Nhìn lại chuyến viếng thăm
Chypre của Ðức Thánh Cha
Nhìn lại chuyến viếng thăm Chypre của Ðức Thánh Cha.
Chypre [La Croix 6/6/2010] - Kính thưa quý vị, các bạn thân mến. Chuyến viếng thăm Chypre vừa qua của Ðức thánh cha Benedicto XVI có nhiều điểm đáng chú ý: ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đặt chân đến một quốc gia có tuyệt đại đa số dân theo Chính thống giáo; trong chuyến viếng thăm, đức Benedicto XVI không di chuyển bằng xe bọc kính; không có những cuộc tập trung đông đảo cũng như không có đám đông chờ đón hai bên đường.
Quả thật, chuyến viếng thăm Chypre chỉ có tính cách tượng trưng. Ðây là lần đầu tiên, đức Benedicto XVI đi gặp gỡ với Chính thống giáo. Nhưng qua trung gian Chypre, vị Giáo hoàng này đã đi vào trọng tâm của Trung Ðông để trao cho các vị đại diện của các Giáo hội tại đây "Tài Liệu Làm Việc" của Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung đông sẽ khai diễn tại Roma từ ngày 10 đến 24 tháng 10 năm 2010.
Vào giữa lúc cách đó vài trăm cây số, căng thẳng ngày càng gia tăng tại Gaza cũng như người dân Chypre bị xâu xé vì cuộc xâm chiếm của Thổ Nhĩ Kỳ, một cách khiêm tốn nhưng không thiếu cương quyết, Ðức thánh cha muốn mang lại một giải pháp cho bạo động.
Ðể thực hiện sứ mệnh đại kết và hòa bình của ngài, Ðức thánh cha đã chọn lựa Paphos làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến viếng thăm. Paphos nằm ở mạn Tây nam của Ðảo Chypre. Ðây là nơi mà thánh Phaolô và người bạn đồng hành của ngài là thánh Barnabe đã đối đầu với nhà cầm quyền của đế quốc La mã. Ngày nay, ngôi nhà thờ được xây cất theo lối kiến trúc Byzantin vào thế kỷ thứ 12, thuộc về Giáo hội Chính thống, nhưng cũng được người Công giáo, Anh giáo và cả Tin lành Luther xử dụng.
Cũng chính tại đây mà dạo tháng 10 năm 2009, Ủy ban đối thoại thần học Công giáo và Chính thống đã nhóm họp để thảo luận về chủ đề "tính tối thượng của thánh Phêrô trong thiên niên kỷ thứ nhứt".
Chiều thứ Sáu mùng 4 tháng 6 năm 2010, đã có 2,500 người đến lắng nghe Ðức thánh cha đọc bằng tiếng Hy lạp đoạn 13, từ câu 1 đến câu 12 trong Sách Công Vụ Tông Ðồ. Ngài đã đi lại những dấu chân của vị tông đồ dân ngoại.
Về phần mình, Ðức tổng giám mục Chrysostomos II, thủ lãnh của Giáo hội Chính thống tại Chypre, lại kêu gọi chú ý đến số phận đau thương của đất nước đang bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng. Vị Tổng giám mục Chính thống này nhắc lại: "Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm chiếm và chiếm đoạt một cách dã man 37 phần trăm lãnh thổ của chúng tôi. Các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch hủy diệt đất nước chúng tôi. Gia sản văn hóa của chúng tôi đã bị tàn phá và các tác phẩm nghệ thuật của chúng tôi bị bán cho các con buôn". Do đó, Ðức tổng giám mục Chrysostomos nói với Ðức thánh cha: "Dân tộc chúng tôi đau khổ và đang chiến đấu bên cạnh chính phủ chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi sự hợp tác tích cực của ngài".
Tuy nhiên, ngay từ lúc vừa đặt chân xuống phi trường Nicosie, Ðức thánh cha đã khẳng định rằng ngài đến quốc gia bị chia đôi này với "tư cách một người hành hương và như đầy tớ của các đầy tớ Chúa". Ngài vẫn giữ vị trí ấy khi tuyên bố tại Paphos rằng vai trò của ngài là "làm chiếc cầu nối giữa Ðông và Tây". Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp thông, tuy không trọn vẹn, nhưng cũng đã liên kết các tín hữu Kitô và thúc đẩy họ vượt qua những hàng rào ngăn cách để tái lập sự thống nhứt trọn vẹn và hữu hình như Chúa hằng mong muốn.
Mặc dù lúc từ giã Chypre, đức Benedicto XVI nói rằng ngài rất "xúc động" khi biết rằng một phần lớn gia sản văn hóa của Chypre vốn cũng thuộc về toàn thể nhân loại đã bị mất và người dân Chypre đang phải đau khổ vì xa quê hương và nơi thờ phượng của họ, nhưng xem ra các tín hữu Chính thống Chypre không mấy hài lòng về "giải pháp thiêng liêng" của Ðức thánh cha.
Trong cuộc gặp gỡ với tổng thống Chypre hôm thứ Bảy mùng 5 tháng 6 năm 2010 cũng thế, Ðức thánh cha cũng khẳng định rằng ngài đến đây là để đề nghị một giải pháp có tính thiêng liêng.
Cùng ngày, khi Ðức cha Joseph Soueif, Tổng giám mục công giáo Maronit Liban tại Chypre nói đến những mất mát mà các tín hữu Công giáo phải gánh chịu kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Chypre, Ðức thánh cha cũng chỉ kêu gọi tiếp tục đối thoại để tạo sự tin tưởng lẫn nhau và vượt qua những khác biệt chính trị và văn hóa.
Tính đại kết nổi bật nhứt trong chuyến tông du có lẽ là chuyến viếng thăm của Ðức thánh cha tại Tòa tổng giám mục Chính thống ở Nicosie. Ðức thánh cha khẳng định: "Các cộng đồng Kitô tại Chypre có thể trở thành một không gian thuận lợi cho sự hợp tác đại kết". Ngài cầu mong rằng "tất cả mọi cư dân Chypre có đủ sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để hợp tác với nhau hầu đạt được một giải pháp đúng đắn cho những vấn đề chưa được giải quyết".
Cuộc gặp gỡ trong buổi sáng Chúa Nhựt mùng 6 tháng 6 năm 2010 được Ðức thánh cha xem như một giai đoạn cần thiết cho Thượng hội đồng Giám mục thế giới về Trung Ðông vào tháng 10 năm 2010. Trước sự hiện diện của 10 ngàn tín hữu, Ðức thánh cha đã trao Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng cho các vị đại diện Giáo hội trong toàn vùng Trung Ðông. Ngài khuyến khích các tín hữu như sau: "Anh chị em đang cộng tác bằng vô số cách thế vào công ích, như giáo dục, chăm sóc bệnh nhân và cứu trợ. Anh chị em cũng cũng góp phần xây dựng xã hội. Anh chị em muốn sống hòa bình và hài hòa với những người láng giềng Do thái và Hồi giáo. Anh chị em thường đứng ra làm trung gian hòa bình trong tiến trình hòa giải đày khó khăn. Anh chị em xứng đáng được đề cao trong vai trò cao quý của anh chị em. Tôi hy vọng rằng tất cả mọi quyền của anh chị em , trong đó có quyền tự do thờ phượng và tự do tôn giáo, ngày càng được tôn trọng và anh chị em sẽ không bao giờ phải đau khổ vì bất cứ một sự kỳ thị nào".
Ðặc biệt, Ðức thánh cha kêu gọi cộng đồng thế giới hãy gia tăng nỗ lực để giải quyết các căng thẳng hiện nay tại Trung Ðông, nhứt là tại Thánh Ðịa, để những cuộc xung đột này không dẫn đến những thảm kịch lớn hơn.
Theo nhận định của giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập viên của cộng đồng thánh Egidio, sự hiện diện của Ðức thánh cha tại Chypre là một "hành động ngoại giao mạnh", bởi vì không có một nguyên thủ quốc gia hay một yếu nhân chính trị nào muốn gặp rắc rối với Thổ Nhĩ Kỳ.
CV.