, Giám Mục giáo phận Riobamba, về Giáo Hội Ecuador và mục vụ thổ dân

Eucador (Jesus Maggio 1/06/2010) - Hồi tháng Giêng năm 2010 giáo phận Riobamba bên Ecuador đã cử hành các lễ nghi kỷ niêm 100 năm Ðức Cha Leonidas Proanho sinh ra. Ðức Cha Proanho đã là Giám Mục giáo phận Riobamba từ năm 1954 tới năm 1985 và được gọi là "Giám Mục của các thổ dân, ngôn sứ của Amerindia". Thần học gia người Tây Ban Nha Juan José Tamayo đã tóm tắt các lễ nghi kỷ niệm như sau: "Chúng tôi đã cử hành các lựa chọn quan trọng nhất của ngài: lựa chọn sống nghèo và lo cho người nghèo, lựa chọn bênh vực các thổ dân, lựa chọn bảo vệ thiên nhiên, trái đất và Pachamama, lựa chọn giải phóng và chống lại bắt bớ nô lệ, lựa chọn xây dựng cộng đoàn". Thần học gia José Comblin coi Ðức Cha Proanho thuộc hàng các "thánh giáo phụ của Mỹ châu Latinh".

Thật thế, Ðức Cha Proanho đã là người thăng tiến phương pháp "nhìn xem, phán đoán và hành động" trong suốt cuộc đời chủ chăn của người tại Chimborazo là vùng nghèo nhất, nhưng cũng có đông thổ dân nhất nước Ecuador. Ðể thăng tiến cuộc sống của các thổ dân, năm 1960 Ðức Cha cho thành lập "Trung tâm nghiên cứu và hành động xã hội"; năm 1962 thành lập các Trường phát thanh bình dân Ecuador, là hệ thống bài trừ nạn mù chữ với khẩu hiệu "Giáo dục và giải phóng". Ðức Cha Proanho đã là một trong các Giám Mục châu Mỹ Latinh dấn thân nhất trong thời Công Ðồng Chung Vaticăng II. Trong tư cách là Chủ tịch Ủy ban mục vụ của Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh, Ðức Cha đã áp dụng các giáo huấn công đồng vào cuộc sống Giáo Hội địa phương. Ðức Cha cũng đã nắm giữ nhiệm vụ quan trọng trong Hội nghị của Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh gọi tắt là CELAM, triệu tập tại Medellin bên Colombia năm 1968.

Ðường hướng mục vụ thăng tiến các thổ dân khiến cho mọi người gọi Ðức Cha một cách thân thương là "Taita" tức là "Bố" trong tiếng Kiwchua, nhưng nó cũng khiến cho Ðức Cha bị các Giám Mục khác tại Ecuador cô lập hóa, đến độ năm 1974 các vị xin Tòa Thánh gửi thanh tra tông tòa sang Riobamba. Tuy vị thanh tra tông tòa chứng minh cho thấy công việc mục vụ của Ðức Cha rất tốt lành, không có gì sai trái với Tin Mừng và Giáo Luật, nhưng các Giám Mục bảo thủ tại Ecuador vẫn tiếp tục thù nghịch với các lựa con của Ðức Cha.

Năm 1976 Ðức Cha bị chế độ quân phiệt độc tài bỏ tù vì tội gọi là "phản động" cùng với 17 Giám Mục khác tại châu Mỹ Latinh. Năm 1986 Ðức Cha đã được đề cử làm ứng viên giải thưởng Nobel Hòa Bình. Hai năm sau đó 1988 Ðức Cha Proanho đã qua đời vì bệnh ung thư.

Ecuador rộng hơn 238 ngàn cây số vuông, có 13 triệu 213 ngàn dân, 68% theo Công Giáo, số còn lại theo Tin Lành và các tôn giáo khác. Bắt đầu từ thập niên 1990 Ecuador đã phải sống trong một giai đoạn bất ổn chính trị: các căng thẳng nảy sinh từ việc áp dụng các biện pháp kinh tế tân tự do đã khiến cho Ecuador thay đổi 8 tổng thống. Nhiều vị đã bị dân chúng nổi loạn lật đổ trong các năm 1997-2007, cho tới khi bầu đương kim thống thống là ông Rafael Correa.

Là một tín hữu công giáo thiên tả và là một chuyên viên kinh tế nổi tiếng, xuất thân từ các đại học Hoa Kỳ và đại học Louvain bên Bỉ, tổng thống Correa đã thực hiện một cuộc "cách mạng của nhân dân", lấy hứng từ những gì hay đẹp nhất của chủ nghĩa xã hội truyền thống, từ chủ nghĩa cộng đoàn Andino và từ nền thần học giải phóng. Trong các năm qua tổng thống Correa đã đề ra một loạt các thay đổi nhằm thăng tiến an sinh như: phiếu trợ giúp người nghèo, khám sức khỏe miễn phí, loại bỏ thuế các trường tiểu học, xây dựng các công trình quốc gia, đóng cửa căn cứ quân sự Mỹ tại Manta, tái tổ chức các tương quan với Ngân Hàng thế giới, gia nhập khối các quốc gia Bolivar vv... Ông đã hội kiến với phe đối lập và đại diện các thổ dân trong nỗ lực giải quyết các hệ lụy xã hội và môi sinh của việc khai thác các quặng mỏ và thủy điện lực.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Ðức Cha Victor Corral, môn sinh và là người kế vị Ðức Cha Leonidas Proanho trong nhiệm vụ chủ chăn giáo phận Riobamba, kiêm Phó chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ecuador.

Hỏi: Thưa Ðức Cha Corral, Giáo Hội Ecuador đã phát triển việc mục vụ cho các anh chị em thổ dân như thế nào để Giáo Hội là Giáo Hội của thổ dân?

Ðáp: Gia tài sáng láng mà Ðức Cha Proanho đã để lại bắt nguồn từ Công Ðồng Chung Vaticăng II và Hội nghị của Liên Hội Ðồng Giám Mục châu Mỹ Latinh triệu tập tại Medillin bên Colombia hồi năm 1968. Chúng tôi cố gắng trung thành với các lựa chọn lớn là lựa chọn thổ dân và dân nghèo, cũng như các cộng đoàn cơ bản, và có thái độ ngôn sứ tố cáo các bất công xã hội.

Chúng tôi tiếp tục các thái độ sống này, mặc dù tình hình đã thay đổi chứ không giống với thời của Ðức Cha Proanho nữa. Trong việc loan báo Tin Mừng, chúng tôi chú ý đến các yếu tố văn hóa trong qúa khứ đã bị chính Giáo Hội gạt ra bên lề, để cho chúng được diễn tả ra một cách quân bình và lành mạnh. Dĩ nhiên là có các khó khăn từ cả hai phía. Nhưng chúng tôi đã tìm phục hồi vài trung tâm thờ tự cổ xưa của các thổ dân ở trên núi, mà chúng tôi đã không biết tới, và để cho các thổ dân cử hành các lễ nghi với kinh nghiệm của họ và lời cầu Kitô. Cũng trong đường hướng thăng tiến Giáo Hội thổ dân, chúng tôi chú trọng tới việc đào tạo các linh mục thổ dân, đã không có vào thời Ðức Cha Proanho. Với nhiều cố gắng chúng tôi đã có các linh mục thổ dân. Tuy có hai vị đã bỏ chức linh mục và hiện làm các công việc khác, nhưng họ cũng ích lợi cho cộng đoàn. Thế rồi còn có hàng ngàn giáo lý viên, một vài Phó tế vĩnh viễn được các linh mục và Giám Mục đồng hành hướng dẫn cộng đoàn sống đức tin.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, trong việc xây dựng Giáo Hội thổ dân cũng có các vấn đề như suy tư thần học, phụng vụ và các chức thừa tác mới, có đúng thế không?

Ðáp: Ở đây suy tư được thực hiện trong các cộng đoàn cơ bản và các nhóm nhỏ. Chúng tôi thu góp các suy tư này và tái đề nghị chúng trong một tiến trình phát triển cả trên bình diện thực hành. Một đàng chúng tôi tôn trọng việc thực hành chung của Giáo Hội, đàng khác chúng tôi tiếp nhận việc khám phá ra một kiểu thực hành mới, bắt nguồn từ kinh nghiệm tôn giáo và câu trả lời Kitô mà các tín hữu tìm ra. Chúng tôi không muốn kết luận qúa sớm rằng cần phải có các linh mục lập gia đình hay các phó tế có gia đình, nhưng chúng tôi tôn trọng tiết nhịp phát triển của họ, là một tiết nhịp rất chậm, để tránh áp đặt ý tưởng của chúng tôi. Chính vì thế mới nảy sinh ra các thừa tác mới như: đồng hành với các bệnh nhân, hiện diện trong lãnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật vv... Từ các cộng đoàn cơ bản có các nhạc sĩ trẻ chơi nhạc phụng vụ và nhạc thổ dân, hay các giáo lý viên dấn thân hoạt động trong cộng đoàn giúp thay đổi các tệ nạn như nạn gian tham hối lộ. Rồi từ các cộng đoàn cơ bản cũng xuất thân những ứng viên hội đồng tỉnh, hay tỉnh trưởng vv... Thừa tác tố cáo sự dữ, bất công và gian dối như kiểu diễn tả đức tin và thực hành theo Chúa Giêsu Kitô cũng hoạt động rất mạnh mẽ.

Hỏi: Tại Bolivia có các Phó tế thổ dân. Trong kinh nghiệm thừa tác của họ các Phó tế này cũng khám phá ra họ là các "yatiri", nghĩa là các người khôn ngoan thổ dân, và họ kết hiệp trong mình sự tùy thuộc văn hóa tổ tiên với sự thánh hiến Kitô. Tại Eucador có xảy ra hiện tượng này nay không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Tại Ecuador chúng tôi có truyền chức cho những người được gọi là "yacha", tức linh mục thổ dân của bộ lạc Kiwchua, là người có khả năng chữa bệnh và có sự khôn ngoan của tổ tiên. Nhưng chúng tôi tôn trọng thừa tác này của họ và giúp nó trưởng thành hơn. Việc dấn thân trợ giúp sức khỏe của dân nghèo được phát triển trong các cộng đoàn cơ bản, đến độ đưa tới chỗ thành lập một nhà thương trong giáo phận, như hoa trái của thừa tác giáo hội trong lãnh vực y tế, và để cho y khoa tân tiến sánh bước với y khoa truyền thống. Trong nhà thương này các bác sĩ tây dược và các yacha làm việc sát cánh với nhau. Bệnh nhân có thể tự do lựa chọn kiểu chữa trị họ muốn.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, mới đây chính quyền Ecuador đã chấp thuận giao cho vài dòng thừa sai lo cho các thổ dân vùng Amazzonia. Nhưng có nhiều người cho rằng chính phủ có bổn phận phải lo lắng cho các thổ dân, và họ nêu vấn nạn tại sao sau 500 năm rồi, mà lại phải giao các thổ dân cho người khác lo?

Ðáp: Trước hết phải chú ý tới sự kiện này: đó là các phương tiện truyền thông chống chính quyền, vì thế những gì họ nói không luôn luôn đáng tin cậy. Thật ra, sắc lệnh của chính quyền không đưa ra điều gì mới mẻ, mà chỉ canh tân những điều lệ đã có từ trước, phát xuất từ thỏa hiệp ký kết giữa Ecuador với Tòa Thánh năm 1937. Lý do là vì trong các vùng này, chính quyền chưa có khả năng bảo đảm cho các dịch vụ an sinh xã hội cho dân chúng, đặc biệt là trong lãnh vực giáo dục và y tế. Và chính các cộng đoàn địa phương cũng ý thức rằng chỉ có các dòng tu của Giáo Hội hiện diện tại đây từ lâu đời, mới có khả năng làm được điều đó mà thôi. Chỉ có các thừa sai dấn thân mới sẵn sàng hy sinh đi bộ 5-10 ngày hay đi thuyền 8 ngày trên sông để đến với 20 gia đình thổ dân sống trong rừng gìa, và duy trì việc giáo dục, trợ giúp y tế và tổ chức cuộc sống cho họ. Sẽ đến ngày chính quyền có thể làm điều này, nhưng cho tới nay thì người dân cho rằng chỉ có Giáo Hội mới có thể làm được mà thôi.

Hỏi: Ðức Cha thấy với tổng thống Rafael Correa, tình hình Ecuador trong 3 năm qua ra sao? Xem ra Ecuador đang bước vào một giai đoạn mới, có đúng thế không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Vâng, đúng vậy. Ecuador đã bước vào một giai đoạn có nhiều thay đổi sâu rộng. Trước đây nó bị cai trị bởi một số ít người theo kiểu qủa đầu chính thể. Nhưng dần dần thổ dân ý thức hơn về chính mình, và bắt đầu tự tổ chức. Năm 1990 thổ dân đã vùng lên phản đối và làm lung lay toàn cơ cấu xã hội chính trị. Cuộc nổi dậy này đã ảnh hưởng lớn trên các đám đông dân nghèo, và hậu qủa không phải chỉ là các kinh nghiệm lẻ tẻ, mà là cả một khuynh hướng của nhân dân Ecuador nổi loạn chống lại một trật tự do vài nhóm nhỏ các người có đặc quyền đặc lợi áp đặt trên toàn dân. Việc kiếm tìm sự thay đổi này đã bắt đầu năm 1996 với cuộc bầu ông Abdalá Bucaran làm tổng thống Cộng Hòa Ecuador. Nhưng 6 tháng sau ông bị lật đổ, vì đã không giữ các lời hứa.

Trong cuộc bầu cử năm 2002 ông Lucio Gutiérrez trúng cử tổng thống, nhưng ông cũng đã phản bội sự tin tưởng của dân nước, nên năm 2005 đã bị truất phế. Và nếu đương kim tổng thống Correa cũng phản bội nhân dân, thì người dân Ecuador cũng sẽ truất phế ông như vậy. Tuy nhiên, tổng thống Correa đang chứng minh cho thấy ông trung thành với các lời đã hứa là thực hiện các thay đổi sâu rộng, vì thế ông đã thắng trong 5 cuộc bầu cử trong vòng 4 năm. Do đó đây không phải là một biến cố lẻ loi như nhiều nhóm quyền bính truyền thống thường nghĩ, mà là cả một khuynh hướng đang đem lại các thay đổi sâu rộng trong nước Ecuador.

Hỏi: Theo Ðức Cha, đâu đã là các hành động tích cực nhất cũng như các yếu kém nhất của chính quyền hiện nay?

Ðáp: Khía cạnh tích cực nhất là người dân cảm thấy tổng thống là người chân thành, liêm chính, và trung thành với việc thăng tiến cuộc sống của dân nước. Dĩ nhiên, điều này khiến cho ông bị các nhóm quyền bính truyền thống chỉ trích, nhưng nhân dân sẽ tiếp tục ủng hộ ông cho tới khi nào ông còn duy trì đường lối này. Nhưng tốt hơn có lẽ ông nên thay đổi thái độ và tính hiếu chiến của mình, đặc biệt đối với những người không có cùng một ý nghĩ như ông. Nhiều người coi các xung đột của ông với giới truyền thông xã hội là điều tiêu cực, nhưng nhiều người khác lại bênh vực ông, vì cho rằng giới truyền thông từ trước tới nay nằm trong tay của các nhóm thiểu số cầm quyền, nên họ luôn luôn chống lại ông. Trong Giáo Hội, chúng tôi lo sợ rằng việc tập trung mọi quyền bính trong tay một người, tuy có giá trị và khả năng, nhưng sức mạnh của khuynh hướng thay đổi, xây dựng một đất nước mới và một nền dân chủ đích thực có sự tham dự của dân chúng, có thể xung đột với chủ trương tập quyền qúa đáng. Dĩ nhiên, điều đáng mong ước là tổng thống thôi đụng độ với phe đối lập thù nghịch sự thay đổi, và các nhóm quyền bính phải hiểu rằng cần xây dựng một thực tại mới cho đất nước.

Hỏi: Ở ngoại quốc người ta nghĩ rắng Giáo Hội đã hoạt động cho sự thay đổi này, nhưng giờ đây xem ra Giáo Hội hơi sợ hãi. Và hàng lãnh đạo Hội Ðồng Giám Mục Ecuador xã xuất hiện đứng đầu phe đối lập trong dịp trưng cầu dân ý Hiến Pháp năm 2008, có dúng thế không thưa Ðức Cha?

Ðáp: Tuyên ngôn của Hội Ðồng Giám Mục hồi tháng 7 năm 2008 đã bị giải thích và hiểu trái với ý định của chúng tôi. Chúng tôi muốn nói rằng trong Hiến Pháp mới có vài điểm hàm hồ, đặc biệt liên quan tới gia đình, là cơ chế gồm một người nam và một người nữ, hay việc tôn trọng sự sống từ lúc thụ thai. Ðồng thời chúng tôi cũng thừa nhận Hiến Pháp có các giá trị và khía cạnh tích cực, vì thế chúng tôi kêu gọi mọi người bỏ phiếu theo lương tâm của mình. Nhưng các giới truyền thông phò các nhóm bảo thủ đã lập tức giải thích là Hội Ðồng Giám Mục chống lại tân Hiến Pháp và kêu gọi dân chúng bỏ phiếu chống, đặc biệt tại những vùng có phe đối lập; nhưng đa số cử tri đã bỏ phiếu chấp thuận, vì họ muốn có các thay đổi sâu rộng trong nước. Trong Giáo Hội, có thể có các ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi rất hiệp nhất liên quan tới các vấn đề của đức tin, cũng như liên quan tới việc bảo vệ sự sống và bảo vệ gia đình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng trả lời cho tín hữu trong các giáo phận liên quan tới các lập trường chính trị, và tôi ủng hộ sự thay đổi.

Hỏi: Sau cuộc trưng cầu dân ý Hiến Pháp và tái bầu tổng thống Correa, Ecuador đã bước vào một giai đoạn mới và có người coi đây là cuộc "cách mạng công dân" thứ hai. Giáo Hội nghĩ gì về điều này thưa Ðức Cha?

Ðáp: Như là Giáo Hội, chúng tôi sẽ sẽ tiếp tục đồng hành với nhân dân trong giai đoạn mới này của lịch sử, bắt đầu từ nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Chúng tôi không chống lại các sửa đổi trong tương quan Giáo Hội Nhà Nước. Trong một tuyên ngôn công bố ngày mùng 10 tháng 8 năm 2009 nhân dịp mừng 200 năm Ecuador độc lập, các Giám Mục đã khước từ các đặc ân trong các hiệp nghị thư của chính quyền. Trong luật mới về phụng tự và giáo dục, chúng tôi sẽ không bênh vực các đặc quyền, nhưng bênh vực sự thật và các quyền của con người và của gia đình thuộc truyền thống của Giáo Hội công giáo và được thấy trước trong Tân Hiến Pháp.

Hỏi: Theo kinh nghiệm trên 25 làm chủ chăn tai Riobamba, Ðức Cha thấy đâu là thách đố chính mà Giáo Hội hoàn vũ phải đương đầu ngày nay?

Ðáp: Ðối với tôi có hai thách đố chính và nghiêm trọng nhất: thứ nhất là hiểu biết là tín hữu Kitô có nghĩa là gì trong thế giới ngày nay để biến đổi nó, nghĩa là đức tin có chiều kích xã hội: vì thế tín hữu có bổn phận chống lại mạn gian tham hối lộ, bất công, bất bình đẳng, và có nhiệm vụ tạo dựng hòa bình, yêu thương, tình huynh đệ để xây dựng Nước Chúa trong thế giới. Ðiều này bao gồm chiều kích truyền giáo: Giáo hội phải làm sao để trong thế giới mỗi tín hữu theo Chúa tìm xây dựng Nước Chúa. Tương lai Giáo Hội là ở đó. Thách đố thứ hai là làm thế nào để xây dựng và duy trì sự hiệp nhất của Giáo Hội, mà vẫn tôn trọng sự khác biệt trong kiểu theo Chúa Giêsu và sống Tin Mừng trong thế giới ngày nay: một thổ dân Kiwchua theo Chúa Giêsu không thể diễn tả như một người Pháp được.

(Jesus Maggio 2010, trang 45-52)

 

Linh Tiến Khải

(Radio Vatican)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page